Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trong những năm qua, tỉnh có những bước tiến tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư phát triển, tạo điều kiện thu hút một lượng vốn đầu tư xã hội đáng kể. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào tỉnh có tác dụng tích cực đến việc khai thác tiềm năng thế mạnh của tỉnh cho mục đích phát triển kinh tế...
Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Phước Đông, Gò Dầu.
Giai đoạn 2010-2020, cơ cấu ngành kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng công nghiệp rõ nét. Ngành nông - lâm - thuỷ sản có mức đóng góp giảm, từ tỷ trọng dẫn đầu các ngành kinh tế ở mức 37,1% vào năm 2010, còn 21,6% vào năm 2020.
Tỷ trọng đóng góp công nghiệp - xây dựng trong GRDP tăng từ 21,5% năm 2010 lên 43,3% năm 2020. Tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ giảm từ mức 36,3% năm 2010 còn khoảng 30,2% vào năm 2020.
Công nghiệp - xây dựng có vai trò hết sức quan trọng đối với kinh tế tỉnh. Trong đó, công nghiệp đóng góp 37,8% trong GRDP (tổng đóng góp của ngành công nghiệp - xây dựng là 43,3%). Những nỗ lực của tỉnh trong giai đoạn 2011-2020 đã giúp nâng dần tỷ trọng công nghiệp, có nhiều đóng góp hơn cho nền kinh tế so với giai đoạn trước đó.
Trong những năm qua, tỉnh có những bước tiến tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư phát triển, tạo điều kiện thu hút một lượng vốn đầu tư xã hội đáng kể. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào tỉnh có tác dụng tích cực đến việc khai thác tiềm năng thế mạnh của tỉnh cho mục đích phát triển kinh tế, xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Đồng thời, nguồn vốn trong nước cũng đã được khai thác tốt hơn.
Lĩnh vực công nghiệp đã có những bước tiến vượt bậc, thể hiện rõ nét qua từng giai đoạn. Giai đoạn 2001-2010, sự phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu do sự đóng góp của ngành công nghiệp chế biến- chiếm hơn 93% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Tuy nhiên, công nghiệp chế biến chủ yếu là chế biến nông lâm sản dựa trên các nguồn nguyên liệu tại chỗ. Các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp dịch vụ và các ngành công nghiệp khác có quy mô nhỏ, chưa tạo ra sự dịch chuyển cơ cấu tích cực và hợp lý, chưa đóng góp nhiều vào phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh.
Công nghiệp khoáng sản phát triển với việc hình thành Nhà máy xi măng Fico Tây Ninh, công suất 1,5 triệu tấn xi măng/năm. Số lượng các dự án công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng tăng, đưa giá trị sản xuất công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài năm 2010 chiếm 44,8% tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn.
Cơ cấu công nghiệp theo thành phần kinh tế đã có sự dịch chuyển ngày càng hợp lý hơn. Tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp khu vực nhà nước từ 27,5% (năm 2000) xuống 14% (năm 2010). Điều này chứng tỏ công nghiệp tỉnh chuyển biến mạnh hơn theo kinh tế thị trường, khuyến khích các thành phần kinh tế khác phát triển nhằm thu hút nguồn vốn, đổi mới công nghệ sản xuất và đa dạng hoá sản phẩm.
Công nghiệp tập trung chủ yếu ở phía Nam gắn với hệ thống hạ tầng giao thông tương đối thuận tiện với một số các khu, cụm công nghiệp tập trung có quy mô khá lớn. Tính đến năm 2010, Tây Ninh có 5 khu công nghiệp (KCN) đã được thành lập gồm: KCN Trảng Bàng (190,76 ha), Khu chế xuất và công nghiệp Linh Trung III (202,67 ha), KCN Phước Đông - Bời Lời (2.838 ha), KCN Bourbon An Hoà (1.020 ha), KCN Chà Là (200 ha). Hình thành Khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Mộc Bài và Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát.
Giai đoạn 2011-2020, cơ cấu kinh tế chuyển theo hướng công nghiệp hoá khá rõ nét, tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp trong GRDP của tỉnh tăng dần qua các năm (năm 2010 đạt 17,3%; năm 2015 đạt 22,9%; năm 2020 đạt 33,1%).
Đóng góp vào sự tăng trưởng mạnh của ngành công nghiệp chính là nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Chỉ số sản xuất (IIP) của ngành công nghiệp giai đoạn 2012-2020 là 14,22%. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo có chỉ số sản xuất đạt 14%/năm, chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng giá trị sản xuất, khoảng 98% tổng giá trị toàn ngành.
Công nhân làm việc tại một doanh nghiệp thực phẩm trong KCN Trảng Bàng.
Các KCN đóng vai trò ngày càng quan trọng trong thu hút đầu tư và phát triển KT-XH của tỉnh. Các KCN phân bố chủ yếu trong vùng động lực kinh tế của tỉnh tại Trảng Bàng, Gò Dầu, có điều kiện về không gian, thuận lợi cho việc kết nối các hạ tầng, nhất là các hạ tầng thiết yếu như giao thông, điện, nước. Hiện Tây Ninh có 6 KCN nằm trong quy hoạch KCN Việt Nam đến năm 2020 với tổng diện tích đất theo quy hoạch là 3.959 ha.
Trong đó, có 5 KCN đã được cấp phép thành lập và hoạt động, với tổng diện tích đất được duyệt theo quy hoạch khoảng 3.385 ha, diện tích đất thực hiện khoảng 3.383 ha, đất công nghiệp có thể cho thuê 2.540 ha, đã cho thuê 1.553 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 61,2%. Riêng 2 khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài và Xa Mát phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.
Trên địa bàn tỉnh có 5 cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động: CCN Bến Kéo thị xã Hoà Thành, Tân Hội 1 huyện Tân Châu, Thanh Xuân huyện Tân Biên, Ninh Điền và Hoà Hội huyện Châu Thành với diện tích đất công nghiệp 146,62 ha, diện tích đất công nghiệp đã cho thuê 129,79 ha, tỷ lệ lấp đầy chiếm 88,52%.
5 cụm công nghiệp đang hoạt động thu hút được 20 dự án đầu tư thứ cấp với tổng vốn đăng ký khoảng 3.070 tỷ đồng, trong đó, có 17 dự án đang hoạt động, 3 dự án giãn tiến độ đầu tư. Tổng số lao động làm việc tại các CCN là 3.125 người.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp ở mức cao, theo hướng bền vững, để công nghiệp trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế, đưa Tây Ninh vào nhóm 20 tỉnh có GRDP cao nhất cả nước vào năm 2030; thu hút đầu tư các ngành, sản phẩm có hàm lượng khoa học và công nghệ và giá trị gia tăng cao, bảo đảm môi trường, qua đó, thực hiện chuyển dịch mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu; tiếp tục duy trì phát triển các sản phẩm quan trọng, chuyển dần từ gia công, chế biến thô sang chế biến sâu.
Giang Hà