BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh: Quan trọng hơn cả là “lòng tin” của cộng đồng doanh nghiệp

Cập nhật ngày: 24/06/2013 - 10:39
HTML clipboard

Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh chủ trì một cuộc hội thảo xúc tiến đầu tư vào Tây Ninh

(BTN) - Giữa tháng 3.2013, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố kết quả xếp hạng “Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2012”, đã khiến cho những ai quan tâm đến sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà không khỏi… bị sốc. Bởi lẽ sau nhiều năm kiên trì “leo dốc” trên bảng xếp hạng PCI, Tây Ninh từ vị trí thuộc nhóm tỉnh “Tương đối thấp” (thứ hạng 56 năm 2007) dần dần “thăng hạng” lên đến nhóm “Tốt” (thứ hạng 25 năm 2011). Thế nhưng đến năm 2012 Tây Ninh bỗng dưng “rơi tự do”, tụt đến 32 bậc, quay lại nhóm “Trung bình” (thứ hạng 57/63 tỉnh, thành cả nước).

Kết quả này đặt ra câu hỏi: Tại sao “dưới con mắt doanh nghiệp” (việc xếp hạng PCI 2012 căn cứ vào kết quả điều tra từ khoảng hơn 8.000 doanh nghiệp ở 63 tỉnh, thành trên cả nước), năng lực cạnh tranh của Tây Ninh lại sụt giảm mạnh như thế? Đồng thời cũng đặt ra vấn đề: Tây Ninh phải làm gì để cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh để tăng sức thu hút đầu tư phát triển kinh tế của tỉnh? Vấn đề này được đặt ra, bởi lẽ thực tế mấy năm gần đây cho thấy các nhà đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài, rất quan tâm đến chỉ số PCI từng năm của các địa phương trong nước ta để quyết định “đặt chân” đến chỗ nào. 

Theo kết quả công bố điểm số của 9 chỉ số thành phần trong bảng điểm PCI 2012, Tây Ninh có 5 chỉ số có thứ hạng sụt giảm so với năm 2011. Đáng chú ý nhất là chỉ số “Chi phí không chính thức” từ 8,57 điểm đứng thứ 2/63 tỉnh, thành năm 2011 bỗng tụt xuống chỉ còn 5,18 điểm, đứng thứ 60/63 tỉnh, thành năm 2012 (?!). Kế đến là chỉ số “Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh” từ 5,77 điểm, hạng 17/63 tụt xuống 3,16 điểm, hạng 56/63. Chỉ số “Tính minh bạch” từ 5,79 điểm, hạng 36/63 tụt xuống 4,07 điểm, hạng 62/63. Chỉ số “Thiết chế pháp lý” từ 6,2 điểm, hạng 24/63 tụt xuống 3,4 điểm, hạng 36/63. Riêng chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường” điểm số có tăng lên chút ít, từ 8,53 tăng lên 8,59 điểm, nhưng thứ hạng lại sụt giảm từ hạng 35/63 tụt xuống hạng 43/63.

Cùng với 5 chỉ số thành phần bị tụt hạng kể trên, năm 2012 Tây Ninh cũng có 4 chỉ số tăng thứ hạng cao hơn năm 2011. Đó là các chỉ số “Tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất”, “Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước”, “Đào tạo lao động” và “Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp”.

Kết quả “tụt hạng” và “thăng hạng” kể trên cho thấy, những điểm tốt cho Tây Ninh là những chỉ số rất căn bản của sự ổn định môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp (đất đai, lao động, thời gian, dịch vụ hỗ trợ); trong khi những chỉ số thành phần có điểm số kém thì phần lớn thuộc về lĩnh vực quản lý hành chính, thể hiện qua sự cảm nhận của doanh nghiệp khi thực hiện các dịch vụ công ở các cơ quan hành chính Nhà nước. Điều này cũng gần như sự “phán xét” kết quả công tác cải cách hành chính của tỉnh chưa tốt lắm, mà hệ luỵ của nó là điểm số “Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh” chưa cao.

Thông thường, khi phải đối mặt với “sự kiện gây sốc” như sự kiện “tụt dốc không phanh” của Tây Ninh trong bảng xếp hạng PCI năm 2012, người ta rất dễ có phản ứng tiêu cực. Điều này đã xảy ra cho cơ quan tổ chức cuộc thăm dò ý kiến doanh nghiệp này ở một vài địa phương trong nước. Chẳng hạn như thái độ “tẩy chay PCI”, không xem nó như tấm gương phản chiếu hoạt động thu hút đầu tư phát triển kinh tế của địa phương, thậm chí còn “phản bác” nó… Rất may, điều đó đã không xảy ra ở tỉnh ta trong năm nay, trái lại nó còn tạo ra “hiệu ứng tích cực” rất đáng mừng.

Mới đây, UBND tỉnh Tây Ninh đã có Quyết định số 1098/QĐ-UBND, ngày 13.6.2013, ban hành kế hoạch nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, đầu tư và tiếp tục nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh. Theo đó, Trung tâm Xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch Tây Ninh được UBND tỉnh giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, Thị xã tổ chức thực hiện các công việc được phân công cụ thể. Điều quan trọng là mục tiêu của kế hoạch này không chỉ nhằm “cải thiện và nâng cao điểm số các chỉ số thành phần PCI để phấn đấu đạt năng lực cạnh tranh của tỉnh xếp vào nhóm “Tốt” so với các tỉnh, thành phố trên cả nước”, mà còn là “nâng cao nhận thức về việc xây dựng môi trường kinh doanh, đầu tư và năng lực cạnh tranh của tỉnh trong đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, nhất là cán bộ chủ chốt, cán bộ đứng đầu ngành”. Có nâng cao được nhận thức đúng đắn đó, mới mong các cấp, các ngành có được những hoạt động cụ thể để “tiếp tục thể hiện hình ảnh của tỉnh Tây Ninh là một tỉnh năng động về cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong, ngoài tỉnh và với mọi đối tượng khác”.

Với tinh thần cầu thị đó, kế hoạch của UBND tỉnh đề ra những công việc cụ thể theo những chỉ số thành phần PCI và giao cho các đơn vị tham mưu, thực hiện. Đối với chỉ số “Chi phí gia nhập thị trường”, bên cạnh việc chỉ đạo các ngành chức năng rút ngắn thời gian hoàn tất tất cả các thủ tục để doanh nghiệp bắt đầu hoạt động như: cấp chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, mã số thuế, con dấu; phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường; quyết định thu hồi đất, quyết định cho thuê đất; thẩm định, phê duyệt phương án phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự; thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500… đáng chú ý là những công việc được giao liên quan đến bộ máy, cán bộ như giao cho Sở Nội vụ phải “Củng cố tổ chức, bộ máy, tăng cường cán bộ, thay đổi chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động. Sửa đổi, bổ sung quy chế giải quyết thủ tục hành chính một cửa liên thông trên địa bàn tỉnh; làm tốt hơn nữa cơ chế một cửa liên thông ở tỉnh và tất cả các ngành, các cấp”, “Tăng cường đầu tư cho cán bộ, công chức nâng cao kiến thức, kỹ năng và thái độ ứng xử; đầu tư thiết bị đồng bộ, đặc biệt là hệ thống mạng và phần mềm; duy trì sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan liên quan”…

Đối với chỉ số “Tính minh bạch về thông tin kinh doanh và trách nhiệm giải trình”, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Thông tin - Truyền thông, Trung tâm Xúc tiến - đầu tư thương mại - du lịch và các sở, ngành, UBND huyện, thị xã xây dựng hoàn thành, vận hành thông suốt hai cổng thông tin điện tử của tỉnh và của Trung tâm Xúc tiến - đầu tư thương mại - du lịch cũng như nâng cấp, cải tiến nội dung trang thông tin điện tử của các ngành, các địa phương. Hoàn tất các quy hoạch trên lĩnh vực công nghiệp, thương mại và công bố trên cổng thông tin điện tử của tỉnh. Công khai tất cả các văn bản, quyết định, nghị quyết của tỉnh liên quan tới môi trường kinh doanh; tham vấn doanh nghiệp, công bố công khai để lấy ý kiến các bên liên quan ít nhất 30 ngày trước khi trình UBND tỉnh xem xét, quyết định các văn bản có tác động tới doanh nghiệp. Đáng chú ý trong việc “nâng điểm tính minh bạch” là chỉ đạo “xử lý nghiêm các cán bộ sở, ban, ngành có hành vi sách nhiễu, thông đồng với doanh nghiệp trong thực thi công vụ nhằm mục đích tư lợi cá nhân”.

Đối với chỉ số “Chi phí không chính thức”, một vấn đề khá “nhạy cảm” và thường là “không thể lộ”, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan phải “kiểm tra các cấp, các ngành, không được đặt ra các quy định của địa phương đối với doanh nghiệp để trục lợi”. Đối với Sở Nội vụ, Văn phòng UBND tỉnh và Phòng Kiểm soát cải cách hành chính, UBND tỉnh chỉ đạo rà soát lại hoạt động của bộ phận một cửa, đảm bảo việc hướng dẫn hồ sơ phải thực hiện một lần để doanh nghiệp có thể hoàn chỉnh. Đảm bảo việc bố trí cán bộ tại bộ phận một cửa phải là người có trình độ, chuyên môn, có thái độ đúng mực để có thể hướng dẫn nhà đầu tư tốt nhất; đối với các công chức trực tiếp giao dịch với người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư phải được đào tạo về phương thức và thái độ phục vụ…

Riêng về chỉ số “Tính năng động, tiên phong của lãnh đạo tỉnh”, một giải pháp có tính khả thi để nâng cao điểm số của chỉ số này là, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng khi tổ chức các cuộc đối thoại định kỳ của lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp yêu cầu phải có sự tham gia tích cực, chủ động của hiệp hội doanh nghiệp, đảm bảo tính thẳng thắn, hai chiều của các cuộc đối thoại. Đồng thời phải đảm bảo có cơ chế theo dõi và xử lý những vấn đề doanh nghiệp nêu ra. Bên cạnh đó cần xây dựng hệ thống đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đối với các cơ quan đầu mối giải quyết thủ tục hành chính, nhất là đối với bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

Tại một cuộc hội thảo xúc tiến đầu tư vào Tây Ninh

Về chỉ số “Thiết chế pháp lý”, UBND tỉnh yêu cầu nâng cao vai trò hoạt động của các cơ quan tư pháp trong việc trợ giúp pháp lý để người dân có thể dễ dàng tiếp cận và nhận được sự hỗ trợ cần thiết. Đồng thời nâng cao vai trò của toà án trong việc xét xử các vụ tranh chấp kinh doanh; bên cạnh đó là các biện pháp cụ thể nhằm cải thiện lòng tin của doanh nghiệp đối với hệ thống thiết chế pháp lý tại địa phương.

Đó là những giải pháp đặt ra trong kế hoạch của UBND tỉnh nhằm cải thiện điểm số của những chỉ số mà Tây Ninh “được” doanh nghiệp “cho điểm thấp”. Tuy nhiên, qua các giải pháp này, chúng ta còn thấy những yêu cầu có tính lâu dài nhằm cải thiện và ổn định môi trường kinh doanh, đầu tư của tỉnh. Bên cạnh đó, ngay cả đối với các chỉ số Tây Ninh được chấm điểm cao hơn năm trước, tỉnh cũng đề ra những giải pháp để đảm bảo duy trì ổn định và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh một cách thiết thực, chứ không chỉ thể hiện một cách “cảm tính”, nhất thời theo “nhiệt kế doanh nghiệp”.

NGUYỄN TẤN HÙNG