Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Phát triển khu công nghiệp tại Trảng Bàng:
Giải quyết hiệu quả bài toán thất nghiệp
Thứ bảy: 09:49 ngày 07/05/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhiều doanh nghiệp đã mở rộng sản xuất, tăng quy mô nhà máy và thu hút, tuyển dụng thêm công nhân. Để giữ chân người lao động làm việc lâu dài, các chế độ phúc lợi cho người lao động luôn được bảo đảm, thường là cao hơn so với các quy định của Nhà nước.

Công nhân làm việc tại Công ty Richy miền Nam.

Sau 20 năm phát triển các khu công nghiệp (KCN), thị xã Trảng Bàng đã nhận lại được nhiều quả ngọt. Hiện nay, sản xuất công nghiệp chiếm đến hơn 80% tổng giá trị sản xuất của địa phương. Trảng Bàng luôn nằm trong tốp những địa phương thu ngân sách đạt cao nhất của tỉnh.

Trong đó, để phát triển bền vững phải luôn bảo đảm vấn đề an sinh xã hội. Theo UBND thị xã Trảng Bàng, khoảng 10 năm qua, địa bàn Thị xã gần như không còn tình trạng thất nghiệp đối với người trong độ tuổi lao động.

Bắt đầu từ sau tết nguyên đán, các doanh nghiệp, nhà máy trong các KCN trên địa bàn thị xã Trảng Bàng bước vào giai đoạn khôi phục sản xuất mạnh mẽ. Đến thời điểm này, số lao động đã quay trở lại làm việc tương đương với số lao động trước khi đợt dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 7.2021.

Nhiều doanh nghiệp đã mở rộng sản xuất, tăng quy mô nhà máy và thu hút, tuyển dụng thêm công nhân. Để giữ chân người lao động làm việc lâu dài, các chế độ phúc lợi cho người lao động luôn được bảo đảm, thường là cao hơn so với các quy định của Nhà nước.

Các KCN trên địa bàn Thị xã đang thu hút hầu hết các lao động trong độ tuổi lao động chưa có việc làm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cam kết bảo đảm chế độ làm việc ổn định, lâu dài cho người lao động, góp phần ổn định đời sống của người dân địa phương.

Theo ông Nguyễn Thành Nhơn- Giám đốc Hành chính - Nhân sự Công ty Richy miền Nam, mục tiêu hướng tới của công ty trong năm là tăng trưởng 40% so với năm 2021 và tăng chế độ phúc lợi cho người lao động.

Anh Trần Quang Vinh đang là công nhân Công ty Baiksan KCN Trảng Bàng cho biết, hiện tại, thu nhập của anh từ 7-14 triệu đồng, tuỳ vào thời gian làm việc. Anh Vinh cũng chia sẻ mình sắp có gia đình, với mức thu nhập này anh thấy khá hài lòng vì có thể lo cho gia đình.

Theo bà Lê Thị Hồng Thắm- Phó Chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng, tới thời điểm này, các khu công nghiệp giải quyết cho 2/3 số lao động của thị xã Trảng Bàng với khoảng trên 40.000 người. Vấn đề thất nghiệp với người trong độ tuổi lao động khoảng 10 năm nay ở Trảng Bàng là không có. Bà Thắm lý giải, các khu công nghiệp cần lượng lao động rất lớn và đa dạng về tay nghề cũng như kỹ năng. Những người không có chuyên môn, chỉ làm việc chân tay cũng có thể tìm được việc làm.

Không chỉ giải quyết việc làm cho lao động địa phương, các KCN đã thu hút và giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn công nhân các tỉnh, thành kết nối giao thông thuận lợi với thị xã Trảng Bàng. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục thông báo tuyển công nhân để mở rộng sản xuất.

Bà Trần Thị Hồng- Giám đốc Kinh doanh Công ty đầu tư và phát triển hạ tầng KCN Trảng Bàng cho biết, tại các KCN, lao động nội tỉnh chiếm 70% và 30% là người ngoài tỉnh. Mỗi doanh nghiệp có chính sách khác nhau như tăng lương hằng năm theo định kỳ, tiền thưởng tăng năng suất, tiền hỗ trợ vé xe cuối năm…

Theo đề án phát triển KCN mới, KCN mở rộng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, Trảng Bàng sẽ có thêm một KCN mới và một KCN mở rộng. Trong đó, KCN Thành Thành Công đang hoạt động hiệu quả và có chủ trương được mở rộng quy mô. KCN này đang có hơn 22.000 công nhân, đa số là lao động ngụ tại địa phương. Quy mô của KCN được thiết kế cho khoảng 50.000 công nhân làm việc.

Ông Nguyễn Thành Chương- Tổng Giám đốc Công ty cổ phần KCN Thành Thành Công cho biết, KCN đang thu hút lao động địa phương và vùng giáp tỉnh Long An. Bên cạnh đó, sắp tới, Thị xã còn có tái định cư và khu dân cư đô thị nên KCN sẽ giải quyết việc làm cho dân cư khu vực này.

Có thể nói, việc phát triển các KCN được kỳ vọng tiếp tục là động lực thúc đẩy địa phương phát triển nhanh và bền vững. Đề án phát triển các khu công nghiệp cũng đã tính đến các phương án chuẩn bị nguồn lao động.

Theo đại diện tại các KCN, việc thu hút và tạo việc làm cho lao động địa phương khá thuận lợi, nhưng mới chỉ đáp ứng được khu vực lao động phổ thông. Các KCN kiến nghị tỉnh cần quan tâm công tác đào tạo lao động tay nghề cao, tạo điều kiện thu hút các chuyên gia đến làm việc tại Tây Ninh.

HỒNG MINH - VI XUÂN

data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục