Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Xe buýt cần có làn đường riêng nhưng hiện cơ sở hạ tầng giao thông tại TP HCM lại chưa thể đáp ứng, nên trước mắt loại phương tiện này cần được ưu tiên trên các trục đường chính.
Ngày 25-10, tại buổi họp sơ kết 9 tháng đầu năm 2016 khối vận tải đường bộ, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM đã bàn những vấn đề liên quan đến hoạt động vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt.
Bị “ép” bởi tình trạng lấn chiếm lòng lề đường
Báo cáo tại buổi họp, đại diện Trung tâm Quản lý và Điều hành VTHKCC TP HCM (gọi tắt là Trung tâm) cho biết trong 9 tháng đầu năm 2016, khối lượng VTHKCC bằng xe buýt đạt hơn 408 triệu lượt hành khách, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân là do phương tiện đã xuống cấp; hoạt động chưa đúng giờ; thái độ phục vụ của đội ngũ lái xe, tiếp viên chưa bảo đảm...
Ngoài ra, một số giải pháp như bố trí quỹ đất dành cho hoạt động xe buýt, dự án thẻ thông minh, trung tâm điều khiển... còn triển khai chậm. Tuy nhiên, so sánh với giai đoạn đầu năm 2016, từ tháng 6 đến tháng 9, sản lượng hành khách đang tăng dần khi việc thay mới phương tiện, chấn chỉnh đội ngũ tài xế, tiếp viên… đã phát huy hiệu quả.
Theo ông Đậu An Phúc, Giám đốc Trung tâm, hiện hệ thống xe buýt tại TP đang bị “ép” bởi tình trạng lấn chiếm lòng lề đường. Điển hình là vụ tai nạn làm người đàn ông bị lọt hố ga trên đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) khi đuổi theo chiếc xe buýt là do lề đường bị chiếm dụng, người này phải đứng dưới lòng đường đón xe, trong khi vị trí trên cũng không phải trạm dừng.
Đây không phải trường hợp cá biệt khi nhiều tuyến đường, lề đường, vỉa hè, trạm xe buýt… bị chiếm dụng khiến nhiều người lúc đón xe phải đứng dưới lòng đường, đối mặt với nguy cơ xảy ra tai nạn.
Xe buýt nối đuôi nhau xuất bến ở Bến xe Miền Đông Ảnh: SỸ ĐÔNG
Ông Phúc cho biết hiện đội ngũ tài xế, tiếp viên cũng đã ổn định và Trung tâm đang tiếp tục triển khai việc thay mới phương tiện nhằm thu hút hành khách. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông tại TP còn nhiều hạn chế nên rất khó để xe buýt có làn đường ưu tiên.
Trước mắt, cần thay đổi cách nghĩ của người dân, ưu tiên cho xe buýt trên các trục đường chính. Về vấn đề này, ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, thông tin sắp tới sẽ thí điểm cho xe buýt được chạy vào làn đường xe 2 bánh. Phương tiện mới, tài xế không chèn ép xe máy thì người dân sẽ quen dần việc ưu tiên cho loại phương tiện này. Khi đã đi vào ổn định, các đơn vị mới thực hiện việc làm đường ưu tiên cho xe buýt.
Cần sự đồng bộ
Để khôi phục và phát triển hệ thống VTHKCC bằng xe buýt, Trung tâm đã phối hợp với các doanh nghiệp vận tải đầu tư và thay mới 577 xe trên 33 tuyến theo đề án 1.680 xe đã được UBND TP phê duyệt. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2016, thay mới 279 xe trên 19 tuyến.
Ngoài ra, đơn vị này cũng đang đưa vào vận hành thử nghiệm Trung tâm điều hành trực tuyến nhằm giám sát hoạt động xe buýt qua hệ thống camera, dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm trong quá trình hoạt động của lái xe, tiếp viên.
Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Thảo, Chủ nhiệm HTX số 15, cho biết HTX đã tổ chức các buổi tập huấn cho tài xế cũng như tiếp viên để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách. HTX thường xuyên chấn chỉnh, nhắc nhở thái độ phục vụ của tài xế, tiếp viên và sẽ cho nghỉ việc nếu nhiều lần gây hình ảnh xấu cho HTX.
Bàn về giải pháp cho xe buýt, chuyên gia giao thông Phạm Sanh phân tích cùng với sự phát triển của các phương tiện cá nhân thì xe buýt cũng có lượng khách riêng trong hệ thống giao thông của TP. Dù vậy, hạ tầng hiện nay không đáp ứng được nhu cầu giao thông nói chung và chưa có làn đường riêng nên mỗi khi đến trạm dừng, xe buýt tạt vào đón khách gây bức xúc cho người dân.
TS Phạm Sanh cho rằng cần phải khoét khoảng lùi để xe buýt có chỗ dừng đón khách mà không gây ùn ứ các phương tiện phía sau. Ngoài ra, lực lượng chức năng (CSGT, thanh tra giao thông) cần tăng cường kiểm tra để chấn chỉnh tình trạng tài xế chạy ẩu và tùy tiện đón, trả khách.
“Trợ giá xe buýt hiện nay giống như bao cấp nên cũng cần được thay đổi, thí điểm hình thức đấu thầu. Trợ giá TP rót xuống các chủ xe, chủ xe ép tài xế nên áp lực mà tài xế xe buýt hiện nay phải đối diện rất lớn. Đôi khi vì miếng cơm manh áo mà họ chạy nhanh, bỏ trạm để về bến đúng giờ, không bị phạt” - TS Phạm Sanh đánh giá.
Dưới mắt người dân
Sau 2 bài viết “Phát khiếp với xe buýt!” và “Tâm sự của tài xế xe buýt” đăng trên Báo Người Lao Động (ngày 24 và 25-10), nhiều bạn đọc đã gửi bình luận phản ánh về những bức xúc đối với xe buýt chạy ẩu cũng như giải pháp để hạn chế những tai nạn do xe buýt gây ra.
Bạn đọc Tư Cầu Đỏ SG bức xúc: “Tôi chạy xe máy sát lề phải đường Nơ Trang Long, phía Bệnh viện Ung Bướu TP, bất ngờ một xe buýt từ sau trờ tới ép sát để dừng rước trả khách. Hông xe buýt cọ vào tay lái khiến tôi bị văng lên vỉa hè. Tôi lồm cồm đứng dậy, hành khách trên xe la ó vì lo sợ; còn tài xế, nhân viên của xe tuyệt nhiên không một lời hỏi han hay xuống kiểm tra xem tôi có vấn đề gì không”.
Bạn đọc Lão Già Sài Gòn đề nghị Sở GTVT TP buộc các xe buýt gỡ ngay còi hơi vì đây chính là nguyên nhân làm nhiều người đi đường giật mình, loạng choạng tay lái, mất thăng bằng dẫn đến tai nạn.
Cho rằng lỗi không chỉ thuộc về xe buýt, bạn đọc Lương Hòa phân tích: “Hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu xe lưu thông hiện nay. Ngoài ra, khi ngồi trên xe 4 bánh mới thấy xe 2 bánh chạy ẩu như thế nào, muốn quẹo thì quẹo, muốn lách thì lách, không nhìn trước, nhìn sau”.
Về những bất cập của xe buýt hiện nay, bạn đọc Ngọc cho rằng bất cập lớn nhất là việc phân làn đường. Muốn đón khách, xe buýt phải tấp vào làn xe máy khiến xe máy phải dừng hoặc lách sang trái để tiếp tục chạy, dễ gây tai nạn, ùn ứ. Tuy nhiên, cái khó là không đặt trạm ở đó thì đặt ở đâu?
Nhiều bạn đọc cũng phản ánh do CSGT ít khi thổi phạt xe buýt phạm luật, nhất là vào giờ cao điểm nên các tài xế vô tư vượt đèn đỏ, lấn làn, nhấn còi inh ỏi. “Phải có chế tài nghiêm với những tài xế xe buýt gây tai nạn nghiêm trọng, chạy ẩu; đồng thời kiểm tra định kỳ để loại bỏ những tài xế sử dụng chất kích thích” - bạn đọc Đức Lợi đề nghị.
V.Thư