BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giám đốc CDC Mỹ: “Việt Nam đã khôn ngoan khi chọn chiến lược Covid-19 cho riêng mình” 

Cập nhật ngày: 23/07/2021 - 08:46

Giám đốc CDC Mỹ tại Việt Nam Eric Dziuban cho rằng Việt Nam đã “khôn ngoan” khi lựa chọn chiến lược Covid-19 của riêng mình khi tính đến các điều kiện cụ thể trong từng giai đoạn khác nhau.

Theo Giám đốc CDC Mỹ tại Việt Nam, Tiến sĩ Eric Dziuban, đối với tình trạng y tế khẩn cấp, sẽ có những biện pháp khác nhau được thực hiện trong các giai đoạn khác nhau. Cụ thể, đối với đại dịch Covid-19, khi những ca mắc mới xuất hiện, biện pháp đầu tiên là ngăn chặn, được hiểu đơn giản là ngăn chặn sự xuất hiện của các ca mắc mới.

Tuy nhiên, khi số ca mắc tăng lên mạnh mẽ từ những ổ dịch nhỏ thì biện pháp cần thực hiện ở giai đoạn này chính là kiểm soát số ca mắc và xác định được vị trí của chúng để ngăn chặn sự lây nhiễm. Đây chính là chiến lược “không Covid”, theo đó đưa số ca mắc mới tiến về con số 0.

Giám đốc CDC Mỹ tại Việt Nam, Tiến sĩ Eric Dziuban. Ảnh: Đại sứ quán Mỹ

Trên thực tế, chiến lược được áp dụng rất hiệu quả đối với Việt Nam trong hơn 1 năm qua. Việt Nam cũng nhận được nhiều sự khen ngợi trên thế giới về chiến lược này và xứng đáng với sự khen ngợi đó. Việt Nam đã kiểm soát số ca mắc Covid-19 vô cùng hiệu quả qua việc xác định nhanh chóng các ca mắc để tiến hành xét nghiệm trên diện rộng cũng như theo dõi tiếp xúc chặt chẽ để ngăn chặn các ca mắc mới, trong khi nhiều quốc gia khác phải trải qua những làn sóng bùng phát dịch bệnh rất lớn. Cho tới cuối tháng 4, những đợt bùng phát dịch bệnh ở Việt Nam đều rất nhỏ.

Tuy nhiên, khi virus lây lan ở mức không thể kiểm soát, khi mà chúng ta ghi nhận nhiều ca mắc đến mức không thể truy vết tiếp xúc tất cả những ca mắc này thì một chiến lược khác cần được áp dụng. Theo ông Eric Dziuban, đến đây, chúng ta cần nói về việc ngăn chặn tỷ lệ lây nhiễm và làm giảm sự tổn thất trong đại dịch. Làm giảm tổn thất tức là làm giảm sự phá hủy mà virus gây ra bằng cách tập trung vào việc đảm bảo hệ thống y tế có đủ khả năng để các bệnh viện không bị quá tải.

Theo Giám đốc CDC Mỹ tại Việt Nam, chúng ta không thể đưa số ca mắc tiến về con số 0 ngay lập tức nhưng ít nhất có thể làm chậm sự lây lan của virus. Do đó, chúng ta không phải trải qua sự gia tăng số ca mắc quá nhanh đến mức mà mọi người đều mắc bệnh trong cùng một thời điểm và làm quá tải hệ thống y tế. Trở lại đầu năm 2020, đây chính là biện pháp làm phẳng đường cong dịch bệnh. Mặc dù không thể xóa sổ virus ngay lập tức nhưng có thể làm chậm sự lây lan của chúng. Việc này sẽ giúp hệ thống y tế duy trì dưới ngưỡng bị quá tải.

Tăng cường biện pháp mới trong tình hình mới

Giám đốc CDC Mỹ cho rằng, mặc dù không phải những biện pháp cũ thì không còn hiệu quả nữa nhưng khi bước sang một giai đoạn mới trong đại dịch Covid-19 ở Việt Nam thì việc thực hiện các biện pháp bổ sung là điều cần thiết.

Trong khi vẫn cố gắng ngăn chặn số ca mắc mới xuất hiện và kiểm soát những đợt bùng phát nhỏ thì Việt Nam chứng kiến những đợt bùng phát vô cùng lớn ở các tỉnh phía nam, cần đến giải pháp ngăn chặn sự lây nhiễm và làm giảm tổn thất do dịch bệnh.

Việt Nam là một trong 124 quốc gia ghi nhận sự xuất hiện của các ca nhiễm biến thể Delta nguy hiểm hơn và có khả năng lây nhiễm nhanh hơn. Biến thể này thực sự đã tạo ra một vấn đề lớn và thay đổi toàn bộ tình hình đại dịch trên toàn cầu.

Vaccine là con đường cuối cùng để chiến thắng virus này. Theo ông Eric Dziuban , việc Việt Nam nhận được hàng triệu liều vaccine Covid-19 là một tin tốt nhưng cùng với chiến lược tiêm vaccine, những biện pháp quyết liệt vẫn cần phải thực hiện để làm giảm sự lây nhiễm trong cộng đồng.

Tại những thành phố với các đợt bùng phát lớn ghi nhận hơn 1.000 ca/ngày, cần cố gắng hạn chế người dân bị phơi nhiễm trước Covid-19. Điều này không thể đưa số ca mắc về con số 0 qua một đêm nhưng ít nhất có thể làm giảm sự gia tăng và bảo vệ hệ thống y tế không bị quá tải. Những biện pháp này tương tự như những gì đang được thực hiện ở Hà Nội và một số tỉnh khác. Việc hạn chế tập trung đông người đã được thực hiện hiệu quả ở Việt Nam năm 2020 và Giám đốc CDC Eric Dziuban cho rằng, Việt Nam nên tận dụng biện pháp này trong ngắn hạn cho tới khi tiêm đủ số mũi vaccine Covid-19 cho người dân.

Việt Nam có nên “sống chung với Covid-19” như Singapore?

So với Việt Nam, Singapore có tỷ lệ dân số được tiêm vaccine cao hơn nhiều, vì thế, nước này có thể áp dụng những chiến lược khác khi tính tới nguy cơ virus lây lan trong cộng đồng, tình trạng hệ thống y tế và tỷ lệ tiêm vaccine.

Giám đốc CDC Mỹ Eric Dziuban cho rằng, Việt Nam đã “khôn ngoan” khi lựa chọn chiến lược Covid-19 của riêng mình khi đánh giá về tỷ lệ tiêm vaccine hiện tại và không hành động như thể mọi người đều đã được tiêm vaccine. Việt Nam đã nhận được khoảng 4,3 triệu liều vaccine Covid-19 nhưng chỉ khoảng 324.000 người được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine. Vì thế, đây vẫn là một chặng đường dài. Điều đó cũng tức là vẫn còn một số lượng rất lớn dân số dễ bị tổn thương trước dịch bệnh Covid-19. Ông Eric Dziuban cũng nhận định, các kế hoạch cần thời gian để đánh giá về tính hiệu quả.

Khẳng định rằng đại dịch Covid-19 chỉ kết thúc khi nó kết thúc ở mỗi quốc gia, Giám đốc CDC Mỹ cho rằng, khi viện trợ vaccine Covid-19 cho Việt Nam, Mỹ coi Việt Nam là một đối tác và là một người bạn.

“Đây không phải là một cuộc đàm phán hay buôn bán mà là chúng tôi thực sự mong muốn có nhiều người Việt Nam hơn được tiêm vaccine. Chừng nào mà virus còn tiếp tục lây lan ở một số khu vực trên hành tinh này thì phần còn lại của thế giới vẫn gặp rủi ro”, ông Eric Dziuban cho hay./.

Nguồn VOV.VN