Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trong 10 năm (2012-2022), HĐND tỉnh ban hành hai nghị quyết, UBND tỉnh ban hành hai quyết định về mức hỗ trợ đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn và chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Trạm cấp nước sạch nông thôn ngã ba Bổ Túc (ảnh minh hoạ: Minh Dương - chụp ngày 22.11.2019)
Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh năm 2012 là 94,64%, năm 2020 là 99,02% (dự kiến năm 2022 là 99,4%). Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch theo QCVN 02:2009/BYT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt, năm 2012 là 6,82%, năm 2020 là 62,02% (dự kiến năm 2022 là 66%).
Trên địa bàn tỉnh có 76 công trình cấp nước (75 công trình cấp nước tập trung nông thôn và 1 công trình cấp nước nhỏ lẻ) gồm: 70 công trình do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý; 5 công trình do UBND xã quản lý; 1 công trình do hợp tác xã quản lý. Hiện có 59/76 công trình cấp nước bền vững. Có 10/76 công trình cấp nước kém bền vững. Có 7/76 công trình cấp nước không hoạt động.
Thời gian qua, chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, do thời gian thực hiện ngắn, nhiều đối tượng chưa có điều kiện tiếp cận với chính sách hỗ trợ hệ thống xử lý nước hộ gia đình nông thôn.
Đáng chú ý là chương trình tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo các Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg, số 18/2014/QĐ-TTg và số 1205/QĐ-TTg kết thúc vào năm 2020.
Do đó, còn nhiều hộ gia đình chưa tiếp cận với nguồn vốn vay của chương trình; chưa có chính sách hỗ trợ cho vay đối với đối tượng hộ gia đình chưa có nước sạch hoặc đã có nguồn nước nhưng chưa đạt quy chuẩn, chưa bảo đảm vệ sinh ở khu vực đô thị. Đồng thời, mức cho vay tối đa đối với 1 công trình chỉ 10 triệu đồng là chưa đáp ứng đủ như cầu chi phí cần thiết để hộ dân xây dựng công trình bảo đảm chất lượng.
Bên cạnh đó, các công trình cấp nước nông thôn chủ yếu tại khu vực dân cư thưa thớt, vùng biên giới; nguồn thu không đủ bù cho các khoản chi phí, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Do đó, việc mời gọi đầu tư, quản lý, khai thác và vận hành công trình cấp nước ở khu vực nông thôn còn khó khăn, chậm thu hút được các doanh nghiệp quan tâm, đầu tư.
An Khang