Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Cần một chính sách tạo đòn bẩy phát triển Nông nghiệp công nghệ cao:
Giải pháp nào để pháp nhân tiếp cận chính sách ?
Thứ sáu: 09:18 ngày 12/03/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Theo Quyết định số 21/2019/QĐ-UBND về Quy định về mức hỗ trợ lãi vay phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2025. Chính sách này được ban hành với mục tiêu khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân tham gia phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, qua thời gian triển khai thực hiện, chính sách trên đã có nhiều bất cập mà theo một số người cần có sự điều chỉnh phù hợp để nhiều đối tượng được thụ hưởng

Vườn bưởi da xanh xen cây mít của ông Thà.

CHỈ CÓ CÁ NHÂN TIẾP CẬN DO ĐỦ ĐIỀU KIỆN VỀ TÀI SẢN

Theo Quyết định 21, điều kiện để được hỗ trợ là đối tượng vay vốn có dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt mức lãi vay; có hợp đồng vay vốn thực hiện dự án phát triển thực hiện sản xuất nông nghiệp tốt; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nông nghiệp hữu cơ, sơ chế, bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp đã được giải ngân tại các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh; việc hỗ trợ lãi vay chỉ thực hiện đối với khoản vay đúng hạn, những khoản vay bị chuyển sang nợ quá hạn không được hỗ trợ kể từ thời điểm phát sinh nợ xấu.

Đây được xem là một trong những bất cập của Quyết định 21, nhiều đối tượng dù muốn tiếp cận để được thụ hưởng nhưng không thể thực hiện, trong đó vướng điều kiện về tài sản thế chấp tại ngân hàng thương mại đã khiến nhiều đối tượng như hợp tác xã không thể tiếp cận dù rất mong muốn.

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, kết quả phê duyệt kinh phí hỗ trợ thực hiện dự án của UBND tỉnh theo quyết định số 21 được Sở phối hợp các sở, ngành, địa phương có liên quan hướng dẫn nhà đầu tư có nhu cầu thực hiện chính sách lập dự án đầu tư, tổ chức thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ trợ được 13 dự án (trong năm 2020: 12 dự án, trong 3.2021: 1 dự án).

Trong đó đối với ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đã triển khai hỗ trợ 4 dự án. Có 9 dự án thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP, VietGAHP và phần lớn là cá nhân được hỗ trợ

Là một trong những nông dân thụ hưởng chính sách hỗ trợ lãi vay từ Quyết định số 21, ông Phan Văn Thà thực hiện dự án trồng bưởi xen canh cây mít thực hành sản xuất nông nghiệp tốt với quy mô 20 ha ở ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Tây (huyện Tân Biên).

Dự án được hỗ trợ từ năm 2021–2024, với tổng kinh phí khoảng 1 tỷ đồng. Cụ thể: năm 2021 khoảng 140 triệu đồng; năm 2022 khoảng 200 triệu đồng; năm 2023 là 266 triệu đồng và năm 2024 là 409 triệu đồng. Ông Thà chia sẻ: “Tôi rất hoan nghênh những lợi ích thiết thực mà chính sách mang lại, vì chính sách của tỉnh làm cho chúng tôi tin tưởng hơn, phấn khởi hơn, mạnh dạn hơn để đầu tư”.

Ông Thà cho biết, nhìn một cách khái quát, nông nghiệp Việt Nam nói chung, nông nghiệp Tây Ninh nói riêng vẫn còn những khó khăn, tuy nhiên, trong khó khăn chung đó, Nhà nước ta, tỉnh ta có những chính sách hỗ trợ nông dân là rất phù hợp, đáp ứng được mong muốn của bà con nông dân, góp phần thúc đẩy cho nông nghiệp Tây Ninh đi lên ở một mức độ mới, như cánh đồng lớn, công nghệ cao, chất lượng VietGAP... Điều này cho thấy, tỉnh đã có một bước phát triển mới, thật sự quan tâm đến nông nghiệp.

Ông chia sẻ thêm, mục tiêu của chúng ta là "Dân giàu, nước mạnh". Dân giàu là khuyến khích người dân làm giàu, nỗ lực vươn lên, thế nhưng phải có điều kiện, điều kiện từ nhiều phía: từ bản thân người nông dân; điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng... và trong đó phải có chính sách, đây là điều rất quan trọng.

Làm nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao rất khó, bởi vì chi phí đầu tư quá lớn, trong khi nông dân vẫn còn thiếu nhiều về kiến thức, khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm, đặc biệt là thiếu vốn. Đối với nông dân, bất cứ chính sách nào liên quan đến nông nghiệp cũng đều là “cú hích”.

Do đó, trong thời gian tới, ông Thà mong rằng các chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung cần “thoáng” hơn vì chính sách “chặt” quá thì ít người có thể tham gia được, trong khi chúng ta cần chính sách để thúc đẩy nông dân hăng hái sản xuất để có sức lan tỏa, là “cú hích” để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp Tây Ninh đi lên, nhất là trong giai đoạn này rất quan trọng để có thể phát triển đồng bộ cho nhiều năm sau.

HỢP TÁC XÃ “ BÓ TAY” VÌ CHẲNG AI CHỊU VÁC TÙ VÀ HÀNG TỔNG

Theo bà Lâm Thị Có- Giám đốc HTX Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, chính sách theo Quyết định 21 khi ban hành, nhiều HTX trong tỉnh rất phấn khởi vì các HTX sẽ được thụ hưởng các chính sách về vốn để phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo định hướng của tỉnh. Thế nhưng khi triển khai thực tế thì vướng khá nhiều thủ tục nên nhiều HTX đành bỏ cuộc và gần như ít có HTX nào tiếp cận được nguồn vốn từ chính sách này.

Trong đó, vấn đề vay vốn tại ngân hàng thương mại là một vấn đề nan giải, bởi lẽ khi vay vốn phải có tài sản thế chấp, nhưng HTX làm gì có tài sản chung thế chấp ngân hàng vay vốn để được hưởng hỗ trợ chính sách theo Quyết định 21. Nếu vay thì vay tài sản của thành viên HTX nhưng ít có cá nhân nào dám đem tài sản ra thế chấp để vay vốn cho HTX triển khai dự án.

Theo bà Có, trước đây HTX Phước Ninh có vay vốn hỗ trợ từ các chính sách nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thế nhưng việc này chỉ triển khai được 2 năm rồi sau đó phải ngưng do vị Chủ tịch Hội đồng quản trị không tiếp tục dùng tài sản cá nhân để thế chấp nữa.

Theo ông Hoàng Phú Hậu- Giám đốc HTX Hùng Hậu (xã Hòa Thạnh, huyện Châu Thành), nếu các chính sách hỗ trợ để phát triển nông nghiệp cao mà có điều kiện thế chấp tài sản tại các ngân hàng thương mại mới được giải ngân thì gần như các HTX điều gặp khó khăn. Bởi lẽ HTX là pháp nhân nhưng pháp nhân tập thể thì làm gì có tài sản chung để thế chấp.

Ông Hậu cho rằng, thời gian qua, tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ để các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển triển, khai thực hiện dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thực hành nông nghiệp tốt…Tuy nhiên để các HTX nông nghiệp có thể tiếp cận thì cần có những chính sách có điều kiện nhưng thông thoáng hơn.

Chứ như Quyết định 21 dù có quy định đối tượng được thụ hưởng là pháp nhân, cá nhân nhưng rõ ràng khi triển khai thực tế thì hầu như chỉ có cá nhân tiếp cận được. Đây là một điều bất cập mà tỉnh cần quan tâm khi ban hành các chính sách hỗ trợ về nông nghiệp cao, thực hành nông nghiệp tốt trong thời gian tới.

TỈNH CHƯA CÓ CHÍNH SÁCH RIÊNG BIỆT CHO VIỆC THU HÚT PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CAO

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ trước đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có chính sách riêng biệt cho việc thu hút phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chỉ có chính sách chung nhằm thu hút doanh nhiệp, HTX, cá nhân đầu tư vào phát triển thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; liên kết sản xuất chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; thu hút doanh nhiệp, HTX, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp…

Thế Nhân–Trúc Ly

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục