Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Giảm lượng giống và phân bón, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa
Chủ nhật: 15:33 ngày 22/08/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Ngày 19.8 vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Diễn đàn trực tuyến, chủ đề: “Chủ động giảm lượng giống - phân bón để giảm giá thành sản xuất lúa trong điều kiện tình hình dịch bệnh Covid-19”.

Nông dân Châu Thành thu hoạch lúa.

Diễn đàn được tổ chức nhằm tạo điều kiện để các nhà quản lý, nhà khoa học, đại diện các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT, ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng Nam bộ và đơn vị, doanh nghiệp trao đổi, đề xuất giải pháp hiệu quả nhằm giảm lượng sử dụng giống và sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả để giảm giá thành sản xuất lúa.

Đây là vấn đề cấp thiết trong tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn bởi dịch Covid-19, giá phân bón và nhiều chi phí đầu vào phục vụ sản xuất đều tăng.

Ông Lê Quốc Thanh- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, một trong những vấn đề đặt ra hiện nay là giá vật tư nông nghiệp (đặc biệt là phân bón, thuốc trừ sâu) tăng cao khiến giá đầu vào sản xuất đội lên rất nhiều, gây khó khăn cho người dân khi bước vào mùa vụ.

Chỉ riêng mặt hàng phân bón đã trở thành gánh nặng đối với người trồng lúa. Hiện một số loại phân bón trong nước đã tăng tới 78% so với đầu năm 2021. Nhiều mặt hàng phân bón đều tăng bình quân 200.000 đồng/bao (50kg).

Thậm chí, với mặt hàng phân kali tăng rất cao do phải nhập khẩu hoàn toàn, phân ure mức tăng cao hơn, ở vụ Đông Xuân chỉ hơn 300 ngàn đồng/bao, nhưng hiện giờ đã lên đến 550 nghìn đồng/bao.

Giống và phân bón được đánh giá có vai trò rất quan trọng trong sản xuất lúa, đặc biệt việc chọn giống tốt, gieo cấy thưa với mật độ phù hợp giúp cây lúa khỏe mạnh ngay từ đầu vụ sẽ tạo điều kiện giảm sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc…

Một vấn đề nữa được các đại biểu đặt ra là thực trạng nông dân trong vùng hiện đang sử dụng phân bón chưa đồng bộ và cân đối, vì vậy cần có hướng dẫn bà con kỹ thuật sử dụng phân bón hợp lý, hiệu quả.

Vụ Hè Thu giá lúa đã thấp hơn so với cùng kỳ, có nhiều giống lúa thấp hơn từ 300 - 500 đồng/kg. Thời gian gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá lúa tiếp tục giảm từ 200 - 400 đồng/kg.

Với giá bán như hiện nay, sau 3 tháng chăm sóc, nông dân sản xuất lãi thấp hoặc không lãi, thậm chí lỗ. Giá lúa thấp trong khi vật tư nông nghiệp như phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật... tăng cao sẽ kéo theo đời sống hàng chục triệu hộ nông dân trong vùng bị ảnh hưởng lớn.

Ngoài ra, nông dân còn giữ tập quán gieo sạ mật độ dày, bón phân cho lúa chưa khoa học nên dễ dư thừa và sử dụng nhiều loại vật tư đầu vào khác cũng chưa hiệu quả, tiết kiệm, dẫn đến giá thành sản xuất lúa cao.

Theo ông Lê Thanh Tùng- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, trong tổng giá thành sản xuất lúa, chi phí lao động chiếm cao nhất với 28%, tiếp đến là phân bón 22%; thuốc bảo vệ thực vật 16%; giống 9%; thu hoạch 11%, làm đất 8% và còn lại 6% là các chi phí khác.

Cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Bến Cầu hướng dẫn người dân chăm sóc lúa.

Để giảm chi phí giá thành sản xuất, đầu tiên phải giảm giống vì nó sẽ kéo theo giảm các chi phí khác như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Việc kéo giảm giá thành sản xuất không chỉ có ý nghĩa cho người nông dân mà còn giúp doanh nghiệp có sản phẩm với giá cạnh tranh hơn khi xuất khẩu…

Theo các đại biểu, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật, khuyến cáo nông dân sử dụng giống xác nhận, tiết kiệm phân bón và sử dụng theo nguyên tắc "4 đúng", tuân thủ các khuyến cáo của ngành chức năng, bón phân căn cứ theo bảng so màu lá lúa, áp dụng kỹ thuật bón phân chôn vùi kết hợp cấy máy…

Đồng thời, hướng dẫn nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng đồng bộ các quy trình canh tác tiên tiến như  “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, công nghệ sinh thái… gắn với liên kết doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào và bao tiêu đầu ra để giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất lúa.

Đồng thời, kiến nghị Bộ NN&PTNT quan tâm phối hợp các bộ, ngành Trung ương có giải pháp ổn định giá phân bón trên thị trường và tăng cường quản lý, đảm bảo chất lượng lúa giống.

Hỗ trợ các địa phương nghiên cứu, ứng dụng máy móc và tiến bộ kỹ thuật để giảm lượng giống và phân bón hiệu quả, tận dụng được nguồn rơm rạ làm phân bón hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ.

Nguyên An

Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Tin cùng chuyên mục