Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Giám sát chặt để không chỉ người giàu được đặt tiền tại ngoại
Thứ năm: 15:03 ngày 13/07/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Đề xuất cho bị can, bị cáo đặt tiền 30-200 triệu đồng để được tại ngoại không mới nhưng vẫn gây nhiều ý kiến trái chiều, lo ngại quy định sẽ dẫn đến việc chỉ người có tiền mới được tại ngoại.

Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Viện KSND tối cao và TAND tối cao vừa hoàn thành dự thảo thông tư liên tịch quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền đặt, việc tạm giữ, hoàn trả, tịch thu, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã đặt để đảm bảo theo quy định tại điều 122 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Theo đó, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án sẽ quyết định mức tiền mà các bị can, bị cáo hoặc người thân của họ phải đặt để đảm bảo họ được tại ngoại tùy vào tính chất, mức phạm tội của từng người.

Dự thảo cũng quy định rõ những trường hợp không được áp dụng biện pháp đặt tiền đảm bảo để không bị tạm giam gồm: bị can, bị cáo phạm một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia; bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, bị tạm giam trong trường hợp bị bắt theo lệnh, quyết định truy nã…

Quy định nêu trên là không mới. Trước đây, thông tư liên tịch số 17 năm 2013 đã hướng dẫn về việc đặt tiền để đảm bảo theo quy định tại điều 93 Bộ luật hình sự năm 2013. Tuy nhiên, quy định này vẫn ít được áp dụng trên thực tế.

TTO ghi nhận ý kiến một số chuyên gia về vấn đề này.

Nên quy định cụ thể mức tiền đặt cho từng tội danh

Theo ông Lương Quang Tuấn - nguyên kiểm sát viên Viện KSND tối cao, việc đặt tiền để cho bị can, bị cáo tại ngoại rất phổ biến ở các nước trên thế giới. Ở các nước, không phân biệt tội nghiêm trọng hay ít nghiêm trọng, bị can bị cáo đều được đặt tiền để đảm bảo cho việc tại ngoại.

"Việt Nam từng có quy định này. Tuy nhiên thực tế hành nghề luật suốt mấy chục năm qua, tôi chưa thấy trường hợp nào được cho tại ngoại vì đặt cọc tiền.

Hiện nay, tôi cũng chưa thấy có quy định cụ thể với tội danh nào thì đặt bao nhiêu tiền sẽ được tại ngoại? Vì không có quy định cụ thể nên cả cơ quan tố tụng lẫn người nhà bị can, bị cáo đều có sự e ngại khi thực hiện", ông Tuấn nói. 

Theo ông Tuấn, các cơ quan tố tụng nên có quy định cụ thể với từng tội danh sẽ được đặt cọc bao nhiêu tiền để được tại ngoại. Ví dụ như tội ít nghiêm trọng là những tội nào, phải đặt cọc bao nhiêu tiền?

Bên cạnh đó, cũng cần quy định cụ thể chế tài cho người ra quyết định để bị can, bị cáo được tại ngoại.

Ví dụ hồ sơ vụ án ở cơ quan điều tra thì cơ quan điều tra có quyền ra quyết định, hồ sơ ở viện kiểm sát hay tòa án thì các cơ quan này được quyền ra quyết định. Tuy nhiên nếu lãnh đạo các cơ quan này ra quyết sai trái thì sẽ phải bị chế tài theo quy định.

Giám sát chặt để tránh tiêu cực

Luật sư Trần Văn An - Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang cũng đồng tình, ủng hộ quy định cho bị can, bị cáo được đặt tiền để được tại ngoại bởi đây là quy định tiến bộ, đã được áp dụng nhiều trên thế giới.

Theo ông An, vì là quy định mới nên sẽ có nhiều ý kiến trái chiều. 

"Có người lo ngại nếu đặt tiền thì người giàu được tại ngoại hết, người nghèo không được tại ngoại. Tôi nghĩ quan trọng là tổ chức thực hiện thế nào để tránh tiêu cực thì cần quy định chặt chẽ. Cần trao quyền tự chủ cho người tiến hành tố tụng như công an, tòa án, kiểm sát để họ thực hiện quyền này. Nếu sợ xảy ra tiêu cực thì cần có sự  giám sát", luật sư An nói.

Nếu cơ quan tố tụng cho bị can bị cáo tại ngoại không đúng thì luật sư được kiến nghị, phản biện. Việc phản biện này phải trên tinh thần xây dựng. 

Cân nhắc tính chất mức độ của tội phạm

Nói về quy định này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Sáu - nguyên Chánh tòa hình sự, TAND TP.HCM cho biết TAND TP.HCM đã từng áp dụng quy định cho đặt tiền để bị can, bị cáo được tại ngoại và thực tế không thấy có vướng mắc gì.

Việc dư luận lo ngại có sự tiêu cực trong việc đặt tiền để khỏi bị bắt tạm giam hay không là điều khó tránh khỏi, nó phụ thuộc vào bản lĩnh của cán bộ các cơ quan tố tụng.

Theo ông Sáu, cần lưu ý quyết định cho bị can, bị cáo được tại ngoại là quyết định của cơ quan tố tụng chứ không phải của cá nhân người thụ lý vụ án.

Khi thẩm phán thụ lý vụ án, cần xem xét kỹ xem bị can, bị cáo nào được tại ngọai. Đối với một số tội phạm đặc biệt nguy hiểm, xâm phạm thân thể người khác, phạm tội liên tiếp nhiều lần, nhóm tội ma túy, liên quan đến an ninh quốc gia… thì không thể cho đặt tiền để tại ngoại.

Những điều kiện này thẩm phán phải nghiên cứu kỹ. Phải xem xét đầy đủ nhân thân của người phạm tội để đề xuất với lãnh đạo tòa. Nếu lãnh đạo tòa chấp thuận thì sẽ ra quyết định.

Nguồn TTO

Tin cùng chuyên mục