Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giai đoạn 2021-2025: Giải ngân vốn đầu tư công trung hạn từ nguồn ngân sách địa phương đạt cao 

Cập nhật ngày: 14/09/2024 - 17:02

BTNO - Tổng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Tây Ninh được Thủ tướng Chính phủ giao là hơn 19.000 tỷ đồng; HĐND tỉnh giao hơn 24.000 tỷ đồng, tăng gần 3.900 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách địa phương so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Thi công tuyến đường Đất Sét – Bến Củi.

Trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn, căn cứ tình hình thực tế và khả năng cân đối vốn ngân sách Nhà nước hằng năm, UBND tỉnh thực hiện việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách Nhà nước nhằm sử dụng tối ưu số vốn được giao.

Cụ thể, đối với vốn ngân sách Trung ương – vốn trong nước, UBND tỉnh đã có văn bản đề xuất bổ sung dự án mới Tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ giai đoạn 2 từ nguồn vốn điều chỉnh giảm 120 tỷ đồng của dự án Xây dựng Cửa khẩu chính Phước Tân, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đối với vốn ngân sách Trung ương – vốn nước ngoài, UBND tỉnh đã có văn bản đề xuất, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh giảm kế hoạch vốn của dự án Phát triển các đô thị hành lang sông Mekong mở rộng tại Mộc Bài - Tây Ninh và Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh Tây Ninh (VILG) do dự án đã hoàn thành, không còn nhu cầu sử dụng vốn để bổ sung vốn cho dự án hệ thống thu gom và xử lý nước thải thành phố Tây Ninh.

Công nhân thi công tuyến đường 795 gói thầu số 7 (phạm vi huyện Tân Châu).

Vốn ngân sách địa phương, đến 31.8.2024, UBND tỉnh đã 3 lần trình HĐND điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách địa phương để bổ sung, điều chỉnh các dự án, chương trình nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư của địa phương.

Tổng kế hoạch vốn giao hàng năm giai đoạn 2021-2024 và dự kiến năm 2025 hơn 21.000 tỷ đồng, đạt 113% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 88,6% kế hoạch HĐND tỉnh giao, giảm gần 2.800 tỷ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh giảm gần 1.900 tỷ đồng và vốn ngân sách cấp huyện giảm hơn 897 tỷ đồng.

Nguyên nhân của việc cân đối nguồn lực đầu tư công trung hạn của địa phương chưa bảo đảm so với kế hoạch HĐND tỉnh giao do ảnh hưởng của dịch Covid– 19, nền kinh tế chậm phục hồi sau đại dịch nên tình hình sản xuất kinh doanh bị đình trệ, các nguồn thu của ngân sách tỉnh giảm.

Kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư công hằng năm theo từng nguồn vốn như sau: nguồn ngân sách trung ương (so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao): vốn trong nước, năm 2021 giải ngân hơn 707 tỷ đồng đạt 99,99% kế hoạch; năm 2022 giải ngân hơn 1.006 tỷ đồng đạt trên 96%; năm 2023 giải ngân hơn 980 tỷ đồng, đạt 97% kế hoạch. Ước giải ngân năm 2024 gần 721 tỷ đồng; dự kiến năm 2025 giải ngân gần 621 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch.

Đối với nguồn vốn nước ngoài, năm 2021, 2022, 2023 giải ngân đạt thấp so với kế hoạch; riêng năm 2024 và 2025 dự kiến giải ngân đạt 100% kế hoạch.

Nguồn ngân sách địa phương, năm 2021 giải ngân hơn 3.200 tỷ đồng đạt 95% kế hoạch HĐND tỉnh giao; năm 2022 giải ngân 3.000 tỷ đồng, đạt 97%; năm 2023 giải ngân 3.200 tỷ đồng, đạt 97%. Uớc giải ngân năm 2024 là 4.200 tỷ đồng và dự kiến giải ngân 2025 là 3.700 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch HĐND tỉnh giao.

Nhi Trần