Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giai đoạn 2021-2025: Tây Ninh tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế 

Cập nhật ngày: 17/10/2020 - 00:28

BTN - Trong nhiệm kỳ tới, Tây Ninh đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên.

Lao động sản xuất tại một doanh nghiệp FDI.

Tỉnh chú trọng phát triển công nghiệp theo chiều sâu, chú trọng phát triển các ngành, lĩnh vực có hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng cao, có khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp; triển khai giai đoạn 3 Khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ Phước Ðông - Bời Lời, nâng cao hiệu quả hoạt động các khu, cụm công nghiệp hiện có; nghiên cứu, quy hoạch phát triển thêm một số khu công nghiệp và cụm công nghiệp mới; nghiên cứu tạo động lực mới thúc đẩy Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo hướng đô thị - công nghiệp; khai thác có hiệu quả tiềm năng điện mặt trời tại khu vực đất bán ngập hồ Dầu Tiếng đi đôi với phát triển đồng bộ hạ tầng lưới điện; phát triển cảng hỗn hợp đường sông quy mô lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Trong giai đoạn mới, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ; đa dạng hoá thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh; khuyến khích phát triển dịch vụ logistics; thúc đẩy kinh tế biên mậu, xây dựng chuỗi cung ứng hàng hoá quy mô lớn; phát triển các ngành dịch vụ ứng dụng khoa học công nghệ, đa dạng về tiện ích.

Tỉnh đặc biệt tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; nâng cao chuỗi giá trị, gắn sản xuất với bảo quản, chế biến và xuất khẩu; tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản phẩm nông nghiệp, nhất là gia tăng giá trị sản xuất trên 1 ha; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hoá vào sản xuất; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi đất đai, cây trồng của doanh nghiệp nhà nước; thu hút doanh nghiệp đầu tàu trong lĩnh vực nông nghiệp;

Điều chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp phù hợp, hiệu quả, dễ tiếp cận; phát triển chăn nuôi tập trung theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; khuyến khích phát triển chăn nuôi bò thịt, bò sữa; chú trọng sự tham gia của cộng đồng vào chuỗi giá trị nông nghiệp; phát triển thuỷ sản ở vùng có lợi thế hạ tầng, hưởng lợi nước sạch từ hồ Dầu Tiếng; tiếp tục đầu tư hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; gắn phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới; thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng, gắn phát triển rừng với du lịch sinh thái ở những nơi phù hợp.

Tỉnh cũng tập trung tháo gỡ những bất cập, vướng mắc, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch theo hướng “động, mở”, linh hoạt, phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư; quan tâm giải quyết bất cập trong công tác quy hoạch; khắc phục về cơ bản quy hoạch thiếu tính khả thi.

Về du lịch, tỉnh sẽ khai thác mạnh mẽ, có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế; chú trọng phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu du lịch đặc sắc; tăng cường tính linh hoạt của các sản phẩm, chương trình, đề án phát triển du lịch...; tăng cường xúc tiến, quảng bá, kêu gọi đầu tư, kết nối các điểm, tuyến du lịch; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý về du lịch. Khu du lịch quốc gia núi Bà Ðen sẽ được đầu tư trở thành khu du lịch đẳng cấp của khu vực và cả nước.

Tỉnh cũng sẽ thúc đẩy nhanh việc thực hiện dự án du lịch sinh thái đảo Nhím - hồ Dầu Tiếng; từng bước hình thành du lịch về đêm; nghiên cứu phát triển du lịch sinh thái dọc sông Vàm Cỏ Ðông và sông Sài Gòn; phát triển du lịch nghỉ dưỡng kết hợp khám, chữa bệnh; khai thác và phát huy có hiệu quả các giá trị di tích lịch sử - văn hoá, các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, đậm nét văn hoá địa phương.

Một số nhiệm vụ quan trọng khác là tỉnh sẽ tăng cường công tác quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ; từng bước hiện đại hoá lĩnh vực địa chính, dịch vụ công về đất đai; đầu tư xây dựng hạ tầng thu gom và xử lý nước thải ở các đô thị, khu dân cư, khu kinh tế và các khu, cụm công nghiệp; triển khai đề án chống ngập thành phố Tây Ninh, thị xã Hoà Thành, thị xã Trảng Bàng và huyện Gò Dầu.

Song song đó, tỉnh tiếp tục cải cách hành chính toàn diện, đồng bộ gắn với cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư theo hướng minh bạch, có tính cạnh tranh cao; đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với xác định rõ trách nhiệm và xử lý về trách nhiệm; triển khai xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến 2030; hoàn thiện mô hình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính “một cửa” ở chính quyền các cấp; nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm hành chính công, Trung tâm điều hành kinh tế - xã hội và Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hoá dịch vụ hành chính công; cải thiện mạnh mẽ các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI, ICT, cung cấp dịch vụ công ở mức độ 4…

Trong giai đoạn 2021-2025, Tây Ninh sẽ huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đô thị; tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng, các dự án có tính lan toả, dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội; phát triển trục hành lang đô thị, công nghiệp dọc tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài; hoàn thành dự án nâng cấp, mở rộng đường Ðất Sét - Bến Củi, dự án đường liên tuyến kết nối vùng N8-787B-789; đầu tư nâng cấp, đồng bộ hoá hạ tầng, ngầm hoá hệ thống điện, viễn thông một số tuyến đường trung tâm trọng điểm thành phố Tây Ninh.

Chú trọng phát triển đô thị đồng bộ với hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội; đẩy mạnh phát triển thành phố Tây Ninh trở thành đô thị loại II, thị xã Hoà Thành, thị xã Trảng Bàng cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại III; huyện Gò Dầu đạt đô thị loại IV, trở thành thị xã; các huyện Châu Thành, Tân Châu, Tân Biên cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại IV vào năm 2025; thu hút đầu tư phát triển các dự án nhà ở, đô thị hiện đại, văn minh, thân thiện với môi trường ở những nơi có tiềm năng, điều kiện phát triển và những khu vực có lợi thế từ các dự án giao thông trọng điểm.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ; nâng cao kỹ năng quản trị, năng lực quản lý; thực hiện thí điểm thi tuyển một số chức danh lãnh đạo quản lý; chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, công chức phù hợp với vị trí việc làm; nâng cao chất lượng giáo dục, chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp; nhân rộng các mô hình xã hội học tập, cộng đồng học tập, gia đình học tập, cơ quan, đơn vị học tập; đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài; mở rộng hợp tác quốc tế, hợp tác giữa các địa phương về khoa học công nghệ.

Ðình Chung

(Lược ghi văn kiện Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh khoá XI)