Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Đến thời điểm này, nhiều địa phương đã và đang chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nhân viên cho năm học 2019 - 2020. Một trong những vấn đề đặt ra cho năm học này là giải cho được bài toán thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non.
Giờ học ở Trường tiểu học Chàng Riệc, xã Tân Lập, huyện Tân Biên.
Ngày 19.8, học sinh THCS và THPT trên địa bàn tỉnh bắt đầu năm học 2019 - 2020. Ngày 26.8, học sinh tiểu học và sau ngày khai giảng 5.9, học sinh mầm non bước vào năm học mới. Đến thời điểm này, nhiều địa phương đã và đang chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nhân viên cho năm học 2019 - 2020. Một trong những vấn đề đặt ra cho năm học này là giải cho được bài toán thiếu giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non
Tuyển bổ sung giáo viên mầm non
Tại huyện Dương Minh Châu, UBND huyện chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường học trên địa bàn sửa chữa trường, lớp, chuẩn bị chu đáo các điều kiện phục vụ công tác khai giảng năm học 2019 - 2020. Phòng GD&ĐT, các trường THPT, Trung tâm GDNN-GDTX huyện tổ chức triển khai thực hiện nghiêm các hoạt động chuẩn bị khai giảng năm học 2019 - 2020 theo chỉ đạo của UBND huyện và hướng dẫn của Sở GD&ĐT. Trong đó, UBND huyện yêu cầu ngành Giáo dục huyện tập trung thực hiện tốt công tác tuyển sinh đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đồng thời rà soát, tuyển dụng viên chức sự nghiệp giáo dục đáp ứng yêu cầu giảng dạy của năm học.
Lãnh đạo Phòng GD&ĐT huyện thông tin, năm học 2019 - 2020, tổng số trẻ 5 tuổi trong địa bàn là 1.809 trẻ, theo kế hoạch sẽ ưu tiên tuyển sinh trẻ trong độ tuổi này, đạt tỷ lệ 99% trở lên. Các độ tuổi còn lại tuyển sinh theo điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên hiện có.
Ở cấp tiểu học, theo kế hoạch, tuyển 100% số trẻ 6 tuổi và các độ tuổi khác (nếu có) vào lớp 1. Năm học 2018 - 2019, tổng số học sinh hoàn thành chương trình tiểu học là 1.958 em và sẽ tuyển 100% số học sinh này vào lớp 6. Ở cấp THPT, tổng số học sinh được xét công nhận tốt nghiệp THCS 1.477 em. Sở GD&ĐT phê duyệt tuyển 1.194 học sinh hoàn thành chương trình THCS lớp 10. Trong đó, Trường THPT Dương Minh Châu tuyển 360 chỉ tiêu, Trường THPT Nguyễn Thái Bình tuyển 405 học sinh, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu tuyển 315 học sinh và Trung tâm GDNN-GDTX tuyển 114 học sinh.
Như vậy theo chỉ tiêu Sở GD&ĐT phê duyệt thì số lượng tuyển sinh vào lớp 10 của huyện Dương Minh Châu là 1.194/1.477, tỷ lệ 80,83%. Số còn lại sẽ phân luồng cho học sinh học nghề và lao động phổ thông.
Liên quan đội ngũ giáo viên, hiện tại, bậc học mầm non ở Dương Minh Châu đang thiếu 31 người, tính theo tỷ lệ 2 giáo viên trong một lớp. Ở cấp tiểu học, địa phương này đang cần thêm 6 giáo viên dạy tiếng Anh. Trong thời gian tới, huyện sẽ tuyển 25 giáo viên mầm non và 6 giáo viên tiếng Anh.
Chuẩn bị cho năm học mới, các trường học trên địa bàn huyện đã và đang sửa chữa trường lớp theo kế hoạch. Nội dung công việc chủ yếu gồm chống dột, sửa chữa bàn ghế, sửa chữa hệ thống điện, nước, công trình vệ sinh, quét vôi phòng học, cổng, hàng rào, cây xanh, sơn vẽ biển trường, mua băng-rôn, khẩu hiệu… Công việc này đã hoàn thành ngày 10.8. Riêng việc cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất theo danh mục được UBND tỉnh thẩm định từ nguồn kinh phí tỉnh hỗ trợ gồm 8 hạng mục ở 8 trường cũng đã hoàn thành.
Tại huyện Tân Châu, ngoài công tác tuyển sinh các cấp học, bậc học theo đúng quy định, địa phương này đang cần bổ sung 42 người cho bậc học mầm non, gồm 39 giáo viên và 3 nhân viên y tế. Cũng ở bậc học này, Trường mầm non Tân Hưng đã được sáp nhập về Trường mẫu giáo Tân Hưng, theo chủ trương sắp xếp lại trường lớp. Ở cấp tiểu học, Tân Châu cần bổ sung 115 người, trong đó có 75 giáo viên. Đối với cấp trung học cơ sở, Tân Châu cũng đang cần thêm 39 người, trong đó có 38 giáo viên.
UBND huyện Tân Châu đã ban hành kế hoạch tuyển bổ sung số giáo viên, nhân viên đang thiếu. Trước mắt, chỉ tiêu cụ thể tuyển trong năm học này là 61 giáo viên cho bậc học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Tính đến ngày 12.8, số hồ sơ nộp để dự tuyển còn thiếu so với chỉ tiêu cần tuyển. Ví dụ, bậc học mầm non tuyển 45 giáo viên nhưng chỉ mới nhận được 19 hồ sơ.
Về cơ sở vật chất trường lớp, Tân Châu đang xây mới, sửa chữa, nâng cấp nhiều trường học trên địa bàn các xã Tân Hà, Tân Phú và Suối Ngô. Khi hoàn thiện, mạng lưới trường lớp ở ba xã này sẽ khang trang hơn. Lãnh đạo Phòng GD&ĐT Tân Châu cho biết, đến thời điểm này, cơ sở vật chất của các cấp học, bậc học, trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy bảo đảm cho việc chuẩn bị khai giảng năm học mới. Ngành cũng nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, ngành, mạnh thường quân cả về vật chất lẫn tinh thần cho sự nghiệp giáo dục đào tạo. Tuy vậy, vấn đề Tân Châu (thật ra cũng không phải riêng huyện này) là tình hình thiếu giáo viên mầm non.
Ngoài hai địa phương nêu trên, các địa phương khác cũng đang chuẩn các công việc cho năm học mới. Một số huyện, thành phố đã và đang sắp xếp, sáp nhập trường theo chủ trương của Trung ương.
Nguyên tắc chung: đủ trường, đủ lớp, đủ giáo viên
Tại hội nghị tổng kết năm học do Bộ GD&ĐT tổ chức cách nay ít hôm (báo chí đã đưa tin), Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam một lần nữa nhấn mạnh, nguyên tắc chung của giáo dục là phải đủ, gồm đủ trường, đủ lớp, đủ giáo viên. Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý tình hình thiếu giáo viên mầm non ở nhiều địa phương và yêu cầu phải bố trí đủ tỷ lệ giáo viên mầm non để cải thiện chất lượng, chăm sóc nuôi dạy trẻ. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu, ngoài việc bố trí đủ giáo viên cho bậc học mầm non, các địa phương phải quan tâm thoả đáng về cơ sở vật chất cho bậc học này, trong đó bố trí quỹ đất để xây trường.
Đánh giá về giáo dục mầm non, Bộ GD&ĐT nhìn nhận, tình trạng thiếu giáo viên chưa được khắc phục, tạo áp lực lớn cho giáo viên trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ (toàn quốc thiếu trên 49.000 giáo viên mầm non). Từ năm 2015 đến nay, số lượng trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non tăng nhanh (tăng trên 1,2 triệu trẻ; tương ứng tăng trên 41 nghìn nhóm/lớp). Tuy nhiên, số lượng giáo viên được tuyển dụng hằng năm chưa tương xứng với số lượng trẻ tăng thêm, trong khi mỗi năm toàn ngành có khoảng 3.000 giáo viên nghỉ hưu.
Công tác tuyển dụng tại một số địa phương còn chậm, chưa kịp thời đáp ứng được quy mô trường, lớp tăng hằng năm. Một số địa phương chưa đáp ứng kịp do thiếu biên chế, thiếu kinh phí, vướng mắc về tính pháp lý khi ký hợp đồng lao động. Cơ chế phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý giáo dục còn chưa hợp lý, thiếu sự đồng bộ, có nhiều cơ quan tham gia vào quá trình tuyển dụng, bố trí, sử dụng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục làm cho ngành Giáo dục khó chủ động trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Một số giáo viên mầm non còn hạn chế về kỹ năng sư phạm, xử lý tình huống trong chăm sóc, giáo dục trẻ dẫn đến gây mất an toàn cho trẻ. Nhân viên nấu ăn, bảo vệ, phục vụ trong các cơ sở giáo dục mầm non thiếu về số lượng và chưa có cơ chế để thực hiện chế độ, chính sách. Thu nhập của giáo viên mầm non thấp, thời gian làm việc ở trường quá dài, áp lực công việc lớn, ảnh hưởng đến cuộc sống của giáo viên nên ở một số địa phương có tình trạng giáo viên mầm non bỏ việc. Một số cơ sở giáo viên mầm non còn để xảy ra mất an toàn cho trẻ, đặc biệt vẫn còn tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong công tác tổ chức ăn bán trú cho trẻ tại cơ sở giáo viên mầm non, gây bức xúc trong dư luận.
Câu chuyện thiếu giáo viên nói chung, giáo viên mầm non thật ra không phải mới. Câu hỏi đặt ra, giải bài toán này có khó không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể giải quyết bài toán này. Đối với bậc học phổ thông, nếu sắp xếp hợp lý, khoa học, cộng với việc sắp xếp, sáp nhập trường lớp, giáo viên không hề thiếu, thậm chí thừa. Chuyện thiếu giáo viên ở bậc học phổ thông chỉ có tính chất cục bộ, đơn lẻ, hoàn toàn có thể tuyển dụng, bố trí được.
Cần biết, ở bậc học phổ thông, nhất là cấp trung học cơ sở, THPT, đa số giáo viên dạy không đủ số tiết theo định mức. Rất nhiều giáo viên thậm chí dạy chưa được 50% số tiết theo quy định của Bộ GD&ĐT. Lý do đơn giản, số lớp học ngày càng giảm. Ngành Giáo dục Tây Ninh đã và đang sáp nhập nhiều trường phổ thông là dẫn chứng điều vừa trình bày.
Khác với giáo dục phổ thông, bậc học mầm non hiện chưa xảy ra chuyện thừa thiếu giáo viên cục bộ, có nghĩa bậc học này đang thiếu giáo viên. Chính vì thiếu giáo viên nên sĩ số lớp học mầm non thường quá đông so với quy định, có nơi số học sinh nhiều gấp rưỡi, gấp đôi. Giáo dục mầm non ở Tây Ninh cũng không nằm ngoài quỹ đạo chung đó.
Chính vì thế, năm học 2018 - 2019, để giải quyết, tỉnh đã cho chủ trương hợp đồng có thời hạn ba năm, song vì nhiều nguyên nhân, số giáo viên ký hợp đồng chỉ có hơn 30 người, thấp hơn nhiều so với số lượng cần tuyển. Vừa qua, Bộ Nội vụ chính thức có văn bản đồng ý để Tây Ninh tuyển dụng 383 giáo viên mầm non cho năm học 2019 - 2020. Hiện tại, chưa biết ngành Giáo dục có tuyển đủ chỉ tiêu hay không?
VIỆT ĐÔNG