Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Sàn lọc chuẩn đoán trước sinh và sơ sinh:
Giải pháp nâng cao chất lượng dân số
Thứ năm: 15:33 ngày 22/08/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sàng lọc trước sinh (SLTS) là hoạt động can thiệp đối với thai phụ thông qua các kỹ thuật siêu âm, xét nghiệm máu của thai phụ để chẩn đoán các dị tật bẩm sinh ở thai nhi như: hội chứng Down, dị tật ống thần kinh, chẩn đoán di truyền tế bào, các rối loạn chuyển hoá…

Bác sĩ Trung tâm CS SKSS siêu âm đo độ mờ da gáy thai nhi cho thai phụ mang thai ở tuần thứ 12.

Sàng lọc sơ sinh (SLSS) là hoạt động can thiệp đối với trẻ sơ sinh bằng xét nghiệm máu gót chân sau 48 giờ và trước 72 giờ của trẻ sau sinh nhằm phát hiện các rối loạn bẩm sinh, di truyền ở trẻ sơ sinh như: thiếu men G6PD, thiểu năng trí tuệ, suy giáp bẩm sinh, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh...

Mục đích của SLTS là phát hiện sớm các thai dị tật, xử trí kịp thời hoặc tránh sinh ra những thai có dị tật, dị dạng không thể chữa trị. Còn SLSS nhằm phát hiện sớm trẻ sơ sinh bị bệnh bẩm sinh để có can thiệp và điều trị kịp thời.

Theo bác sĩ Đặng Tấn Thành, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh, Đề án SLTS-SLSS được triển khai tại tỉnh Tây Ninh từ năm 2011 đến nay. Sau gần 10 năm triển khai, đề án đã đi vào hoạt động nền nếp với các hoạt động như: đào tạo nâng cao kỹ năng thực hiện chuyên môn, kỹ thuật, phương pháp lấy máu gót chân cho trẻ sơ sinh cho tất cả bác sĩ, cán bộ y sĩ sản nhi tại Khoa sản Bệnh viện Đa khoa, Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản, Khoa phụ sản chăm sóc sức khoẻ sinh sản Trung tâm Y tế huyện, thành phố; bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền tư vấn cho tất cả viên chức dân số của Trạm Y tế xã và cộng tác viên DS- KHHGĐ ở các địa bàn trong tỉnh về đề án SLTT-SLSS. Đồng thời, từ trước năm 2015, từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia DS- KHHGĐ, đề án cũng đã trang bị 12 máy siêu âm (trong đó 4 máy siêu âm màu 3D và 8 máy siêu âm xách tay trắng đen) cho Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản và các trung tâm Y tế huyện, thành phố. 

Ngoài ra, các cán bộ y tế tuyến huyện, xã và cộng tác viên DS-KHHGĐ đã tuyên truyền, vận động lồng ghép trong các buổi sinh hoạt tại cộng đồng, tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh huyện, xã, cấp phát tờ rơi… giúp người dân hiểu rõ lợi ích của SLTS và sơ sinh. Nhờ vậy, từ khi triển khai Đề án đến nay, hằng năm tỷ lệ thai phụ sàng lọc trước sinh và trẻ được sàng lọc sơ sinh đều tăng đáng kể.

Theo số liệu theo dõi tình hình triển khai Đề án của Chi cục Dân số- KHHGĐ tỉnh Tây Ninh, năm 2018, tỷ lệ thai phụ tham gia SLTS đạt 38,10% so với năm 2017 là 29.58%; tỷ lệ trẻ được SLSS năm 2018 là 29,70% so với năm 2017 là 22,60%. Qua triển khai SLTS tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, ngành chức năng đã phát hiện 43 trường hợp có dấu hiệu thai bất thường như dị tật thần kinh, hội chứng Down, bất thường nhiễm sắc thể …; sàng lọc gần 5.000 trẻ sơ sinh, qua đó có 150 ca dương tính gồm: 144 ca thiếu men G6PD, 4 ca mắc bệnh suy giáp trạng bẩm sinh và 2 ca là trường hợp khác. 

Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Hằng, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản tỉnh Tây Ninh cho biết, phụ nữ mang thai có 3 thời điểm quan trọng để SLTS là giai đoạn thai từ tuần thứ 11-13 làm các xét nghiệm Double Test giúp phát hiện sớm nguy cơ bệnh Down, dị tật ống thần kinh; tuần thứ 22 để xem toàn bộ hình thái thai nhi và tuần thứ 32 siêu âm phát hiện dị tật tim, não… Mỗi sản phụ sau khi sinh đều được các y, bác sĩ của khoa tư vấn, tuyên truyền về sàng lọc sơ sinh bằng việc lấy máu gót chân trẻ trong vòng 48 giờ sau khi sinh. Từ đó, họ tư vấn cho gia đình chọn hướng điều trị hoặc xử lý tốt nhất.

Chị Trần Thị Thu Thanh (sinh năm 1993), ở ấp Lộc Du, Thị trấn Trảng Bàng cho biết khi mang thai lần đầu ở tuần thứ 25, chị đến khám thai tại Trung tâm Y tế huyện Trảng Bàng. Tại đây, chị Thanh được các cán bộ y tế tư vấn về chương trình SLTS-SLSS, giúp chị hiểu hơn về lợi ích và sự cần thiết của hoạt động này. Vì vậy, chị Thanh đều nhớ các mốc thai kỳ quan trọng để thực hiện khám sàng lọc và theo dõi sự phát triển của con cho đến khi sinh.

Trong thời gian tới, để Đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh thực sự đi vào cuộc sống cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, tích cực của các cấp, các ngành, giúp người dân nâng cao nhận thức, hiểu biết về công tác này. Đặc biệt, ngành chức năng cần tăng cường xã hội hoá dịch vụ này để nhiều thai nhi và trẻ sơ sinh được sàng lọc hơn, góp phần phát hiện sớm bệnh, hạn chế tối đa việc để lại di chứng bệnh tật ở trẻ, nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn.

PHÒNG TRUYỀN THÔNG- GIÁO DỤC

Chi cục DS- KHHGĐ Tây Ninh

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục