Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Giai đoạn 2023-2025: 8 chợ nằm trong kế hoạch giải toả, xoá bỏ
Thứ sáu: 23:56 ngày 15/09/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và chợ theo hướng văn minh, hiện đại trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2023-2025, sẽ có 8 chợ nằm trong kế hoạch giải toả.

Địa điểm xây dựng siêu thị Go tại phường Hiệp Tân, thị xã Hoà Thành.

Kế hoạch được ban hành với mục đích phát triển hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và chợ theo hướng văn minh, hiện đại phải bảo đảm hài hoà, gắn với quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch dân cư nông thôn, làm cơ sở dành quỹ đất và mời gọi đầu tư, tránh hoạt động tự phát, mất cân đối trong sự phát triển chung; giải quyết tình trạng chợ tự phát hoặc chợ đã đầu tư nhưng không tổ chức được các hoạt động kinh doanh theo yêu cầu. Nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội; tạo thuận lợi nhất trong thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, 8 chợ giải toả theo kế hoạch gồm: chợ Bến Mới, xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng do chưa có hạ tầng xung quanh chợ, hệ thống cấp thoát nước, nhà vệ sinh… dự kiến sau khi giải toả sẽ di dời các tiểu thương về chợ Bình Thạnh, xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng; chợ tự phát cầu K8 (xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu) sẽ giải toả và di dời các tiểu thương về chợ Suối Ông Hùng, xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu;

Chợ tạm ngã ba Long Giang, xã Long Giang, huyện Bến Cầu sẽ thực hiện giải toả, đề nghị các tiểu thương vào chợ Long Giang mua bán; chợ Cẩm An, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu sẽ giải toả và di dời các tiểu thương về chợ Cẩm Giang; chợ ngã ba Hai Châu, phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng sẽ xoá bỏ, di dời các tiểu thương về chợ Trảng Bàng; chợ Cẩm Long, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu sẽ xoá bỏ, di dời các tiểu thương về chợ Cẩm Giang; chợ Bông Trang, xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu sẽ xoá bỏ, di dời các tiểu thương về chợ Thạnh Đức; chợ cũ Trảng Bàng sẽ xoá bỏ và di dời các tiểu thương về chợ Trảng Bàng.

Chợ tự phát cầu K8 (xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu) sẽ được giải toả.

Kế hoạch giai đoạn 2023-2025 sẽ có 12 ngôi chợ nằm trong danh sách chợ hoàn thiện. Tỉnh sẽ xây dựng 3 chợ đầu mối gồm: chợ đầu mối nông sản Lộc Hưng (khu phố Lộc Thành, phường Lộc Hưng, thị xã Trảng Bàng) sẽ được đầu tư xây dựng mới; chợ đầu mối nông sản Phước Bình (ấp Bình Quới, xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng) sẽ được xây dựng trên khu đất công có diện tích hơn 3 ha; chợ cầu K13 (khu vực cầu K13, xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu) sẽ được di dời xây dựng mới.

Ngoài ra, trong giai đoạn này còn nhiều chợ được đưa vào kế hoạch đầu tư, xây dựng, nâng cấp. Dự kiến sẽ kêu gọi đầu tư triển khai 9 trung tâm thương mại và 5 siêu thị.

Để triển khai kế hoạch này, UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh xây dựng Bộ tiêu chí về văn minh thương mại đối với siêu thị, trung tâm thương mại và chợ trên địa bàn tỉnh.

Mời gọi, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại mua sắm hiện đại. Chủ trì phối hợp với các sở, ngành thẩm định kế hoạch xây dựng Kế hoạch phát triển hệ thống thương mại theo hướng văn minh, hiện đại giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố.

Phối hợp các đơn vị liên quan đề xuất kế hoạch nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất - hạ tầng các chợ đã xuống cấp, chưa bảo đảm các tiêu chuẩn chợ theo quy định; tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ, dịch vụ ở chợ theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, nguồn gốc xuất xứ, niêm yết giá cả theo quy định.

Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhân viên quản lý hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại. Tổ chức đào tạo, tập huấn cho các hộ kinh doanh, tiểu thương nâng cao kiến thức kinh doanh trên môi trường mạng.

Đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư chợ, siêu thị, trung tâm thương mại theo kế hoạch này và đúng quy định pháp luật hiện hành.

Phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND tỉnh cơ chế tài chính trong quá trình đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất - hạ tầng các chợ đã xuống cấp, chưa bảo đảm các tiêu chí chợ văn minh thương mại theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương.

 Phối hợp với các sở, ngành liên quan trao đổi, cung cấp thông tin doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối hiện đại phù hợp kế hoạch này (siêu thị, trung tâm thương mại...) trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi, đầu tư xây dựng chợ truyền thống. Khi xem xét năng lực nhà đầu tư quan tâm đến năng lực kinh doanh có tính chuyên nghiệp đối với dự án siêu thị, trung tâm thương mại và năng lực tài chính khả thi thực hiện dự án. Đồng thời chủ trì, phối hợp với các sở, ngành theo dõi các dự án đã được phê duyệt nhưng chậm hoặc không triển khai thực hiện, kịp thời đề xuất biện pháp xử lý.

Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm quản lý nhà nước trực tiếp chợ hạng II, chợ hạng III trên địa bàn. Đồng thời căn cứ số liệu định hướng quy định tại các phụ lục ban hành kèm theo kế hoạch này, tình hình thực tiễn địa phương, xây dựng, ban hành lế hoạch phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại hằng năm trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố sau khi có ý kiến thẩm định bằng văn bản của Sở Công Thương và các sở, ngành liên quan.

Rà soát, cập nhật bổ sung Kế hoạch phát triển hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và chợ theo hướng văn minh, hiện đại trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2023-2025 vào quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất hằng năm trình UBND tỉnh phê duyệt làm căn cứ thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất trên cơ sở triển khai thực hiện theo quy định của Luật Đất đai.

Thẩm định, phê duyệt và theo dõi tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn theo đúng kế hoạch này và kế hoạch phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại hằng năm trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố đã được phê duyệt.

UBND các huyện, thị xã, thành phố phải chủ động, phối hợp với các sở, ngành trong việc giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch này. Phối hợp sở, ngành kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật trong quá trình hoạt động của hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn. Đồng thời, UBND các huyện, thị xã, thành phố phải chịu trách nhiệm chính về công tác di dời, giải toả và để phát sinh các điểm, khu vực kinh doanh tự phát trên địa bàn.

Thế Nhân

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục