Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tình trạng “phân lô, bán nền” tái diễn- nhất là đất nông nghiệp. Người dân lo ngại, nếu tỉnh không có giải pháp căn cơ thì nhiều nơi, đất nông nghiệp sẽ bị băm nát như "da beo", gây ảnh hưởng chung đến quy hoạch của tỉnh.
Thời gian qua, để chấn chỉnh tình trạng tách thửa bán đất nền ở các khu vực vùng ven đô thị, Tây Ninh đã ban hành các quy định về phân lô, tách thửa đất. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn, giới đầu cơ đất bắt đầu hoạt động nhộn nhịp lại. Tình trạng “phân lô, bán nền” tái diễn- nhất là đất nông nghiệp. Người dân lo ngại, nếu tỉnh không có giải pháp căn cơ thì nhiều nơi, đất nông nghiệp sẽ bị băm nát như "da beo", gây ảnh hưởng chung đến quy hoạch của tỉnh.
Nông dân cũng đi làm “cò đất”
Không thể phủ nhận, trong những năm qua, dưới tác động của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, quá trình đô thị hoá trên địa bàn tỉnh diễn ra nhanh chóng. Thực tế, bộ mặt tỉnh nhà có nhiều khởi sắc, hạ tầng kỹ thuật, xã hội được đầu tư, phát triển.
Việc tỉnh tập trung nguồn lực để chỉnh trang đô thị, thu hút nhiều dự án thương mại, siêu thị, nhà ở... góp phần làm thay đổi diện mạo của tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại hơn. Đây là những kết quả nổi bật trong quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh, tuy nhiên, cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với công tác quản lý nhà nước, trong đó có quản lý trật tự xây dựng do giới đầu nậu đất “ăn theo” gây nhiễu loạn thị trường đất đai.
Tình trạng “sốt đất” bùng nổ ở các xã vùng ven. Giới đầu nậu tìm nhiều cách “lách luật”, phân chia đất nông nghiệp thành những thửa nhỏ để rao bán. Sau khi tỉnh có những động thái quyết liệt chấn chỉnh tình trạng phân lô, tách thửa tại khu vực quy hoạch núi Bà Đen (thành phố Tây Ninh), các đầu nậu liền chuyển hướng tìm đến những địa phương khác.
Theo quảng cáo trên mạng xã hội về khu đất được “phân lô, bán nền” gần kề Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, chúng tôi liên hệ với số điện thoại đăng ở mục quảng cáo, một người đàn ông nghe máy và giới thiệu khu đất này nằm trên địa bàn một xã của huyện Dương Minh Châu. Chỉ cần chạy qua đường 790 mới, đi vào khoảng 300m là thấy khu đất.
Khi chúng tôi hỏi về tình trạng khu đất, anh này cho biết, hiện trạng đất vẫn là đất nông nghiệp nên mỗi thửa có diện tích 1.000m2, chào bán với giá 490 triệu đồng/thửa. Con đường rộng khoảng 3m, anh đổ đá mở rộng đường để khu đất đẹp hơn. Anh cho biết, chủ đất là “cậu”, giao cho anh đầu tư. Anh ta khẳng định, khu đất không nằm trong khu quy hoạch quốc gia núi Bà Đen nên chúng tôi an tâm khi mua đầu tư “lướt sóng”.
Đi tìm gần khắp khu vực trên cả ngày trời nhưng chúng tôi không tìm được đường vào khu đất quảng cáo. Mãi đến khi gặp một nông dân từ trong rẫy mãng cầu đi ra, nghe chúng tôi hỏi thăm về khu đất, anh này sốt sắng dẫn đến nơi.
Khác xa với lời giới thiệu, quảng cáo, chúng tôi phải men theo con đường có chiều ngang chừng 3m và đi sâu vào khoảng 500m mới đến được khu đất, hai bên đường vào là rẫy mãng cầu của người dân.
Theo ghi nhận, con đường được đổ đá mở rộng chỉ vài trăm mét nằm tại khu đất quảng cáo; trên đất có một số cây mãng cầu được phá bỏ để đổ đá cho giống “khu dân cư”. Anh nông dân dẫn chúng tôi đi coi đất cho biết, anh làm rẫy gần đây, thỉnh thoảng dẫn người mua đất đi coi, kiếm chút hoa hồng.
Người này khoe, kể từ khi đường 790 mới được mở, đất vòng quanh khu vực chân núi Bà Đen được nhiều người tìm mua nên giá đất lên. Anh cũng bỏ tiền mua vài thửa đất để “lướt sóng” và kiếm được chút ít đồng lời!?
Lợi nhuận “khủng” nên đất nông nghiệp bị “xẻ nhỏ”?
Theo người hướng dẫn chúng tôi đi coi đất, trước đây, đất khu vực này giá khoảng 1 tỷ đồng/ha. Hơn 1 năm trở lại đây, nhiều người dân ở Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh lên lùng sục mua đất nông nghiệp, khiến giá đất nơi đây tăng chóng mặt, giá dao động khoảng 2 - 2,5 tỷ đồng/ha.
Nếu nói như anh nông dân trên, có thể nhận định việc “phân lô, bán nền” đất nông nghiệp mang lại lợi nhuận “khủng”. Tính trung bình, giá 1 ha đất nông nghiệp tại khu vực này, như lời anh nông dân là khoảng 2 tỷ đồng/ha, thì khi mua xong, chỉ cần tự mở rộng đường, rồi phân thành 10 lô với diện tích 1.000m2 theo đúng quy định của tỉnh về diện tích và rao bán với giá 490 triệu đồng/1.000m2, lợi nhuận gấp đôi.
Vừa qua, qua kiểm tra một khu dân cư tự phát tại một địa phương trong tỉnh, đại diện Sở Xây dựng cho biết, Luật Đất đai năm 2013 quy định đối với trường hợp người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 65. Đối tượng được giao quản lý diện tích đất do người sử dụng tự nguyện trả lại được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 68 như sau:
“b) Đất đã thu hồi theo quy định tại khoản 1 Điều 64 và các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 65 của Luật này thì giao cho tổ chức dịch vụ công về đất đai để quản lý, đấu giá quyền sử dụng đất. Trường hợp đất đã thu hồi theo quy định tại khoản 1 Điều 64 và các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 65 của Luật này là đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn thì giao cho Uỷ ban nhân dân cấp xã quản lý. Quỹ đất này được giao, cho thuê đối với hộ gia đình, cá nhân không có đất hoặc thiếu đất sản xuất theo quy định của pháp luật”.
Bên cạnh đó, khi thu hồi đất để giao UBND cấp xã quản lý, sử dụng vào mục đích đất giao thông phải căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm, quy hoạch ngành được phê duyệt. Đối với dự án đường giao thông, phải tổng hợp vào Danh mục dự án thu hồi đất theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 trước khi thực hiện thu hồi đất.
Do đó, trong trường hợp người dân muốn hiến đất mở đường, cần phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật, trong đó có vấn đề quy hoạch.
Trước thực trạng trên, thời gian qua, chính quyền địa phương đã xử lý như thế nào, Báo Tây Ninh sẽ tiếp tục tìm hiểu để thông tin đến bạn đọc.
Thiên Tâm