Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Sáng 9/1 tại Cần Thơ, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức Hội nghị thu hút đầu tư, kinh doanh dịch vụ Logistics vùng ĐBSCL.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì hội nghị, cùng với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các đồng chí lãnh đạo tỉnh ủy, UBND của 13 tỉnh trong vùng ĐBSCL, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics trong và ngoài nước.
Theo Phó Thủ tướng, cùng với phương thức nâng cao chất lượng và hạ giá thành hàng hóa, sản phẩm thì các quốc gia đang thực hiện phương thức cạnh tranh mới là đi vào quản trị hàng tồn kho, hợp lý hóa và tối ưu hóa chuỗi cung ứng và đẩy nhanh tốc độ giao nhận hàng hóa là “đất diễn” cho dịch vụ logisitics.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Phó Thủ tướng cho biết chi phí cho logistics ở các nước phát triển chiếm 10- 13% GDP và các nước đang phát triển là 15- 25% GDP nên nếu tiết kiệm tối đa chi phí cho logistics sẽ góp phần rất lớn trong nâng cao năng lực cạnh tranh của các quốc gia.
Việc tiết kiệm chi phí logistics càng có ý nghĩa với Việt Nam khi mà chi phí cho logistics hiện đang ở mức 20- 25% GDP, trong khi nền kinh tế có độ mở lớn, bằng khoảng 170% GDP và kim ngạch xuất nhập khẩu đang xấp xỉ mức 400 tỷ USD vào cuối năm 2016, tăng trưởng xuất khẩu ở mức 8,6% (loại trừ yếu tố giá thì trên 10%).
Do đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng hội nghị cần xem xét toàn diện các vấn đề liên quan tới hệ thống logistics gồm nhiều yếu tố liên quan về nhân lực, tài lực, vật lực. Nhà nước phải huy động nguồn lực để phát triển lĩnh vực này cũng như hành lang pháp lý minh bạch, thống nhất.
Toàn cảnh hội nghị.
“Đầu tư, kinh doanh dịch vụ logistics là yếu tố cần và đủ để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của vùng đồng bằng sông Cửu Long”, Phó Thủ tướng nhận định và bày tỏ hy vọng Hội nghị sẽ nâng cao nhận thức, hiểu biết về lĩnh vực logistics về bản chất, thực trạng và các chính sách thu hút nguồn lực; thu hút được các nguồn lực mới, nhà đầu tư mới trong nước và nước ngoài, các thành phần kinh tế, nhất là các nhà đầu tư chiến lược vào dịch vụ này.
Vùng ĐBSCL có tiềm năng lớn cho phát triển dịch vụ logistics và vận tải thủy khi có hệ thống đường thủy nội địa đày đặc (14.826,4 km đường thủy nội địa) với 02 tuyến kết nối với Campuchia và 05 tuyến kết nối với vùng Đông Nam Bộ) và 04 tuyến kết nối nội vùng. Trong đó, có 2 tuyến đường thủy huyết mạch từ TP HCM đi Kiên Giang, Cà Mau và kênh Quan Chánh Bố cho tàu trọng tải lớn ra vào sông Hậu.
Tuy nhiên hiện tại có đến 70% lượng hàng hóa xuất khẩu mỗi năm phải chuyển về TP HCM hoặc cảng Cái Mép bằng đường bộ khiến giá thành sản phẩm bị đội lên.
Ngoài ra, vận tải hàng không trong Vùng (cả hành khách và hàng hóa thời gian qua tăng trưởng mạnh, tương ứng tăng bình quân 16,5% và 18,7%/năm giai đoạn 2011-2015) là cơ hội lớn cho phát triển logistics đường hàng không.
Bộ Công Thương dự báo lượng hàng qua cảng ĐBSCL đến 2020 là khoảng 25-28 triệu tấn/năm, trong đó hàng tổng hợp, container từ 11,5 đến 14,0 triệu tấn/năm).
Tuy nhiên, đến nay vùng ĐBSCL chưa có trung tâm logistics được công nhận nằm trong Quy hoạch theo Quyết định số 1012 năm 2015 của Thủ tướng./.
Nguồn toquoc.vn