Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bài dự thi phóng sự - ký sự:
Giám đốc nhiều cải tiến kỹ thuật
Thứ hai: 06:21 ngày 11/09/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Với cương vị là phó giám đốc phụ trách kỹ thuật và sau đó là giám đốc, thời gian qua, kỹ sư Tài đã có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần rất đáng kể cho ngành cao su.

Ông là kỹ sư nông nghiệp, gắn bó với nông trường này gần ba mươi năm. Lúc đầu, ông là trợ lý kỹ thuật, rồi làm phó giám đốc Nông trường, từ năm 2007 đến nay làm giám đốc. Với cương vị là phó giám đốc phụ trách kỹ thuật và sau đó là giám đốc, thời gian qua, kỹ sư Tài đã có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần rất đáng kể cho ngành cao su. Gần đây nhất, ông có công trình “Cải tiến xe vận chuyển mủ cao su thành xe chữa cháy”.

Giám đốc Nông trường Cao su Bến Củi Nguyễn Văn Tài bên công trình “Cải tiến xe vận chuyển mủ cao su thành xe chữa cháy”.

Tại Ðại hội Công đoàn Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017- 2022, có một cá nhân được Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng lao động sáng tạo trong phong trào thi đua yêu nước năm 2016. 

Trước đó, ông đã được Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tặng Bằng khen “Ðã có thành tích xuất sắc trong phong trào sáng kiến, sáng tạo, cải tiến khoa học kỹ thuật trong đơn vị góp phần xây dựng Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam ngày càng vững mạnh”. Người được vinh dự đón nhận Bằng lao động sáng tạo và bằng khen vừa nêu là kỹ sư Nguyễn Văn Tài- Giám đốc Nông trường Cao su Bến Củi (thuộc Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh). 

Ông là kỹ sư nông nghiệp, gắn bó với nông trường này gần ba mươi năm. Lúc đầu, ông là trợ lý kỹ thuật, rồi làm phó giám đốc Nông trường, từ năm 2007 đến nay làm giám đốc. Với cương vị là phó giám đốc phụ trách kỹ thuật và sau đó là giám đốc, thời gian qua, kỹ sư Tài đã có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, góp phần rất đáng kể cho ngành cao su. Gần đây nhất, ông có công trình “Cải tiến xe vận chuyển mủ cao su thành xe chữa cháy”.

“Biến” xe chở mủ thành xe chữa cháy

“Phương án lắp đặt đơn giản, chi phí thấp, tính ứng phó kịp thời tại chỗ, tính phổ dụng xã hội hoá cao, nâng cao hiệu quả phòng - chữa cháy” là kết quả ứng dụng công trình của kỹ sư Tài. Ông cho biết, Nông trường cao su Bến Củi quản lý 2.270 ha cao su. Mùa khô cũng là mùa cao su thay lá. Toàn bộ lá trên cây rụng xuống đất thành một lớp khá dày, rất dễ cháy.

Ngoài ra, hằng năm, nông trường thanh lý từ 150 ha đến 200 ha cây cao su trong mùa khô; các cành lá sau khi cưa cắt để lại rất dễ cháy và lây lan đến các vườn cây xung quanh. Thực tế tại nông trường đã xảy ra hai vụ cháy trong quá trình thanh lý vườn cây. Vào mùa khô, nông trường đều lập kế hoạch và phương án phòng cháy, chữa cháy (PCCC), huy động nhiều công nhân cho công tác PCCC, nhưng phương tiện chữa cháy rất thô sơ.

Trước thực trạng đó, kỹ sư Tài băn khoăn suy nghĩ, tìm tòi giải pháp chữa cháy tại chỗ đạt hiệu quả cao. Từ phương tiện sẵn có của nông trường là xe vận chuyển mủ có 3 tank (3 bồn chứa mủ), máy bơm dùng bơm mủ lên tank, kỹ sư Tài nảy sinh ý tưởng chuyển công năng sử dụng từ bồn vận chuyển mủ thành bồn chứa nước và máy bơm mủ thành máy tạo áp lực cho vòi rồng thực hiện việc chữa cháy. Khi mùa khai thác mủ kết thúc, cũng là mùa cao su bắt đầu thay lá, cây ngưng cạo, khi đó bồn chứa mủ, máy bơm mủ được dùng cho xe PCCC.

Kết quả thử nghiệm cho thấy, tất cả các phương tiện được lắp đặt hệ thống chữa cháy do ông Tài thiết kế đều có khả năng di chuyển, tiếp cận điểm cháy với phạm vi hoạt động không hạn chế. Ðộ phun xa của đầu rồng phụ thuộc vào công suất của máy bơm (máy bơm 5 CV phun xa 30m, máy bơm 9 CV phun xa 50m). Thời gian hoạt động phun chữa cháy của mỗi xe chứa 3 bồn nước là 30 phút. Ðể có nguồn nước cung cấp cho công tác chữa cháy, nông trường bố trí các giếng khoan phân bố đều trong vườn cây cao su.

Sau khi thử nghiệm, xe chữa cháy tự chế của kỹ sư Tài đáp ứng đầy đủ tính năng theo yêu cầu của cơ quan PCCC. Ðặc biệt là tổng chi phí cải tiến xe chở mủ thành xe PCCC chỉ 9,5 triệu đồng, giảm chi phí đầu tư trang bị xe chữa cháy chuyên dùng đến 800 triệu đồng/xe. Có xe chữa cháy này, nông trường tiết kiệm rất đáng kể trong việc bố trí công nhân trực chống cháy cho toàn bộ diện tích vườn cây.

Theo kỹ sư Tài, không chỉ đối với vườn cao su, mà đối với vùng trồng mía, từ phương tiện máy móc sẵn có, các chủ trang trại có thể tự lắp đặt máy chữa cháy theo thiết kế của ông. Ðối với các khu bảo tồn, rừng phòng hộ, khu di tích, kể cả khu dân cư đô thị cũng có thể trang bị máy chữa cháy này.

“Cây” sáng kiến của ngành cao su

Trước đó, ông Tài đã có nhiều công trình sáng kiến cải tiến kỹ thuật khác, đáng lưu ý như: kỹ thuật tạo tán vườn cây kiến thiết cơ bản; công cụ xử lý cây nghiêng trên vườn cây kinh doanh; công cụ khai thác vườn cây tận thu; sử dụng máy bón phân thay thế bón phân thủ công trên vườn cây kiến thiết cơ bản.

Về kỹ thuật tạo tán, kỹ sư Tài cho biết, nhằm khống chế ưu thế về ngọn của vườn cây kiến thiết cơ bản dòng vô tính (phân cành cao dễ ngã đổ), qua quá trình quản lý, nghiên cứu, tìm tòi phân tích đặc tính hình thái của cây cao su, vào năm 2006, ông đưa ra phương pháp cắt ngọn tạo tán cho giai đoạn kiến thiết cơ bản đối với vườn cây năm thứ 2, thứ 3.

Nhờ có kỹ thuật tạo tán, cây phân cành hợp lý, thân cây phát triển đồng đều, thúc đẩy độ tăng nhanh quành tròn thân cây, bảo đảm mật độ vườn cây, hạn chế gãy đổ do gió. Cũng từ đó, người trồng cao su rút ngắn được thời gian kiến thiết cơ bản của cây từ 6 tháng đến một năm (so với trước khi chưa có kỹ thuật tạo tán). Công trình này đã được áp dụng cho toàn ngành cao su.

Theo kỹ sư Tài, đây là công trình vừa mang tính kỹ thuật, vừa mang tính nghệ thuật cao, để nâng cao chất lượng vườn cây, tạo tiềm năng năng suất cho thời kỳ kinh doanh.

Hằng năm vào mùa mưa bão, giông lốc, nỗi lo vườn cây cao su kinh doanh bị gãy đổ luôn là vấn đề nhức nhối của người trồng cao su, nhất là trên dòng vô tính RRIV4. Ðể xử lý cây nghiêng, có nguy cơ gãy đổ trên vườn cây nhóm 1 đang khai thác, trước kia, nông trường cho người leo lên cây chặt tỉa nhánh. Công việc này không bảo đảm an toàn lao động, năng suất thấp, hiệu quả không cao (không mé được những nhánh trên ngọn cao). Sau đó, nông trường dùng xe chuyên dụng đưa người và máy cưa lên cao để xử lý; cách làm này quá tốn kém và năng suất cũng thấp.

Từ thực trạng đó, năm 2012, kỹ sư Tài nghĩ ra cách dùng lưỡi câu liêm nối cán dài để tỉa cành cây nghiêng. Cách làm này bảo đảm an toàn lao động, vừa nâng cao năng suất mà chi phí rất thấp, dễ thực hiện, hiệu quả cao. Phương pháp này được đưa sang Lào áp dụng xử lý hàng ngàn ha cao su bị gió lốc nghiêng ngả.

Trước đây, để khai thác tận thu trên vườn cây cao su chuẩn bị thanh lý, công nhân phải bắc thang (hoặc ghế cao) để cạo, vừa không an toàn mà năng suất thấp. Sau đó, nông trường cải tiến bước đầu là dùng cây tầm vông dài nối làm cán dao cạo.

Cách làm này cũng có hiệu quả, nhưng không linh hoạt theo chiều cao cạo miệng, hạn chế năng suất lao động và cũng không khai thác hết tiềm năng năng suất vườn cây chuẩn bị thanh lý. Năm 2010, kỹ sư Tài tạo ra dụng cụ khai thác vườn cây tận thu tiên tiến và hiệu quả hơn. Ðó là dùng cán dao kim loại có 3 đoạn nối nhau bằng chốt khoá, để người công nhân linh hoạt khai thác ở nhiều độ cao khác nhau.

Ðồng thời, cán dao 3 đoạn này cũng tương thích với 3 công dụng khác nhau: lắp đặt vào lưỡi dao cạo; lắp đặt vào dụng cụ bấm máng và dụng cụ bôi kích thích. Nhờ sử dụng công cụ trên, công nhân khai thác hết tiềm năng năng suất cây chuẩn bị thanh lý. Cụ thể, trước đây chỉ khai thác được 1,6 tấn/ha, nay đã nâng lên được 2 tấn/ha. Bộ công cụ này nay đã được áp dụng rộng rãi trong ngành cao su.

 Ngày trước, việc bón phân trên vườn cây kiến thiết cơ bản theo phương pháp thủ công. Do vườn cây rộng lớn, nên hằng năm đến mùa vụ bón phân đòi hỏi phải huy động nhiều nguồn nhân lực. Cách bón thủ công còn nhiều hạn chế về kỹ thuật, năng suất lao động thấp, cần nhiều lao động và tính hại cao (do công nhân tiếp xúc trực tiếp với phân bón).

Do vậy, kỹ sư Tài đã nỗ lực cải tiến thành công máy bón phân trên vườn cây kiến thiết cơ bản và đưa vào sử dụng. Ðây là máy tự hành (tự trộn, tự rạch hàng, tự bón, tự lấp đất), với những ưu điểm thấy rõ: năng suất cao (20 ha/ngày/máy), đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật, giảm độc hại, giảm chi phí thuê công nhân (một máy thay thế 20 công nhân bón phân thủ công) và dễ quản lý, kiểm soát.

Qua nhiều năm trải nghiệm trong ngành, kỹ sư Nguyễn Văn Tài đã tự nghiên cứu, học hỏi, tìm tòi để có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng suất và chất lượng vườn cây, giảm thâm dụng lao động, ứng phó hiệu quả với tình hình giá cao su giảm sâu và khủng hoảng thiếu lao động như hiện nay.

Kỹ sư Tài tâm sự: “Khi một sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được tạo ra mà tác giả cố giữ bí mật chỉ để làm lợi riêng cho mình thì hiệu quả mang lại sẽ hạn chế. Do đó, sáng kiến chỉ có giá trị khi được nhân rộng”. Chính vì vậy, ông rất vui khi những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của mình được phổ biến khắp nơi.

N.H

Tin cùng chuyên mục