BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giám đốc Sở XD Trịnh Ngọc Phương: Đô thị hoá là tất yếu nhưng phải quy hoạch thật căn cơ, bài bản

Cập nhật ngày: 17/05/2011 - 11:15

Ông Trịnh Ngọc Phương phát biểu trong buổi tiếp xúc cử tri xã Thạnh Tân (Thị xã) sáng 16.5

Công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH-HĐH) nền kinh tế là yêu cầu bức thiết và là quy luật tất yếu của sự phát triển. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, đến năm 2020, Tây Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp. Khởi đầu của công nghiệp phải nói đến quy hoạch và xây dựng. PV Báo Tây Ninh có cuộc trao đổi với ông Trịnh Ngọc Phương, Giám đốc Sở Xây dựng, ứng cử viên ĐBQH, đơn vị số 2 tỉnh Tây Ninh. Xin chuyển đến bạn đọc cuộc trao đổi sau đây:

- PV: Thưa ông Trịnh Ngọc Phương. Tây Ninh là một tỉnh nông nghiệp đang trên đà CNH-HĐH, trong đó việc đô thị hoá là tất yếu. Vậy công tác xây dựng có những thuận lợi và khó khăn gì; khó khăn nhất là khâu nào thưa ông?

- Ông Trịnh Ngọc Phương:- Đô thị hoá là một quá trình tập trung dân cư đô thị, đồng thời đó là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất nông nghiệp giảm, sản xuất phi nông nghiệp tăng. Những vấn đề mà Tây Ninh gặp phải trong quá trình đô thị hoá cũng tương tự như các tỉnh khác trên toàn quốc hiện nay, nếu không làm tốt công tác quy hoạch một cách căn cơ, bài bản, thì sẽ có nhiều phức tạp, hệ luỵ về sau. Với đặc thù như tỉnh Tây Ninh thì công tác xây dựng có những vấn đề thuận lợi và khó khăn như: Tây Ninh là một tỉnh đồng bằng, địa hình bằng phẳng, khí hậu cũng như địa chất tương đối ổn định, đây là một lợi thế, giúp giảm các chi phí trong công tác xây dựng nền móng, cũng như các vật liệu xây dựng phù hợp với khí hậu của Tây Ninh; đặc biệt rất thích hợp phát triển nhà cao tầng. Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, công tác quy hoạch xây dựng cũng có nhiều thuận lợi như: Dễ dàng bố trí các trục, tuyến giao thông rút ngắn khoảng cách vận chuyển giữa các vùng trong tỉnh, là điều kiện thuận lợi để Tây Ninh đẩy nhanh quá trình phát triển các ngành dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó quỹ đất dành cho đầu tư phát triển còn nhiều và chi phí tương đối thấp, thích hợp việc “đổi đất lấy hạ tầng”; thu hút các nguồn lực cũng như đáp ứng được các nhu cầu đa dạng để phát triển. Các loại vật liệu xây dựng sẵn có tại địa phương đáp ứng nhu cầu xây dựng theo hướng phát triển bền vững.

Tuy nhiên, chúng ta đang đứng trước thách thức như: Sử dụng quá nhiều đất nông nghiệp cho phát triển đô thị, gây ảnh hưởng rất lớn về vấn đề an ninh lương thực. Thiếu quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, từ đó làm cho kiến trúc đô thị cũng như ý thức sử dụng kiến trúc tuỳ tiện, tự phát. Công tác quản lý xây dựng còn nhiều bất cập, điển hình nhất là xây dựng nhà không có giấy phép. Công tác giải toả đền bù tái định cư chậm, dẫn đến nhiều dự án đầu tư xây dựng kéo dài thời gian, vượt vốn quá cao so với ban đầu. Việc song hành 3 quy hoạch (quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng) do 3 sở, ngành quản lý nên còn nhiều bất cập, nhất là vấn đề chưa “trùng ranh” giữa 3 quy hoạch trên. Mặt khác, vấn đề di dân từ nông thôn ra thành thị và gia tăng dân số cơ học, là những vấn đề nan giải về giải quyết công ăn việc làm, gây thất nghiệp tại chỗ, thiếu nhà ở và tệ nạn xã hội làm cho trật tự xã hội ngày càng thêm phức tạp.

PV: Thưa ông giám đốc, để công tác quy hoạch xây dựng một cách khoa học, bài bản ngành xây dựng sẽ tham mưu và đưa ra những giải pháp cơ bản nào?

- Ông Trịnh Ngọc Phương- Từ những thực trạng trong công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng (QHXD), ngành Xây dựng Tây Ninh tham mưu và đưa ra những giải pháp cơ bản như sau: QHXD có tính chiến lược và ít áp đặt hơn, tạo điều kiện cho người dân có tiếng nói chủ đạo trong quy hoạch. Các quy hoạch linh hoạt với các tín hiệu thị trường; phải có khả năng tự điều chỉnh nhanh chóng trong khuôn khổ chiến lược tổng thể, thích ứng với yêu cầu của nhà đầu tư. Các đồ án quy hoạch chi tiết của tỉnh cần phải khớp nối theo đúng hệ toạ độ quốc gia và phải đồng bộ trên một bản đồ nền; phù hợp với quy hoach hạ tầng khung của tỉnh. Việc này sẽ giúp cho công tác quản lý Nhà nước của ngành, các cấp rất hiệu quả, tránh được sự chồng lấn giữa các đồ án quy hoạch nhất là tránh lãng phí trong quá trình đầu tư xây dựng.

Quy hoạch sử dụng đất, quy định về chiều cao, khoảng lùi của công trình kiến trúc… phải có phương án kiến trúc và kế hoạch triển khai thực hiện. Đặc biệt sau khi các quy hoạch được duyệt cần phải nhanh chóng tiến hành thực hiện thiết kế đô thị. Đẩy mạnh xã hội hoá cho nhà đầu tư lập QHXD, vừa tiết kiệm kinh phí từ ngân sách, vừa phù hợp với nguồn lực và khả năng của nhà đầu tư. Bảo đảm tính minh bạch cụ thể, bằng cách tạo điều kiện cho những người dân bị ảnh hưởng có quyền được tham gia vào quá trình này. Tây Ninh là tỉnh nông nghiệp đang trong quá trình đô thị hoá, quỹ đất trống khá nhiều, do vậy phương án tối ưu nhất là quan tâm đầu tư hạ tầng, để hạ tầng đi trước sự phát triển công nghiệp, thương mại và nhà ở.

Ông Trịnh Ngọc Phương trao đổi với cử tri là ĐVTN và cử tri chức sắc đạo Cao Đài

PV: Thưa ông giám đốc, để quản lý tốt công tác xây dựng, ngành xây dựng và chính quyền các địa phương phải làm gì?

- Ông Trịnh Ngọc Phương:- Có rất nhiều việc phải làm nhằm quản lý tốt công tác xây dựng, theo tôi cần quan tâm đến những vấn đề chính sau đây: Triển khai thực hiện QLXD theo các chương trình dự án lớn là biện pháp nhằm huy động tổng lực các nguồn vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và giữ cho đô thị phát triển theo QHXD được duyệt, loại bỏ việc QLXD theo địa giới hành chính. Sử dụng các biện pháp chế tài bằng công cụ tài chính, áp dụng hình thức xử phạt luỹ tiến hằng năm đối với các dự án chậm triển khai, hoặc kiên quyết thu hồi đối với các dự án chủ đầu tư không đủ năng lực. Căn cứ theo quy hoạch phân vùng được duyệt, chính quyền địa phương cần lập kế hoạch xây dựng và cắm mốc giữ quỹ đất cho giao thông và hạ tầng kỹ thuật chính. Vận động người dân tham gia và thay đổi hình thức với công tác quản lý đô thị, mang lại hiệu quả thiết thực như: Huy động vốn và công sức người dân trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển giao thông tạo phong trào chung trên địa bàn; buộc các thành phần, đối tượng tham gia sử dụng, hưởng lợi từ kết cấu hạ tầng phải có trách nhiệm đóng góp tài chính. Công tác giải toả đền bù, tái định cư phải tạo được lòng tin trong nhân dân bằng những chính sách hỗ trợ việc làm thực tế mang lại lợi ích cho cộng đồng. 

Củng cố và nâng cao năng lực cán bộ quản lý xây dựng ở các cấp, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý XD; sử dụng các phần mềm ứng dụng như: GIS và LIS, SQL. Đặc biệt duy trì hoạt động của lực lượng Thanh tra xây dựng theo hướng mỗi huyện, thị xã đều có lực lượng này và chịu sự điều hành quản lý trực tiếp của UBND huyện, thị (Sở Xây dựng chỉ hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ). Ngoài ra từng địa phương kết hợp với ngành Xây dựng thường xuyên điều chỉnh những chính sách cho phù hợp với thực tế, nhất là các vấn đề: Cải cách về thể chế, cải cách về cơ cấu tổ chức, cải cách về nhân sự, cải cách về cơ sở vật chất… nhằm phát huy hết điều kiện sẵn có ở mỗi địa phương để quản lý công tác xây dựng trên địa bàn tỉnh ngày một tốt hơn.

Xin cảm ơn ông Trịnh Ngọc Phương, Giám đốc Sở Xây dựng đã dành thời gian trò chuyện và cung cấp cho bạn đọc Báo Tây Ninh những thông tin bổ ích, thú vị này.

NGUYỄN KHẮC LUÂN

(Thực hiện)

 

 


Liên kết hữu ích