Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tây Ninh phấn đấu đến năm 2015, đưa tỷ lệ che phủ rừng từ 33% trở lên; 96% dân cư nông thôn, 100% dân số đô thị sử dụng nước sạch hợp vệ sinh…
(BTNO) – Theo UBND tỉnh, trong giai đoạn 2011 – 2015, cần phải sử dụng hợp lý và có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm sự hài hoà giữa phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên môi trường.
Phấn đấu đến năm 2015, đưa tỷ lệ che phủ rừng từ 33% trở lên (bao gồm cả độ che phủ của cây cao su); 96% dân cư nông thôn, 100% dân số đô thị sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; 100% cơ sở sản xuất kinh doanh hiện có đạt tiêu chuẩn môi trường, 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt tiêu chuẩn môi trường; 100% chất thải rắn ở đô thị, chất thải nguy hại và chất thải y tế được thu gom, xử lý. Dự kiến, trong giai đoạn 2011 – 2015, tỉnh sẽ xây dựng một hệ thống thu gom và xử lý nước thải ở khu vực Thị xã có công suất 6.000m3/ ngày đêm với kinh phí khoảng 300 tỷ đồng, trong đó Trung ương hỗ trợ 70 tỷ đồng, nguồn vốn ODA là 230 tỷ đồng.
UBND tỉnh cũng đã đề ra các giải pháp bảo vệ tài nguyên môi trường, trong đó nhấn mạnh đến việc tổ chức thực hiện tốt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020, Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi, Nghị quyết 27/NQ-CP ngày 12.6.2009 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bãch trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường.
Cần phải nghiêm trị các hành vi phá rừng |
Xây dựng và hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020; nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp theo hướng bảo đảm khai thác sử dụng đất có hiệu quả, quản lý chặt việc tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Khắc phục triệt để tình trạng quy hoạch “treo”, dự án “treo”, bảo đảm sự thống nhất giữa quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác, quy hoạch đất chuyên trồng lúa nước trên từng địa bàn huyện, xã để bảo đảm an ninh lương thực.
Tiến hành rà soát quỹ đất công, nhất là ở nội thị thị xã, thị trấn để có kế hoạch sắp xếp, điều chỉnh, quản lý và sử dụng cho phù hợp, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu tái thiết, phát triển đô thị.
Thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý việc quản lý, sử dụng đất đã giao cho các dự án, các đơn vị, doanh nghiệp để bảo đảm việc sử dụng đất đúng mục đích, hiệu quả, tránh lãng phí. Củng cố, tăng cường tổ chức phát triển quỹ đất, đẩy mạnh việc áp dụng hình thức đấu giá quyền sử dụng đất đối với đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp và đất ở; thu hồi đất không sử dụng, chậm tiến độ sử dụng, sử dụng không đúng mục đích. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản, có biện pháp hiệu quả hạn chế và đi đến chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.
Kiện toàn và nâng cao năng lực tổ chức quản lý Nhà nước và sự nghiệp môi trường ở các cấp, các ngành. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường theo định kỳ và đột xuất. Nâng cao chất lượng công tác thẩm định, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động, cam kết bảo vệ môi trường. Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quan trắc môi trường.
Tiếp tục xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng về bảo vệ môi trường: công trình xử lý nước thải tập trung, thu gom, vận chuyển xử lý rác thải, công trình cấp nước sạch, hợp vệ sinh.
Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng có hiệu quả các loại rừng; nâng cao giá trị kinh tế của rừng, nhất là rừng phòng hộ.
HY UYÊN