Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
XÃ BÌNH THẠNH (TRẢNG BÀNG):
Giải quyết tình trạng rác thải gây ô nhiễm môi trường
Thứ năm: 14:40 ngày 14/12/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo phản ánh của bà con, bãi rác này được UBND xã Bình Thạnh quy hoạch cách nay chưa đầy một năm, còn trước đó, bãi rác cũ nằm phía bên kia đường cách xa khu dân cư, xung quanh là đồng bưng không có người sản xuất, rất thuận lợi cho việc tập kết rác.

Đây là những bao rác do một số người tuỳ tiện đem ném ven đường tạo nên hình ảnh phản cảm chứ không phải do nhà thầu cẩu thả.

Từ nhiều tháng nay, người dân ấp Bình Quới, xã Bình Thạnh rất bức xúc về tình trạng bãi rác trong rừng cây bạch đàn tại khu vực tổ tự quản số 7 gây ô nhiễm môi trường. Theo phản ánh của bà con, bãi rác này được UBND xã Bình Thạnh quy hoạch cách nay chưa đầy một năm, còn trước đó, bãi rác cũ nằm phía bên kia đường cách xa khu dân cư, xung quanh là đồng bưng không có người sản xuất, rất thuận lợi cho việc tập kết rác.

Thế nhưng, không hiểu vì sao chính quyền địa phương lại quy hoạch bãi rác sát với khu dân cư tổ tự quản số 7, nằm ven tỉnh lộ 786; đồng thời, khi đưa rác đến đây, nhà thầu rác không đổ tập trung một chỗ mà đổ tràn lan trong đám rừng bạch đàn, khiến cho mùi hôi thối phát tán rất khó chịu, thậm chí rác đổ tràn ra đường, hết sức nhếch nhác.

RÁC THẢI ÐỔ TRÀN LAN, BỐC MÙI HÔI THỐI

Bà Lê Thị Nghiệp, 59 tuổi, có đất sản xuất gần bãi rác bức xúc nói: “Bãi rác đã làm đảo lộn mọi sinh hoạt của người dân trong ấp. Những lúc mưa nhiều, gia đình tôi không dám bước chân ra ruộng vì rác thải trôi lềnh bềnh khắp mặt ruộng, còn trời nắng thì mùi hôi thối nồng nặc cùng với nước bẩn đen ngòm chảy tràn ra ruộng làm sao dám sản xuất! Cách đây hơn hai tháng có cuộc họp tại ấp, tôi có ý kiến yêu cầu xã cho đắp bờ đê hoặc che chắn bãi rác lại để không gây ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con ở ấp Bình Quới này, lãnh đạo xã cũng có hứa sẽ khắc phục, nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy chính quyền địa phương có hướng xử lý bãi rác như thế nào”.

Anh Võ Văn Phú, 36 tuổi, ngụ tại tổ 7 thắc mắc: “Trước đây, bãi rác cũ nằm phía bên kia đường, sâu trong đồng bưng hoang không có người sản xuất, nhưng không hiểu vì sao nay lại cho đổ rác sát bên khu dân cư, vừa bất tiện vừa gây ô nhiễm môi trường?”.

Quan sát khu vực người dân phản ánh, chúng tôi nhận thấy tại khu vực bãi rác có một con đường mới đắp dẫn vào một bãi đất trống rộng khoảng 300m2, người dân cho biết đây là nơi được quy hoạch để tập kết rác, nhưng không hiểu vì sao con đường dẫn vào bãi đất trống này lại có barie chắn ngang không cho xe vào, bãi đất trống vẫn bỏ không, còn rác rưởi thì đổ tràn lan khắp khu rừng bạch đàn, tràn ra cả lề đường 786 (?!).

CHÍNH QUYỀN ÐỊA PHƯƠNG NÓI GÌ ?

Bà Trần Bùi Thuý Loan, Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh cho biết: “Ðúng là bãi rác cũ trước đây nằm cách xa khu dân cư, và xung quanh là đồng bưng hoang không có người sản xuất rất thuận tiện cho việc tập kết rác.

Tuy nhiên, lý do địa phương cho di dời bãi rác đến địa điểm mới là theo kế hoạch của xã, khu đồng bưng nói trên sẽ quy hoạch thành cánh đồng trồng thơm thương phẩm. Nếu khu vực đó trở thành vườn thơm thì khi khách đến đây tham quan phải đi qua bãi rác, như vậy rất khó coi. Do vậy, chủ trương của xã là quy hoạch bãi rác mới tại khu vực tổ DCTQ số 7.

Trước khi quy hoạch bãi rác mới, chính quyền địa phương cũng dự định hợp đồng với nhà thầu thu gom rác, nhưng qua trao đổi với nhiều đối tác vẫn chưa ký được hợp đồng. Lý do là những đối tác này hầu hết đều ở thành phố Hồ Chí Minh nên chi phí vận chuyển rác khá cao, thu tiền người dân rất khó. Trong khi chưa hợp đồng được nhà thầu, chúng tôi có thuê tạm một nhà thầu tư nhân là người dân địa phương vận chuyển rác đến đây để tập kết.

Do không có con đường dẫn vào bãi rác, địa phương phải xuất kinh phí hơn 90.000.000 đồng để thi công con đường, nhưng do đường mới đắp, xe máy cày không thể vào được nên phải đổ tạm bên ngoài, trước mắt là tiêu huỷ tại chỗ. Cứ cách vài hôm, người phụ trách thu gom rác phải đốt để không gây ô nhiễm môi trường.

Còn vấn đề bà con phản ánh rác đổ tràn lan ra đường là do rất nhiều người, phần đông là công nhân từ các nơi như Phước Chỉ, Mỹ Quý Ðông của huyện Ðức Huệ (Long An) khi đi làm mang rác đến đây ném bừa bãi trên lề đường chứ không phải nhà thầu cẩu thả như bà con phản ánh. Về việc này, địa phương cũng đã cử lực lượng đến thu gom đem đốt nhưng chỉ được vài hôm thì “đâu lại vào đấy”.

Ðiều đáng mừng là vừa qua chúng tôi đã ký hợp đồng với một đơn vị thu gom rác thuộc Công ty TNHH MTV Phi Thanh Vân ở thị trấn Trảng Bàng, và đơn vị này đang bắt tay vào thi công các hạng mục công trình như xây dựng khu tập kết rác khép kín, kiên cố, không để nước bẩn hoặc mùi hôi phát tán ra bên ngoài, sau đó, xe chuyên dụng sẽ đến vận chuyển rác đi xử lý tại nhà máy.

Trước mắt, đơn vị này đang san lấp nền với chi phí hơn 200 triệu đồng, chuẩn bị đổ bê tông mặt nền, xây tường xung quanh khu nhà kho và lắp đặt các biển báo theo hướng dẫn của tỉnh.

Tuy nhiên hiện nay, do chưa dứt mưa nên con đường dẫn vào công trình sụt lún, rất khó khăn cho việc vận chuyển vật liệu xây dựng vào công trình, tiến độ thi công phần nào bị hạn chế. Chính vì thế, không thể một sớm một chiều mà có thể giải quyết dứt điểm được thực trạng rác hiện nay như bà con phản ánh. Trước mắt, địa phương sẽ chỉ đạo nhà thầu thường xuyên thu gom rác đốt để không gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân”.

Minh Tiên

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục