Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Giai đoạn 2021 - 2022: Trên 4.700 ha đất trồng lúa được chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Chủ nhật: 23:33 ngày 03/09/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đến nay, phần lớn diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang trồng các loại cây như sầu riêng, mãng cầu, nhãn, bưởi... đều đã khẳng định được hiệu quả kinh tế, đem lại thu nhập ổn định, giúp nâng cao đời sống cho nông dân.

Trồng dứa ở xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), giai đoạn 2021-2022, trên địa bàn tỉnh có trên 4.700 ha đất trồng lúa được chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng và mang lại hiệu quả kinh tế, ổn định thu nhập cho người dân.

Việc chuyển đổi mang lại cho nông dân thu nhập tăng thêm từ 1,5 đến 4 lần so với trồng lúa, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Tổng diện tích đất trồng lúa đã chuyển đổi sang trồng cây hằng năm giai đoạn này khoảng 2.930 ha (trong đó, năm 2021 khoảng 1.800 ha, năm 2022 khoảng 1.130 ha).

Đến nay, phần lớn diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang trồng các loại cây như sầu riêng, mãng cầu, nhãn, bưởi... đều đã khẳng định được hiệu quả kinh tế, đem lại thu nhập ổn định, giúp nâng cao đời sống cho nông dân. Các loại cây lâu năm khác đang được thu hoạch và mang lại lợi nhuận trên 100 triệu đồng/ha cho người dân.

Đặc biệt, nông dân còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới thấm, ứng dụng tưới thông minh... Tổng diện tích đất trồng lúa được chuyển đổi sang trồng cây lâu năm giai đoạn 2021-2022 là 1.778 ha (năm 2021 chuyển đổi 674 ha; năm 2022 chuyển đổi trên 1.100 ha).

Mô hình trồng lúa kết hợp nuôi thuỷ sản chưa được nhiều người dân quan tâm do hiệu quả chưa cao, khó khăn về địa hình và nguồn nước tưới. Vì vậy, diện tích chuyển đổi trồng lúa kết hợp nuôi thuỷ sản trên địa bàn tỉnh rất ít, giai đoạn 2021-2022 chỉ có khoảng 24 ha thực hiện chuyển đổi.

Kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa cho thấy việc người dân chuyển đổi các diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác phù hợp với tình hình thực tế, nâng cao năng suất cây trồng, không những cho hiệu quả kinh tế cao hơn mà còn giải quyết được vấn đề giảm áp lực tưới tiêu, phòng trị sâu bệnh hại, cải tạo đất, góp phần hướng tới sản xuất nông nghiệp hàng hoá. Đa số người dân đều hưởng ứng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần đa dạng hoá sản phẩm nông nghiệp.

Các chính sách hỗ trợ và khuyến khích người dân trong sản xuất nông nghiệp như hỗ trợ lãi vay theo Quyết định số 21/2019/QĐ-UBND ngày 17.6.2019 của UBND tỉnh; hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND ngày 28.6.2019 của UBND tỉnh được ban hành kịp thời, tạo điều kiện cho người dân mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi cây trồng.

Tuy nhiên, Sở NN&PTNT đánh giá, việc chuyển đổi cây trồng một số nơi còn mang tính tự phát theo tín hiệu thị trường, khi giá nông sản xuống thấp sẽ phá bỏ chuyển sang cây trồng khác. Vẫn còn tình trạng một số người dân tự ý chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa mà không đến UBND xã, phường, thị trấn đăng ký theo quy định. Ngoài ra, chi phí đầu tư khi chuyển đổi từ cây lúa sang cây ăn trái hay các cây hằng năm áp dụng công nghệ cao (như dưa lưới) là khá cao, làm ảnh hưởng đến việc mở rộng các diện tích chuyển đổi.

Sở NN&PTNT kiến nghị UBND xã, phường, thị trấn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn.

Bên cạnh đó, lập sổ theo dõi chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về UBND cấp huyện; thực hiện nghiêm theo quy định của thủ tục hành chính tại Quyết định số 1261/QĐ-UBND ngày 11.6.2021 của UBND tỉnh công bố danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh.

Ngày 8.8.2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1624/QĐ-UBND về Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tỉnh Tây Ninh năm 2023. Theo đó, tổng diện tích chuyển đổi toàn tỉnh là 2.211 ha, cụ thể ở các địa phương như sau: huyện Bến Cầu 403 ha; huyện Châu Thành 200 ha; huyện Dương Minh Châu 677 ha; huyện Gò Dầu 120 ha; huyện Tân Biên 387,5 ha; thị xã Hoà Thành 260,5 ha; thị xã Trảng Bàng 100 ha; thành phố Tây Ninh 63 ha.

Theo quyết định này, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên phạm vi toàn tỉnh. UBND cấp huyện, thị xã, thành phố lập và ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của cấp huyện trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tại địa bàn.

UBND cấp xã căn cứ nhu cầu chuyển đổi của tổ chức, cá nhân trên địa bàn và kế hoạch chuyển đổi của cấp huyện ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên địa bàn. Tiếp nhận, xử lý bản đăng ký chuyển đổi; lập sổ theo dõi chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn.

Trúc Ly

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục