BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giảm nghèo - không thể làm nhanh

Cập nhật ngày: 28/04/2014 - 10:54

Nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa tặng quà cho người nghèo ở xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng.

MỖI NĂM CHI HƠN 100.000 TỶ ĐỒNG

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), cơ quan tham mưu chính cho Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012, để thực hiện mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn cả nước, đặc biệt là những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (huyện nghèo, xã nghèo, xã an toàn khu, xã biên giới…), tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ sản xuất, y tế, giáo dục, nhà ở…

Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật về giảm nghèo nhằm tác động đa chiều đến mọi mặt đời sống của người nghèo. Cụ thể, nhóm chính sách chung áp dụng cho hộ nghèo, người nghèo cả nước gồm: chính sách khám, chữa bệnh cho người nghèo; chính sách hỗ trợ học sinh nghèo về giáo dục - đào tạo; chính sách hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm; chính sách chuyển giao khoa học kỹ thuật; chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vv…vv…

Trong 5 năm từ 2006-2010 đã có 6,8 triệu lượt hộ nghèo trên toàn quốc được vay vốn tín dụng ưu đãi với mức vay bình quân 8,8 triệu đồng/lượt/hộ. 150.000 lao động nghèo được dạy nghề miễn phí, trong đó hơn 60% đã tìm được việc làm, tự tạo việc làm, góp phần tăng thu nhập để giảm nghèo. Đối với y tế và giáo dục, đã có 52 triệu lượt người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 8 triệu lượt học sinh nghèo được miễn, giảm học phí.

Trong hai năm 2011-2012, các chính sách liên quan đến giảm nghèo đã tiếp tục phát huy tác dụng, hỗ trợ có hiệu quả cho hộ nghèo, người nghèo. Chỉ trong 2 năm, ngân sách Nhà nước đã bố trí hơn 22.000 tỷ đồng để hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi, hỗ trợ người thuộc hộ cận nghèo, học sinh sinh viên.

Trong lĩnh vực giáo dục, ngân sách Nhà nước bỏ ra hơn 12.000 tỷ đồng thực hiện các chính sách giảm nghèo như miễn giảm học phí, trợ cấp học bổng cho con em hộ nghèo, hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ em 5 tuổi.

Trong hai năm 2011-2012, ngân sách Trung ương đã bố trí 2.213 tỷ đồng để đào tạo nghề cho lao động nông thôn và hỗ trợ các huyện nghèo xuất khẩu lao động. Từ năm 2010 đến nay, hơn một triệu người được hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn. Thông qua chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đã có gần 40.000 người thuộc hộ nghèo đã thoát nghèo. Tổng nguồn vốn huy động cho mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 là 864.050 tỷ đồng

Hiện nay, cả nước có 7 tỉnh, thành phố (trong đó có Tây Ninh) nâng chuẩn nghèo của địa phương cao hơn chuẩn nghèo quốc gia và sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách cho đối tượng nghèo theo chuẩn của địa phương về y tế, giáo dục, vay vốn tín dụng ưu đãi… đồng thời ban hành các chính sách giảm nghèo riêng của tỉnh để hỗ trợ các đối tượng, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Việc nâng chuẩn nghèo của tỉnh cùng với việc bố trí nguồn lực để thực hiện các chính sách giảm nghèo đã góp phần giúp người nghèo nâng cao cuộc sống, tạo việc làm, tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững.

Tuy nhiên, theo Bộ LĐ-TB&XH, việc nâng chuẩn nghèo ở địa phương còn có một số bất cập như: chưa quy định rõ đối tượng hộ nghèo theo chuẩn của địa phương được hưởng các chính sách ưu đãi gì, dẫn đến có sự thắc mắc của đối tượng thụ hưởng; chưa bảo đảm được nguồn lực để thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo nói riêng và chính sách xã hội nói chung.

Các địa phương có chuẩn nghèo cao hơn chuẩn nghèo của Trung ương, nhưng lại chưa cân đối với chính sách xã hội khác như chính sách ưu đãi người có công, điều này có nghĩa một số chính sách dành cho người nghèo theo chuẩn địa phương lại cao hơn chính sách đối với người có công.

Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, các chính sách, pháp luật về giảm nghèo được ban hành nhìn chung là phù hợp với đối tượng thụ hưởng, phù hợp với mục tiêu chung của chương trình giảm nghèo cũng như chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn, và thường xuyên được đánh giá tổng kết nhằm sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp với thực tiễn.

Giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội là một chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước. Trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, Chính phủ vẫn chỉ đạo ưu tiên cho lĩnh vực an sinh xã hội và giảm nghèo, đồng thời tiếp tục bố trí kinh phí để triển khai có hiệu quả các chính sách giảm nghèo và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, ưu tiên đầu tư nguồn lực cho các địa bàn nghèo.

Các chương trình và chính sách giảm nghèo đã huy động sức mạnh, sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội (các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội) đã tạo nguồn lực to lớn cùng với nguồn lực của nhà nước thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình và chính sách giảm nghèo.

BA RA, MỘT VÀO

Mặc dù vậy, kết quả giảm nghèo vẫn còn những hạn chế, tồn tại. Trong đó có điểm yếu là tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm nhanh nhưng chưa vững chắc, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp.

Tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước, thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước. Tỷ lệ hộ tái nghèo, phát sinh nghèo hằng năm còn cao, bình quân mỗi năm có khoảng 1/3 hộ tái nghèo, tức là cứ 3 hộ thoát nghèo thì lại có 1 hộ tái nghèo hoặc thêm một hộ nghèo mới, nói nôm na là “ba ra, một vào”.

Bữa ăn hằng ngày cũng nói lên phần nào chất lượng đời sống.

Nguồn lực dành cho chính sách giảm nghèo bị phân tán, hiệu quả tác động đến đối tượng thụ hưởng chưa cao, chưa rõ nét. Sự chồng chéo của hệ thống chính sách giảm nghèo (chồng chéo về đối tượng, nội dung, địa bàn...)  là một thực tế và đang trở thành một yếu tố cản trở hiệu quả thực hiện các chính sách và mục tiêu giảm nghèo. Số lượng chính sách ban hành nhiều nên khó kiểm soát.

Một đối tượng chịu tác động cùng lúc bởi nhiều chính sách, có chính sách hỗ trợ cùng đối tượng hộ nghèo nhưng ban hành ở các giai đoạn khác nhau, mức hỗ trợ khác nhau gây nên sự so bì, thắc mắc trong dân (như chính sách hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 134 và Quyết định 167).

Sự chồng chéo về chính sách dẫn đến sự dàn trải nguồn lực đầu tư trong khi khả năng bố trí ngân sách Nhà nước còn rất hạn chế. Phần lớn các chính sách do nhiều cơ quan thực hiện nhưng thiếu sự kết hợp đã gây lãng phí, như việc cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế cho cùng một đối tượng (vừa là người nghèo, vừa là người có công và vừa là người thuộc diện bảo trợ xã hội- do được tổng hợp từ các nguồn khác nhau, nên dẫn đến việc cấp trùng thẻ).

THOÁT NGHÈO - PHẢI  BỀN VỮNG

Tại hội nghị, rất nhiều ý kiến của các địa phương đề nghị Chính phủ sớm điều chỉnh chính sách cả về mặt vĩ mô lẫn vi mô để việc giảm nghèo thật sự bền vững. Theo đó, các cơ quan tham mưu cho Chính phủ cần khảo sát thực tế thật kỹ lưỡng trước khi xây dựng chính sách.

Hầu hết các ý kiến phát biểu đều thống nhất rằng: chính sách giảm nghèo còn manh mún, thậm chí vụn vặt, do đó, cần xem xét giảm bớt các chính sách không thật sự cần thiết.

Về tổ chức, đa số ý kiến nhất trí đề nghị cơ cấu lại bộ máy giảm nghèo và đề nghị thành lập văn phòng giảm nghèo ở các tỉnh để thuận lợi trong việc điều hành, đồng thời giảm kinh phí nuôi bộ máy.

Có ý kiến cho rằng, cần có cơ chế khuyến khích để doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn và miền núi, tạo công ăn việc làm cho người địa phương. Đối với người nghèo, người dân tộc thiểu số có nhu cầu đi xuất khẩu lao động, ngân hàng chính sách có thể xem xét cho vay với lãi suất bằng 0% /năm.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, kết quả thực hiện về chính sách giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012 đã “cơ bản đạt được tuy nhiên tỷ lệ tái nghèo vẫn còn cao”. Liên quan đến chính sách tín dụng và hỗ trợ tài chính, ông đồng tình với kiến nghị: tăng cho vay, giảm cho không để giúp hộ nghèo và cận nghèo có động lực lao động, không ỷ lại vào Nhà nước.

Đối với Tây Ninh, kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo năm 2013 cho thấy toàn tỉnh hiện còn 9.023 hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn Trung ương, tương đương 3,17% trên tổng số hộ dân cả tỉnh.

Theo Sở LĐ-TB&XH, chuẩn hộ nghèo hiện nay rất thấp, trên thực tế rất nhiều hộ khó khăn nhưng vẫn không được công nhận là hộ nghèo. Các số liệu tổng hợp cho thấy, gần 70% số hộ nghèo hiện được liệt vào diện… khó có thể thoát nghèo.

Giảm tình trạng đói nghèo không chỉ là chuyện riêng của một quốc gia nào mà là vấn đề có tính toàn cầu. Thật sự thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu là chuyện không hề đơn giản, kể cả với những quốc gia phát triển hàng đầu thế giới.

Vì thế, muốn thoát nghèo bền vững thì không thể chăm chăm nhắm vào việc “chạy nhanh” cho kịp tiến độ. Thực tế cho thấy, nhiều địa phương đã vượt chỉ tiêu mỗi năm giảm nghèo 2%, song con số đó không bao hàm chất lượng thật sự bữa ăn hằng ngày của người dân.

VIỆT ĐÔNG