Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Giải phóng mặt bằng: Không để người dân chịu thiệt
Thứ năm: 15:21 ngày 22/06/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong việc triển khai các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh, giải phóng mặt bằng luôn là khâu khó khăn nhất.

Dự án đường 787B ngang qua địa bàn phường Lộc Hưng, thị xã Trảng Bàng đang thi công.

Năm 2023, Tây Ninh có hàng loạt dự án cần phải giải phóng mặt bằng với khối lượng lớn. Vì vậy các chủ đầu tư, các địa phương nằm trong vùng có dự án đi qua, nhất là các dự án ở lĩnh vực giao thông, tăng cường phối hợp trong việc vừa đảm bảo dự án thi công đúng tiến độ, vừa để người dân có đất phải thu hồi yên tâm tái định cư.

Trong một phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh, ông Nguyễn Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, không để người dân chịu thiệt khi có đất bị thu hồi để thực hiện các dự án phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội.

Nỗ lực vượt qua áp lực.

Năm 2023, trong tổng vốn đầu tư công là 1.339 tỷ đồng được phân bổ cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành Giao thông Tây Ninh làm chủ đầu tư, có đến 600 tỷ đồng dành cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Các dự án giao thông trải dài theo tuyến, đi qua nhiều huyện, thị xã, phạm vi giải phóng mặt bằng lớn. Xác định đây là công tác khó khăn, phức tạp, nhưng đóng vai trò then chốt, quyết định đến tiến độ thi công, tiến độ giải ngân của dự án; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành Giao thông tỉnh đã chủ động phối hợp với các địa phương, thường xuyên cử nhân sự phối hợp với Trung tâm phát triển quỹ đất trong việc điều tra, kiểm đếm, lập phương án và chi trả bồi thường.

Ông Đặng Xuân Trường - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành Giao thông tỉnh cho biết: “Công tác giải phóng mặt bằng là một áp lực lớn đối với ngành Giao thông Vận tải, các tỉnh, thành trên cả nước đều gặp phải chứ không riêng gì Tây Ninh.

Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và Giám đốc Sở GT-VT, các địa phương vận động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Hơn một năm nay công tác giải phóng mặt bằng tiến triển khá tốt. Trong đó, huyện Dương Minh Châu và thị xã Trảng Bàng là hai địa phương thực hiện tốt công tác này".

Thị xã Trảng Bàng có nhiều dự án trọng điểm của tỉnh với quy mô lớn thực hiện trong năm 2022 và tiếp tục triển khai trong năm 2023, như: dự án Trung tâm Logicstic, cảng cạn ICD và cảng tổng hợp Tây Ninh tại xã Hưng Thuận; dự án liên tuyến kết nối vùng N8 – 787B, 789; dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh- Mộc Bài; dự án đường dây 500 KV.

Thị xã đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, mỗi Uỷ viên Thường vụ Thị uỷ được phân công phụ trách một địa bàn và chịu trách nhiệm trực tiếp về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Các tổ tuyên truyền được thành lập, do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc ở cơ sở và đoàn thể chủ trì cùng tham gia công tác vận động, giám sát công tác giải phóng mặt bằng một cách đồng bộ, chặt chẽ.

Các nhóm tuyên truyền miệng đến từng hộ dân để tuyên truyền chủ trương của Nhà nước và mục đích ý nghĩa khi triển khai dự án, công khai từng công trình trên địa bàn để người dân thông hiểu. Khi công tác giải phóng mặt bằng có vướng mắc, Uỷ viên Thường vụ phụ trách địa bàn lắng nghe ý kiến của người dân và cho ý kiến ban đầu. Những nội dung phát sinh trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng được lãnh đạo Thị uỷ và UBND thị xã lắng nghe ý kiến người dân, đồng thời báo cáo sở, ngành để cùng tháo gỡ.

Ông Hà Minh Dảo - Phó Chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng cho biết, địa phương luôn chủ động bố trí tái định cư đối với những hộ giải tỏa trắng. Thị xã cũng đã có những khu tái định cư như Linh Trung, Thành Thành Công.

Ngoài ra, Thị xã còn có những khu đất công đã được chuẩn bị nền, tạo điều kiện cho hộ dân có hoàn cảnh khó khăn bị thu hồi đất, xét đủ điều kiện sẽ cho bắt thăm nhận nền tái định cư ở đó. Riêng ở xã Hưng Thuận, trong thời gian tới khi cảng Logictics hình thành, Thị xã sẽ mời đơn vị tư vấn quy hoạch phân khu, trong đó có khu tái định cư nhằm đảm bảo đời sống cho người dân bị thu hồi đất đến nơi ở mới có cuộc sống tốt hơn.

Bên cạnh đó, Thị xã cũng có kế hoạch hỗ trợ vốn, đào tạo nghề cho người lao động để họ có mức thu nhập ổn định. Vì vậy, hầu hết các dự án có qui mô lớn, phần lớn người dân đều đồng thuận, bàn giao mặt bằng kịp thời.

Người dân đồng thuận.

Gia đình ông Lê Khoăn ở phường Lộc Hưng, Thị xã Trảng Bàng có đất nằm trong khu vực giải tỏa của dự án đường liên tuyến N8-787b-789 cho biết: “Khi Nhà nước mở rộng đường, người dân bị thu hồi đất, bao giờ cũng có thắc mắc.

Sau đó chính quyền ở phường, khu phố, rồi cán bộ đảng viên làm gương, tuyên truyền vận động bà con cô bác, làm cho họ thấy được mục đích của việc mở rộng nâng cấp đường N8. Vì vậy tôi và người dân rất đồng tình. Đường mở rộng, người dân mất một phần đất, nhưng mang lại lợi ích rất lớn, vừa cho xã hội, vừa cho cá nhân mình".

Hướng dẫn chúng tôi xem đoạn đường sẽ được mở rộng, chị Phan Thị Hoa Sen ở phường Lộc Hưng, Thị xã Trảng Bàng bày tỏ: "Tuyến đường 787B đi qua phường Lộc Hưng có phạm vi giải phóng mặt bằng lên đến 31m.

Gia đình tôi bị mất đất nhưng vui, giao thông thuận lợi, góp phần giúp phường Lộc Hưng nói riêng, thị xã Trảng Bàng nói chung phát triển. Chính vì vậy mà gia đình tôi đã bàn giao ngay mặt bằng cho đơn vị thi công".

Cũng ở phường Lộc Hưng, bà Đặng Kim Thanh cho biết, các tổ chức đoàn thể đã đến tận nhà để tuyên truyền, vận động, gia đình rất đồng thuận và di dời nhà, cây ăn trái, giao mặt bằng. Bà Thanh xác nhận, dự án nâng cấp đường 787B rất thiết thực với người dân và phù hợp với tình hình phát triển giai đoạn hiện nay. Từ con đường này, Trảng Bàng sẽ kết nối với các huyện và tỉnh giáp ranh thuận lợi hơn.

Trên địa bàn thị xã Hoà Thành, một trong những công trình được người dân mong đợi là hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Cừ đến Quốc lộ 22B, rạch Se-vil, tổng chiều dài theo thiết kế gần 2.900m, tổng mức đầu tư trên 35 tỷ 600 triệu đồng.

Theo lời người dân phường Long Thành Trung và xã Long Thành Nam, vào mùa mưa, khu vực này thường xuyên bị ngập cục bộ nên họ hiểu rất rõ tầm quan trọng của công trình thoát nước.

Ông Nguyễn Thanh Sơn ngụ phường Long Thành Trung cho biết, nghe Nhà nước đầu tư hệ thống thoát nước bà con mừng lắm, mong cho mau hoàn thành để mưa đến không còn bị ngập. Đồng thuận ủng hộ chính quyền triển khai dự án, 14 hộ dân ở phường Long Thành Trung đồng ý bàn giao đất cho đơn vị thi công trước, nhận tiền đền bù sau.

Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng thị xã Hoà Thành kiểm tra tiến độ thi công công trình thoát nước đường Nguyễn Văn Cừ đến QL 22B, rạch Se-vil.

Không để người dân chịu thiệt khi thu hồi đất.

Trong phiên họp giao ban xây dựng cơ bản của tỉnh, ông Dương Văn Thắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhắc nhở các địa phương, các chủ đầu tư: Sẽ rất lãng phí nếu công trình khởi công rồi bị dở dang, kéo dài vì mặt bằng chưa được bàn giao.

Địa phương cũng không thể đi lên khi các công trình phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế xã hội không thể triển khai do vướng đền bù giải phóng mặt bằng. Vấn đề là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi bên.

Trước đây, khi triển khai dự án, chính quyền địa phương chưa chú ý đến việc lập các khu tái định cư cho người dân bị thu hồi đất. Những năm gần đây, công tác lập khu tái định cư được quan tâm. Các nhà đầu tư khi triển khai dự án phải đồng thời thành lập cả khu tái định cư.

UBND tỉnh đã giao trách nhiệm cho Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu giải pháp đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan xử lý kịp thời các vướng mắc, khó khăn của các chủ đầu tư liên quan đến quy trình thẩm định giá đất, phương án bồi thường; chủ động hỗ trợ, hướng dẫn các Phòng Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm phát triển quỹ đất cấp huyện trong quá trình triển khai thực hiện các thủ tục liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư quan tâm tạo điều kiện cho các dự án mà tỉnh đã cấp chủ trương đầu tư trên địa bàn được triển khai đúng tiến độ, đồng thời phải tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác đền bù giải phóng mặt bằng để bàn giao diện tích đã thu hồi cho các chương trình, dự án trọng điểm. Cần phải kết hợp hài hoà, theo tinh thần là bảo đảm lợi ích của người sử dụng đất khi bị thu hồi có cuộc sống bằng hoặc cao hơn, không để người dân bị thu hồi đất chịu thiệt.

Với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền cùng các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương; công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án giao thông nói riêng và các dự án phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh nói chung sẽ được người dân đồng thuận, bàn giao mặt bằng sớm cho đơn vị thi công. Từ đó tạo nên diện mạo mới để tỉnh có thể đột phá, tăng tốc phát triển kinh tế xã hội.

Trần Ngọc Phương Quỳnh

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục