Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Giải ngân vốn FDI tăng kỷ lục, thị trường chứng khoán phục hồi, đăng ký doanh nghiệp tiếp tục khởi sắc… là những minh chứng cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài, của người dân đã trở lại, những chỉ đạo quyết liệt để khôi phục thị trường chứng khoán đã có hiệu ứng …
Giải ngân vốn FDI 11 tháng qua tăng mạnh - Ảnh: Kể từ đầu năm tới nay, Samsung đã đầu tư vào Việt Nam thêm hơn 2 tỷ USD.
"Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ lòng dân". Niềm tin là yếu tố tinh thần nhưng khi đã đi vào lòng dân thì trở thành sức mạnh vật chất to lớn, phục vụ phát triển đất nước.
11 tháng qua, giải ngân vốn FDI đạt gần 20 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức cao nhất trong nhiều năm qua, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam, như nhìn nhận của Thủ tướng Phạm Minh Chính, "họ thấy yên tâm đầu tư thì mới giải ngân".
Thời gian qua, việc các cơ quan chức năng mạnh tay xử lý các vấn đề liên quan đến chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản… có thể phần nào đã tác động đến tâm lý người dân, tâm lý xã hội, tâm lý nhà đầu tư. Thực trạng thị trường chứng khoán, vấn đề trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản thực sự thử thách niềm tin của các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, có thể nói, việc xử lý các doanh nghiệp làm sai, lập lại trật tự, kiểm soát rủi ro cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và nhà đầu tư là cần thiết, giúp minh bạch thị trường để thị trường phát triển bền vững, vì quyền lợi của nhà đầu tư. Càng minh bạch nền kinh tế càng phát triển lành mạnh và ổn định.
Sau cơn mưa trời lại sáng, niềm tin đã được củng cố. Những chỉ số về giải ngân vốn FDI, thị trường chứng khoán (nhà đầu tư nước ngoài mua ròng khá mạnh trên thị trường), số doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh và trở lại thị trường đã nói lên điều đó.
Thị trường giảm thanh khoản, nhưng giải pháp hữu hiệu nhất chưa hẳn là tiền, mà chính là niềm tin. Niềm tin để chặn đà bán tháo cổ phiếu trên sàn, niềm tin để các trái chủ giữ những trái phiếu doanh nghiệp tốt, phát hành đúng quy định pháp luật. Niềm tin để khách hàng tiếp tục thực hiện hợp đồng mua bán với chủ đầu tư uy tín... Và niềm tin để nhà đầu tư FDI an tâm gửi gắm đồng vốn của mình vào nền kinh tế Việt Nam, để nhìn rõ hơn sự hấp dẫn của thị trường với 100 triệu dân.
Niềm tin không thể tự dưng mà có, mà cần sự nỗ lực của tất cả các bên, từ cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, với sự chân thành, thắng thắn, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Thời gian qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính liên tục có những chuyến công tác xuôi ngược Bắc - Nam, xuất hiện tại các công trường hạ tầng chiến lược để kiểm tra, đôn đốc, động viên.
Trong các cuộc làm việc, các chuyến công tác "trong Nam, ngoài Bắc" đó, Thủ tướng đều nhấn mạnh thông điệp: "Ai làm sai thì phải xử lý, xử lý người làm sai để bảo vệ người làm đúng, bảo vệ quyền, lợi ích hợp tác của người dân, doanh nghiệp, làm lành mạnh hóa thị trường theo quy định của pháp luật". Điều này cũng là để củng cố niềm tin cho người dân, nhà đầu tư.
Công việc trước mắt còn nhiều để giải quyết triệt để các khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, như Thủ tướng khẳng định tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2022, khi thấy người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn thì cơ quan nhà nước trách nhiệm càng phải cao, tránh để người dân, doanh nghiệp nghĩ rằng bị bỏ mặc.
"Mất niềm tin là mất tất cả", khi chúng ta đã giữ được niềm tin, sẽ tạo ra nguồn lực to lớn để phát triển đất nước.
Nguồn baochinhphu