Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Giai đoạn 2017-2022: Tốc độ tăng giá trị sản phẩm GRDP nông, lâm, thuỷ sản đạt bình quân 1,5%/năm
Thứ sáu: 05:05 ngày 19/05/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sáng 18.5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp và triển khai thực hiện các nội dung trọng tâm của ngành NN&PTNT năm 2023.

Quang cảnh buổi hội nghị.

Đến dự có ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; Phòng Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố, Phòng NN&PTNT các huyện và các đơn vị chuyên môn thuộc Sở NN&PTNT.

Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Anh Tâm- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, qua hơn 5 năm thực hiện đề án cơ cấu lại nông nghiệp theo Quyết định số 382/QĐ-UBND, giai đoạn 2017-2022, tốc độ tăng giá trị sản phẩm GRDP nông, lâm, thuỷ sản đạt bình quân 1,5%/năm;

Tỷ trọng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đạt 37% (tăng 16,5% so với năm 2017); diện tích tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đạt 30% (tăng 17,5%); tỷ lệ lao động nông thôn đã qua đào tạo đạt 20,8% (tăng 18,2%); tỷ trọng giá trị sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt 13,3% (tăng 2,95%); diện tích rừng được bảo vệ, duy trì ổn định, tỷ lệ che phủ rừng đạt 16,3% (tăng 0,1%).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh ban lãnh đạo Sở NN&PTNT.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đang được tích cực thực hiện đúng theo định hướng đề ra với trên 40.870 ha cây trồng đã chuyển đổi giúp tăng giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha sản xuất lên 106 triệu đồng/năm, gần 70% trại chăn nuôi tập trung; liên kết sản xuất - tiêu thụ dần được quan tâm và đã hình thành trên các nông sản chính của tỉnh, nhất là trên các sản phẩm chăn nuôi.

Công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng thực hiện tốt, tỷ lệ che phủ rừng tăng từ 16,1% lên 16,3%, kéo giảm gần 50% số vụ cháy rừng, 67% số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, đời sống của các hộ nhận khoán trồng, chăm sóc bảo vệ rừng ngày càng được cải thiện.

Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho người dân. Công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được thực hiện tốt, thường xuyên theo dõi, dự báo tình hình dịch bệnh và kịp thời hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống hiệu quả.

Hệ thống thuỷ lợi được đầu tư theo hướng đa mục tiêu, công tác duy tu, sửa chữa kịp thời, mở rộng hệ thống kênh tưới, tiêu, bảo đảm khả năng tiêu thoát khi xảy ra thiên tai, mưa bão. Đặc biệt là hệ thống tưới tiêu vượt sông Vàm Cỏ Đông từng bước được đầu tư hoàn chỉnh góp phần mở rộng vùng tưới, tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng.

Các chính sách được ban hành kịp thời, việc phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn gắn với cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư phần nào giúp cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận với đất đai, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT.

Tuy nhiên, qua 5 năm thực hiện Đề án, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp còn chậm so yêu cầu, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, chủ yếu là sản xuất thô; tỷ trọng giá trị sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản được sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP) vẫn còn thấp, chỉ đạt 3,8% (giảm 2,5%); thiếu công lao động, chi phí một số vật tư nông nghiệp, nguyên liệu đầu vào, nhân công lao động tăng cao; tiêu thụ nông sản qua nhiều trung gian; các mô hình sản xuất hiệu quả chậm được nhân rộng; nông dân còn e ngại mô hình sản xuất mới; thiếu vốn sản xuất nên chưa mạnh dạn đầu tư chuyển đổi.

Ngoài ra, tỉnh đã định hướng quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (20 vùng) và thí điểm vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Tân Châu để thu hút đầu tư, nhưng đến nay, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có vùng được công nhận vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao những nỗ lực và kết quả của ngành nông nghiệp tỉnh đã đạt được trong hơn 5 năm triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, định hướng cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo yêu cầu của thị trường, thay đổi tư duy sản xuất, thúc đẩy nền nông nghiệp từng bước chuyển mình theo hướng tích cực, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

Dự án thủy lợi tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông sẽ cung cấp nước tưới cho khoảng 17 ngàn ha đất nông nghiệp của hai huyện Châu Thành và Bến Cầu.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến, công tác cơ cấu lại nông nghiệp của tỉnh cũng còn những khó khăn, bất cập cần phải khắc phục.

Ông Trần Văn Chiến yêu cầu Sở NN&PTNT, các địa phương tập trung rà soát các chỉ tiêu sản xuất phù hợp với thực tế, tập trung triển khai có hiệu quả Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 và thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của UBND tỉnh.

Sở NN&PTNT phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả các đề án, chương trình mới được ban hành, đầu tư hạ tầng nông nghiệp, thuỷ lợi, giao thông, lưới điện... gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế tuần hoàn, gia tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác; hình thành các vùng sản xuất có quy mô lớn, chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực đáp ứng tiêu chí sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Sản xuất nông nghiệp những năm qua đạt nhiều kết quả khả quan.

Tăng cường xúc tiến thương mại, đa dạng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giải quyết đầu ra cho nông sản.

Đẩy mạnh công tác khuyến nông, nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất, đồng thời tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Thực hiện phương án sử dụng quỹ đất của các công ty nông nghiệp giao về địa phương quản lý, để tạo quỹ đất thu hút đầu tư, phát triển nông thôn.

Minh Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục