Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Giải quyết tình trạng sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích: Quý I năm 2011, tiến độ xử lý chậm lại
Thứ năm: 08:11 ngày 14/04/2011

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hiện còn đến hơn 1.400 ha đất bao chiếm phải xử lý dứt điểm vào cuối năm nay.

Cho đến nay, công tác giải quyết tình trạng bao, lấn chiếm và sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã triển khai thực hiện được gần 2 năm. Sau nhiều nỗ lực giải quyết, đến nay nhiều địa phương có rừng đã xử lý đạt kết quả bước đầu đáng khích lệ. Đặc biệt trong năm 2010, các địa phương đã kiên quyết tăng cường xử phạt hành chính và ra quyết định cưỡng chế đối với một số hộ cố tình dây dưa kéo dài, nên diện tích đất lâm nghiệp đã xử lý xong đưa vào thiết kế trồng rừng ngày càng tăng khá. Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm 2011 tiến độ xử lý vẫn còn chậm so với kế hoạch.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo giải quyết tình trạng bao, lấn chiếm và sử dụng đất lâm nghiệp không đúng mục đích (gọi tắt là BCĐ 1070) trong 3 tháng đầu năm 2011, các địa phương có rừng tiếp tục vận động được thêm một số hộ dân vi phạm tự nguyện chấp hành chủ trương giải quyết bao chiếm. Cụ thể, huyện Tân Biên vận động được thêm 57 hộ tự di dời, chặt bỏ 132,9 ha cây trồng sai mục đích và huyện Dương Minh Châu vận động thêm được 11 hộ đăng ký cam kết di dời và chuyển đổi cây trồng không đúng mục đích để chuyển sang trồng rừng. Tuy nhiên, nhìn chung vẫn còn nhiều hộ vi phạm cố tình kéo dài thời gian đã cam kết nên các địa phương phải tăng cường các biện pháp xử lý nghiêm khắc. Cụ thể như ở huyện Tân Biên, trong 3 tháng đầu năm nay chính quyền địa phương đã ban hành thêm 3 quyết định cưỡng chế với diện tích 11,5 ha, đồng thời lập biên bản vi phạm hành chính 289 trường hợp vi phạm với diện tích 1.162,8 ha và lập biên bản 14 trường hợp cam kết. Ở huyện Tân Châu, trong 3 tháng đầu năm, chính quyền địa phương đã lập thêm 30 biên bản vi phạm hành chính, ban hành 38 quyết định xử lý hành chính với diện tích 88,19 ha. Ở huyện Dương Minh Châu cũng đã lập thêm 11 biên bản cam kết, 3 biên bản vi phạm hành chính.

3 tháng đầu năm 2011 có thêm 57 hộ tự chặt bỏ cây trồng sai mục đích.

Luỹ kế từ khi triển khai Quyết định 875 của UBND tỉnh đến nay, toàn tỉnh đã lập 836 biên bản vi phạm hành chính, 572 quyết định xử lý hành chính với diện tích 1.613,16 ha và ra 198 quyết định cưỡng chế với diện tích 679,45 ha. Trong đó, huyện Tân Biên ban hành 227 quyết định xử lý vi phạm hành chính với diện tích 792,4 ha, ra 99 quyết định cưỡng chế với diện tích 398,68 ha; huyện Tân Châu ban hành 303 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với diện tích 694,63 ha và ra 90 quyết định cưỡng chế với diện tích 251,97 ha. Còn huyện Dương Minh Châu, từ khi triển khai thực hiện Quyết định 875 đến nay cũng đã ban hành 42 quyết định xử lý vi phạm hành chính với diện tích 126,1 ha và ra 9 quyết định cưỡng chế với diện tích 19,8 ha.

Theo đánh giá của BCĐ 1070 thì trong quý I năm 2011, tiến độ triển khai xử lý tình trạng bao chiếm đất lâm nghiệp sử dụng sai mục đích trên địa bàn tỉnh có chậm so với kế hoạch đề ra. Nguyên nhân chủ yếu là trong quý I có thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, đồng thời trong thời gian gần đây các địa phương phải phân công chuẩn bị cho công tác bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp sắp tới nên công tác giải quyết tình trạng bao chiếm có lúc bị hạn chế.

Theo thống kê của BCĐ thì hiện nay còn đến hơn 1.400 ha đất bao chiếm phải xử lý dứt điểm vào cuối năm nay. Trong đó có một số diện tích chưa giải quyết dứt điểm, nhiều hồ sơ tồn đọng chưa xử lý, một số trường hợp không đăng ký cam kết, một số trường hợp cố tình tránh né nên không xác định được người sử dụng. Ngoài ra, còn có một số trường hợp tuy đã đăng ký cam kết nhưng không chịu thực hiện, chưa lập biên bản vi phạm hành chính để xử lý và cũng có một số trường hợp đã chặt bỏ cây trồng sai mục đích nhưng lại không chịu thực hiện trồng rừng.

Trong quý II năm 2011 và thời gian tiếp theo, BCĐ1070 chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác xử lý để đẩy nhanh tiến độ. Riêng đối với các trường hợp cố tình né tránh, không chịu đăng ký kê khai, không thực hiện trồng rừng theo quy định… sau khi đã thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng mà vẫn không đăng ký thì địa phương tiến hành xử lý vắng mặt, thu hồi đất giao cho Ban quản lý rừng quản lý để trồng lại cây rừng theo quy định.

SƠN TRẦN

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục