Kinh tế   Thông tin thị trường

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giảm nhập từ Thái Lan, Trung Quốc 'bạo chi' mua sầu riêng Việt Nam 

Cập nhật ngày: 06/06/2024 - 08:08

Thái Lan là nhà cung ứng sầu riêng lớn nhất cho thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc đang giảm nhập hàng Thái, nhưng lại tăng chi cho sầu riêng từ Việt Nam để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, 4 tháng đầu năm nay, quốc gia này đã nhập khẩu 202.500 tấn quả sầu riêng tươi, giá trị đạt 1,09 tỷ USD.

Giá sầu riêng tươi nhập khẩu trung bình trong 4 tháng năm 2024 đạt gần 5.395 USD/tấn, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thái Lan vẫn là thị trường cung cấp sầu riêng tươi lớn nhất cho Trung Quốc. Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu sầu riêng tươi của Trung Quốc từ Thái Lan giảm mạnh. Theo đó, tỷ trọng nhập khẩu từ Thái Lan giảm còn 60% trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc, tương đương giảm 26,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023. 

Xuất khẩu sầu riêng Thái Lan sang Trung Quốc giai đoạn này giảm một phần vì tình trạng nắng nóng và hạn hán đã ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch.

Xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh. Ảnh: Mạnh Khương

Tại Thái Lan, mùa trồng trọt ở tỉnh Chanthaburi - một trong những vùng sản xuất sầu riêng chính của quốc gia này - thường kéo dài từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm. Tuy nhiên, nhiệt độ tại địa phương này lên tới 40oC trong nhiều tuần và hạn hán sau đó đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây sầu riêng. Nắng nóng làm cho những quả sầu riêng chưa hái bị tách ra trên cây.

Nhiệt độ cao đã đẩy nhanh quá trình chín, khiến sầu riêng có kích thước và chất lượng kém, không đạt chuẩn để xuất khẩu. Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan đang triển khai các giải pháp hỗ trợ nông dân ở phía đông nước này khi hạn hán kéo dài, đe dọa làm hỏng vụ sầu riêng.

Việt Nam là thị trường cung cấp sầu riêng tươi lớn thứ hai cho Trung Quốc. Nước này tăng mạnh nhập khẩu sầu riêng tươi từ Việt Nam trong các tháng đầu năm 2024, đạt 79.300 tấn, giá trị gần 370 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, Trung Quốc nhập sầu riêng từ Việt Nam tăng mạnh 91,% về lượng và tăng 81,9% về giá trị. 

Nhờ đó, sầu riêng Việt chiếm 39,2% tổng lượng sầu riêng tươi Trung Quốc nhập khẩu, tăng 25,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023. 

Lợi thế của sầu riêng Việt Nam là sản lượng dồi dào, thu hoạch quanh năm, đặc biệt khi vào vụ không bị cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan. Cùng với đó, sầu riêng của nước ta khi xuất khẩu sang Trung Quốc có thời gian vận chuyển nhanh và giá thành cạnh tranh. 

Đây là những yếu tố giúp sầu riêng Việt Nam tạo được bước tiến lớn tại thị trường Trung Quốc, chỉ sau chưa đầy 2 năm được mở cửa chính ngạch tại thị trường này. 

Một số chuyên gia của Thái Lan cho rằng, nếu không có sự can thiệp của Chính phủ, sản lượng sầu riêng nước này có thể giảm 53% trong 5 năm tới do không cạnh tranh được về giá với sầu riêng Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.

Việt Nam hiện bước vào chính vụ thu hoạch sầu riêng. Nguồn cung sầu riêng dồi dào kéo giá mặt hàng này về mức thấp, hợp với túi tiền của người tiêu dùng Trung Quốc hơn, đồng thời cũng tăng khả năng cạnh tranh tại thị trường tỷ dân.

Các nhà vườn ở Đông Nam bộ, Tây Nam bộ và Tây Nguyên đang thu hoạch sầu riêng bán với giá 50.000-95.000 đồng/kg tuỳ loại. Mức giá này giảm một nửa so với giá đỉnh hồi đầu năm nay. Song, người nông dân vẫn có thể thu lãi từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng/ha sầu riêng.

Ở nước ta, sầu riêng là trái cây xuất khẩu chính trong nhóm hàng rau quả. Việc đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch của toàn ngành rau quả, nhất là khi nghị định thư xuất khẩu sầu đông lạnh sang Trung Quốc chuẩn bị được ký kết. 

Nguồn vietnamnet