Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Giải toả, di dời Trường tiểu học Vàm Trảng: Khó cho các em ở bờ Đông
2011-01-13 09:25:00

Trong khi chờ đợi di dời, Ban giám hiệu, giáo viên và cả phụ huynh học sinh vẫn còn nhiều ưu tư, trăn trở.

Trường tiểu học Vàm Trảng thuộc ấp đảo An Thới, xã An Hoà huyện Trảng Bàng- là nơi học tập duy nhất cho các em học sinh cấp một tại địa phương này. Khi Khu Công nghiệp Bourbon - An Hoà được thành lập thì trường rơi vào vùng quy hoạch thuộc diện phải giải toả. Trong khi chờ đợi di dời, Ban giám hiệu, giáo viên và cả phụ huynh học sinh vẫn còn nhiều ưu tư, trăn trở.

Ấp An Thới có gần 600 hộ dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, địa bàn ấp khá rộng, xung quanh được bao bọc bởi sông rạch. 400 hộ lọt vào quy hoạch phải giải toả nằm về phía bờ Tây rạch Vàm Trảng, số còn lại gần 200 hộ nằm phía bờ Đông con rạch. Trường tiểu học Vàm Trảng nằm ở khu vực bờ Tây, trước đây có đến 15 lớp. Sau khi nhận tiền bồi thường, có một số hộ tự di dời trước, đưa con em đi theo nên học sinh của trường giảm dần. Năm học 2010-2011 trường chỉ còn lại 145 em và 13 giáo viên. Trong đó có khoảng gần phân nửa, cư ngụ ở bờ Đông (khu vực không bị di dời). Không kể có khoảng 30 em thuộc ấp Phước Hội, xã Phước Chỉ phía bên kia sông) đang theo học tại đây.

Các em học sinh không thuộc các hộ di dời chưa biết mai này học ở đâu?

Theo thầy Nguyễn Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường tiểu học Vàm Trảng thì trong Khu Công nghiệp Bourbon - An Hoà cũng có quy hoạch xây dựng một trường tiểu học nằm gần khu tái định cư, thuộc xã An Hoà chủ yếu để con em các hộ di dời có chỗ học hành. Việc xây dựng trường ở khu tái định cư làm nhiều hộ giáo viên và học sinh an tâm vì sẽ có nơi an cư để tiếp tục dạy và học. Thế nhưng những hộ giáo viên và học sinh khoảng 100 em không thuộc diện phải di dời thì lại lo lắng. Bởi sau khi giải toả trường, ở ấp An Thới không còn ngôi trường tiểu học nào khác. Trong khi trường mới theo quy hoạch sẽ nằm ở địa điểm khá xa (khoảng hơn 5 cây số) và các em phải đi lại trên đường ruộng rất khó khăn. Nếu phải đi đường nhựa thì phải vòng ra Bình Nguyên, An Hoà lại càng xa hơn nữa. Hầu hết phụ huynh học sinh khu vực còn lại của ấp An Thới là nông dân, không có thời gian, phương tiện thường xuyên đưa con đến trường nên nguy cơ bỏ học là rất cao.

Vì thế, nguyện vọng của nhiều người là nên có trường lớp tại chỗ để thuận lợi cho việc dạy và học của thầy và trò, không gây khó khăn trở ngại cho các bậc phụ huynh học sinh địa phương. Theo ý kiến của thầy Bình bước đầu chỉ cần xây dựng 6 phòng (5 phòng học và 1 phòng làm việc), vừa giải quyết được số học sinh tại chỗ vừa thuận tiện cho các em từ Phước Chỉ sang.

Thiết nghĩ việc xây dựng một điểm trường mới phục vụ cho việc học hành của con em người dân ở bờ Đông là nguyện vọng chính đáng, đáng được chính quyền địa phương và ngành chức năng quan tâm xem xét.

Duy ĐỨc

Từ khóa:
Tin liên quan