Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Giải ngân vốn đầu tư công:
Giải phóng mặt bằng - một yếu tố quyết định
Thứ ba: 09:25 ngày 03/05/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Các dự án đầu tư công thời gian qua luôn được tỉnh, các sở, ngành, huyện, thị xã chú trọng đầu tư, đẩy nhanh tiến độ để giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, điều khó khăn mà các chủ đầu tư và các nhà thầu quan tâm nhất vẫn là tiến độ giải phóng mặt bằng, để có mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công theo kế hoạch.

Việc giải phóng mặt bằng đối với các dự án giao thông để có mặt bằng là một vấn đề khá quan trọng trong việc giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh minh họa

KHÔNG CÓ MẶT BẰNG THI CÔNG, “THIỆT ĐƠN, THIỆT KÉP” 

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành giao thông tỉnh, là đơn vị được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư nhiều dự án giao thông trọng điểm, mặt dù các sở, ngành và các địa phương luôn quan tâm, nỗ lực trong việc thực hiện quy trình về bồi thường giải phóng mặt bằng.

Nhưng thời gian qua các dự án trọng điểm, các trục đường chính có tính kết nối vùng như đường 782 - 784, Đất Sét - Bến Củi… đều gặp nhiều khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, dẫn đến phải điều chỉnh kế hoạch do chưa bàn giao toàn bộ mặt bằng để triển khai thi công.

 Khi mặt bằng chưa bảo đảm để thi công, dẫn đến nhà thầu không thể hoàn thành hạng mục công trình để nghiệm thu và giải ngân theo kế hoạch. Bên cạnh đó, việc chưa bảo đảm mặt bằng để thi công dẫn đến “thiệt đơn, thiệt kép”, một là chủ đầu tư không thể giải ngân vốn đầu tư công.

Hai là, nhà thầu thi công không liên tục, thường xuyên phải tạm dừng các phương tiện, nhân công… nên nhà thầu thiệt hại không nhỏ khi mặt bằng không bảo đảm, không thi công được nên không thể nghiệm thu theo từng giai đoạn để giải ngân vốn theo hợp đồng.

 Một nhà thầu thi công công trình giao thông đường bộ cho biết, khi trúng thầu, giá vật tư, xăng dầu trong hợp đồng được ký theo đơn giá cố định. Tuy nhiên, thời gian qua những diễn biến bất ổn của thị trường đã khiến giá vật tư phục vụ thi công các dự án như đất, sỏi đỏ, đá các loại, xăng dầu, nhựa đường… tăng bất thường, dù chủ đầu tư biết nhà thầu gặp nhiều khó khăn khi biến động giá nguyên vật liệu nhưng theo quy định pháp luật hiện nay thì không thể điều chỉnh giá, nên phải thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký kết.

Đối với những dự án mới được lựa chọn trúng thầu vào năm 2021 thì giá vật tư phục vụ thi công dù thấp, chưa sát giá thị trường nhưng nhà thầu vẫn còn “dễ thở” hơn những dự án đã ký và triển khai vào thời gian trước đó.

Với giá vật tư tăng cao bất thường thời gian qua, những dự án đã ký vào những thời điểm trước đó, nay được chủ đầu tư bàn giao mặt bằng thi công thì nhà thầu cầm lỗ là cái chắc.

 Một đại diện Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình cấp huyện cho biết, do khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dẫn đến một số công trình không thể triển khai theo đúng kế hoạch dự kiến.

Có trường hợp khi đã làm xong các thủ tục để giải phóng mặt bằng, thời gian thực hiện bị chậm dẫn đến giá đất tăng, nên phải làm lại các thủ tục áp giá theo quy trình mới.

Trong khi đó, để hoàn thành hồ sơ cho bất kỳ một dự án nào cũng phải tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật từ khâu tư vấn, lập dự án, dự toán giải phóng mặt bằng nên khi giá bồi thường tăng phải thực hiện lại quy trình áp giá bồi thường theo giá đất mới.

Dự án mở rộng đường 782-784 là một trong những dự án được triển khai thời gian qua gặp khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng.

KHÓ KHĂN VỀ NGUỒN LỰC ?

Theo tìm hiểu được biết, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng hiện nay cho các dự án triển khai thi công có sự phối hợp giữa chủ đầu tư và cơ quan chuyên môn cấp huyện là Trung tâm Phát triển quỹ đất, chính quyền địa phương.

Thế nhưng thực tế hiện nay, biên chế của các Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp huyện không nhiều, nên địa phương nào có nhiều dự án triển khai thi công cùng thời điểm, sẽ dẫn đến việc giải phóng mặt bằng bị chậm hơn so với dự kiến do thiếu nhân sự để thực hiện các quy trình giải phóng mặt bằng theo quy định pháp luật.

Đây là điều mà dù chủ đầu tư và Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp huyện dù rất nỗ lực và quyết tâm phối hợp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhưng do nhân sự còn hạn chế nên dẫn đến có sự chậm trễ trong quá trình triển khai.

 Bên cạnh đó, một lý do khách quan mà dự án cũng thường mắc phải là việc giải quyết khiếu nại đối với một số ít hộ dân không đồng ý phương án giải phóng mặt bằng mà chính quyền địa phương ban hành. Khi đó, chủ đầu tư phải chờ kết quả của cơ quan thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại theo quy định, mới có thể tiến hành bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công…

Đại diện Ban Quản lý dự án xây dựng ngành nông nghiệp cho biết, khi giải toả mặt bằng gặp khó khăn dẫn đến tình trạng một số gói thầu đã tổ chức đấu thầu hoàn thành phải chờ công tác giải phóng mặt bằng trong thời gian dài bị ảnh hưởng bởi biến động giá cả vật tư tăng mạnh gây thiệt hại về kinh tế.

Một số gói thầu không có mặt bằng sạch hoàn toàn nhưng phải triển khai thi công (BQL phát lệnh khởi công nhiều đợt theo từng hạng mục đã được hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng) dẫn đến nhà thầu phải tập kết máy móc thiết bị, nhân sự nhiều lần gây thiệt hại về kinh tế nhất là đối với công trình dạng tuyến, mặt bằng được bàn giao từng đoạn không liên tục.

Được biết mặc dù UBND tỉnh đã ban hành QĐ 2518/QĐ-UBND ngày 21.11.2019 quy định trình tự, thủ tục thực hiện bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh, trong đó thể hiện cụ thể từng bước và thời gian thực hiện tuy nhiên trong quá trình triển khai vẫn không bảo đảm được thời gian có nhiều nguyên nhân như Sự phối hợp giữa các phòng, đơn vị thực hiện công tác giải phóng mặt bằng còn chưa tốt dẫn đến hồ sơ phải chỉnh sửa nhiều lần kéo dài…

Kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng tại Thông báo số 2430/TB-VP ngày 13.4.2022 của Văn phòng UBND tỉnh chỉ đạo liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Phó Chủ tịch UBND nhận định, trong thời gian qua, một số đơn vị, địa phương phản ánh công tác tư vấn, thẩm định, phê duyệt đơn giá đền bù giải phóng mặt bằng rất chậm, thời gian kéo dài... dẫn đến chậm giải ngân vốn xây dựng cơ bản.

Như vậy, để xử lý dứt điểm tình trạng này, giao Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu đổi mới về cách làm, phương thức tổ chức thực hiện, công tác phối hợp để xử lý nhanh chóng các nội dung công việc liên quan đến thẩm định giá, phê duyệt phương án đền bù giải phóng mặt bằng.

 Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính và Văn phòng UBND tỉnh cần phân định rõ trách nhiệm của từng đơn vị trong công tác thẩm định hồ sơ, để khi nhận được hồ sơ của các chủ đầu tư thì triển khai, phối hợp thẩm định ngay; trong quá trình thực hiện bám sát, theo dõi từ đầu để hướng dẫn các đơn vị, tránh trường hợp “trả đi, trả lại” hồ sơ nhiều lần.

Thế Nhân

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục