BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giải pháp nào để nông sản đỡ bị rớt giá ?

Cập nhật ngày: 10/03/2014 - 05:37

Nhà vườn trồng rau rất vất vả nhưng thu nhập rất kém.

Tây Ninh có 80% người dân sống bằng nghề nông. Ngoài những cây trồng chủ lực của tỉnh như mì, mía, cao su, nông dân Tây Ninh còn trồng nhiều loại rau, củ, quả khác để cung ứng cho thị trường. Thời gian gần đây, mặt hàng rau, củ, quả thương lái mua của nông dân xuống giá đến mức đáng báo động làm người trồng điêu đứng, nhưng giá bán tại chợ lại không giảm. Giải pháp nào để nông sản đừng rớt giá?

Ông Hoàng Bá Vượng- Trưởng khu phố 2, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành đưa chúng tôi đến tận nơi trồng rau để chứng kiến những mảnh đất trồng rau tập trung trước đây giờ thưa thớt, người dân chỉ trồng cầm chừng để chờ đợi giá lên.

Ông Vượng cho biết: “Trước đây tại khu phố 2, thị trấn Châu Thành có thành lập Hợp tác xã Thành Đạt, chuyên sản xuất rau an toàn, nhưng vì không tìm được đầu ra nên sau một năm hoạt động HTX đã giải thể.

Với số lượng sản xuất lớn mà không có nơi tiêu thụ ổn định, người trồng rau đang rất hoang mang. Mới mấy hôm trước đây, tại khu phố này, cải xà lách chỉ có 500 - 1.000 đồng/kg mà chẳng có người mua, cải đến lứa người trồng đành phải nhổ bỏ, thật quá xót lòng...”.

Chúng tôi đến nhà ông Hoàng Bá Phúc, người chuyên trồng rau cần, tía tô, rau thơm... nhiều năm liền để tìm hiểu thêm. Đang tưới rau, ông ngưng tay lắc đầu ngán ngẩm khi nghe hỏi về giá: “Từ lúc tôi trồng rau này đến nay đã hơn 5 năm, chưa bao giờ giá cả lại xuống thê thảm như vậy, chẳng những giá thấp mà bán cũng rất chậm, thậm chí có lúc chẳng có ai mua, rau cần nhà tôi trổ bông hết rồi.

Trước lễ Giáng Sinh bán được từ 10.000 - 12.000 đồng/kg, mỗi ngày cân cho thương lái từ 60-70kg. Sau Giáng Sinh đến nay, giá cả ngày càng sụt, hiện chỉ còn 5.000 đồng/kg mà mỗi ngày cũng chỉ tiêu thụ được từ 20 - 25kg”.

Cả gia đình ông Phúc sống nhờ 3 công đất trồng rau, trước đây thu nhập ổn định, có cái ăn, cái mặc, lo cho con cái học hành, nay giá cả xuống thấp, cuộc sống có lúc thiếu trước hụt sau.

Thực tế, giá cả không do nông dân quyết định, tất cả đều qua khâu trung gian, thương lái mua giá nào người trồng rau chỉ biết chấp nhận, đây là một thiệt thòi rất lớn cho người trồng rau.

Ông Nguyễn Văn Viết- một nông dân trồng cải thảo tâm sự: “Hơn một công đất nhưng giờ chỉ trồng có vài luống. Không hiểu sao giá cả xuống nhanh quá, rau mình trồng rất an toàn, phun thuốc sinh học theo đúng hướng dẫn, đạt chuẩn, vậy mà vẫn bán chậm.

Trước đây có người Campuchia đến mua, giá từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, mỗi lần bán lên đến hàng trăm ký, bao nhiêu đây bán một, hai ngày là xong. Nay chỉ bán cho thương lái trong tỉnh, giá mua xô khoảng 4.000 đồng/kg, cải đã đến lứa phải bán, mỗi ngày chỉ bán được chừng 30 - 40kg, nếu không bán kịp thời, cải quá lứa càng khó bán...”.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu thị trường và các cơ quan liên quan, giá cả hàng nông sản ngoài chợ lại cao hơn nhiều. Cụ thể, như nông dân bán khổ qua cho thương lái chỉ với giá từ 1.500 - 2.000 đồng/kg, trong khi giá bán lẻ tại các chợ không dưới 8.000 đồng/kg.

Tiếp chúng tôi tại Trung tâm Khuyến nông tỉnh, ông Nguyễn Văn Nhành- Giám đốc Trung tâm hết sức chia sẻ với nông dân trong tình hình giá cả hiện tại. Theo ông Nhành, giá cả xuống thấp là do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là người dân chỉ trồng theo phong trào, thấy cây nào có giá tập trung trồng cây đó mà không tìm hiểu thị trường, dẫn đến cung nhiều hơn cầu, gây mất giá.

Ngoài ra, tâm lý dây chuyền của người dân lo ngại việc rau, củ, quả bị phun thuốc BVTV, nên hạn chế sử dụng, người mua ít, người bán nhiều dẫn đến rớt giá...

Mặc dù Trung tâm không định hướng người nông dân phải trồng cây gì, ở thời điểm nào, nhưng Trung tâm có bản tin khuyến nông hằng tuần, được phát tận cơ sở, qua đó thông tin cho nông dân biết giá cả các mặt hàng nông sản và những khuyến cáo cần thiết, liên quan trực tiếp đến đời sống người dân.

Việc người trồng rau, củ, quả bán với giá rẻ mạt trong khi giá ngoài chợ không giảm là một thực trạng đáng lo ngại và chưa có lời giải đáp.

Đến cuối năm 2013, diện tích đất đủ điều kiện sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh vào khoảng hơn 300 ha, trong đó đã cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn an toàn khoảng hơn 50 ha, số còn lại chưa cấp do người dân chưa có yêu cầu.

Theo ông Nguyễn Văn Hồng- Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh, mục tiêu của sản xuất rau an toàn là chủ động kiểm soát sản lượng, chất lượng, khắc phục tình trạng buôn bán lòng vòng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hình thành các vùng trồng rau an toàn tập trung gắn với thị trường tiêu thụ...

Qua những vùng chuyên sản xuất rau an toàn đạt chuẩn, Chi cục sẽ là trung gian giới thiệu những doanh nghiệp có yêu cầu các mặt hàng nông sản đến người nông dân, hai bên sẽ thoả thuận giá cả và tự chịu trách nhiệm với nhau.

Tuy nhiên, đến nay số doanh nghiệp được Chi cục làm trung gian chưa nhiều, bản thân nông dân phải tự tìm lối thoát, việc tìm đầu ra cho vùng rau an toàn vẫn là bài toán khó cho nông dân.

Không có thương lái thì nông dân chưa đủ khả năng tìm nơi tiêu thụ, nhưng nếu chỉ dựa vào thương lái tiêu thụ hàng hoá thì nông dân sẽ bị động hoàn toàn, nhất là về giá, vì trong kinh doanh lợi nhuận được ưu tiên hàng đầu.

Làm sao để giá cả từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng không chênh lệch quá cao, người nông dân có lãi, sống được với nghề? Đây là điều mà hầu hết nông dân đang bức xúc và vấn đề này chỉ có các chuyên gia có tầm nhìn vĩ mô mới tìm ra được những giải pháp hiệu quả.

DUY ĐỨC