BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giám sát chặt việc chạy thận và người bệnh cần biết gì 

Cập nhật ngày: 01/06/2017 - 14:42

Việc giám sát quy trình sẽ tránh nguy cơ tai biến khi điều trị cho người bệnh suy thận mãn.


Người bệnh được lọc máu chu kỳ tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: L.Anh

Theo ông Hà Huy Thắng - giám đốc Bệnh viện Thận Hà Nội, toàn quốc đang có 22.000 người bị bệnh suy thận mãn được lọc máu chu kỳ tại 108 cơ sở y tế có đơn vị thận nhân tạo. Theo ông Thắng, phải giám sát chặt từng khâu theo đúng quy trình sẽ hạn chế được nguy cơ xảy ra tai biến.

Nhiều chỉ số cần giám sát

TS Nguyễn Hữu Dũng, trưởng khoa thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai, cho hay chất lượng nước RO sử dụng cho chạy thận được coi là “trái tim” của dịch vụ lọc máu và cần giám sát chặt chẽ.

“Mỗi ngày, trước khi bắt đầu ca chạy thận đầu tiên, chúng tôi phải test một chỉ số gọi là test không để nước bị cứng. Nước cứng tức là nước có nhiều canxi và magie, nếu không test, nước bị cứng thì đồng loạt người bệnh sẽ tăng huyết áp” - ông Dũng cho biết.

Nước RO sử dụng cho chạy thận sẽ được dùng pha dịch đậm đặc. Theo TS Dũng, đây là sản phẩm duy nhất sản xuất trong nước, còn lại tất cả các thành tố sử dụng cho chạy thận đều phải nhập khẩu. Loại nước này gần giống nước cất (nước cất hoàn toàn vô trùng).

Có 21 chỉ số lý hóa cần kiểm soát trong nước RO và tùy theo từng loại chỉ số, ví dụ như nước cứng test hằng ngày, có chỉ số test theo tháng và có chỉ số kiểm tra mỗi sáu tháng.

Dịch lọc thận cũng là một thành tố quan trọng trong dịch vụ lọc máu nhân tạo. Nhưng theo TS Dũng, hiện hầu hết các cơ sở y tế có dịch vụ lọc máu đã sử dụng loại thiết bị pha dịch lọc, nếu có bất thường thì máy sẽ báo ngay về chất lượng của dịch.

Rửa quả lọc theo quy trình

Theo TS Nguyễn Hữu Dũng, nếu hệ thống nước bị nhiễm bẩn do vi khuẩn, nấm..., do tạp chất vì không được lọc kỹ, người bệnh có thể gặp các tình huống nhiễm trùng huyết, sốt cao, rét run.

Vì nước RO là trái tim của dịch vụ lọc máu, nên việc lọc nước sẽ được yêu cầu trải qua các khâu lọc thô và lọc tinh, qua cát, than hoạt, lọc mềm...

Y văn chưa từng ghi nhận tình trạng rách màng lọc RO, nhưng thực tế ông Dũng cho biết từng có lần màng lọc RO của khoa ông bị rách, nguy cơ tạp chất có thể thấm qua. Rất may tình huống này được phát hiện và xử lý ngay.

Vệ sinh quả lọc cũng là một quy trình quan trọng trong lọc máu. Theo ông Trương Hồng Sơn - viện trưởng Viện Y học ứng dụng VN, nếu việc sử dụng lại quả lọc tuân thủ theo đúng các quy định đề ra trong việc kiểm tra, rửa, vệ sinh... sẽ không có vấn đề gì xảy ra.

Việc sử dụng một lần hoặc tái sử dụng quả lọc thận đều có thể gặp phải biến chứng, song hầu hết biến chứng thường xảy ra trong lần đầu tiên sử dụng quả lọc. Tái sử dụng quả lọc có thể liên quan đến các phản ứng dị ứng, sốt, sự tồn dư các hóa chất...

TS Dũng cho hay các cơ sở điều trị thận nhân tạo đều đã rửa quả lọc theo quy trình, mỗi người bệnh một đường ống và khay riêng có dán tên người bệnh để đảm bảo vệ sinh.

Tránh tai biến bằng cách nào?

Để việc chạy thận đạt được kết quả tốt nhất, an toàn nhất, người bệnh cần:

- Vào ngày chạy thận cần đến đúng giờ. Sau khi chạy thận xong, cần ở lại bệnh viện đủ lâu để được theo dõi toàn diện.

- Chạy thận theo đúng lịch của bác sĩ chỉ định.

- Người bệnh chạy thận cần chú ý tới chế độ ăn uống, vì giữa những lần chạy thận cơ thể sẽ bị tích nước. Cần tránh ăn những loại đồ ăn/đồ uống khiến cơ thể tích nước và hạn chế ăn đồ ăn, đồ uống có chứa nhiều kali, phosphor, muối như nước ép rau củ hoặc đồ uống thể thao.

Không nên uống quá nhiều nước vì tích quá nhiều nước sẽ gây tăng cân, phù, thay đổi huyết áp, tạo gánh nặng cho tim, khó thở.

- Khi tính toán lượng nước tiêu thụ trong ngày, cũng cần tính cả lượng nước trong các loại thực phẩm nhiều nước như xúp, kem, dưa hấu, nho, táo, cam, cà chua...

Hạn chế tiêu thụ muối (dưới 5g muối/ngày) vì muối sẽ khiến cơ thể khát nước và khiến người bệnh uống nhiều nước hơn. Cần bổ sung đủ protein và năng lượng để duy trì sức khỏe.

Rà soát quy trình lọc máu


Rửa quả lọc của bệnh nhân tại khoa thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: L.Anh

Đến chiều 31-5, hai ngày sau vụ tai biến làm 7 người suy thận mãn ở Hòa Bình chết khi đang được lọc máu, khoảng 120 người bệnh đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (nơi xảy ra vụ việc) đã được chuyển xuống Bệnh viện Bạch Mai (25 người), Bệnh viện Nông nghiệp (27 người), Bệnh viện Thận Hà Nội (20 người) và Bệnh viện Đa khoa thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Sáng 31-5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có buổi làm việc với Sở Y tế và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Bộ trưởng Tiến đã đặt vấn đề 10 năm nay bệnh viện làm tốt dịch vụ lọc máu, nay xảy ra tai biến làm 7 người tử vong, chắc chắn có sự cố trong khâu nào đó của quy trình cần phải rà soát.

Trong khi đó, Hà Nội tiếp tục cử chuyên gia đến Hòa Bình hỗ trợ kiểm tra lại quy trình, nước, thiết bị, nỗ lực để đơn vị lọc máu sớm được xem xét hoạt động trở lại.

Công an tiếp tục điều tra đơn vị liên quan

Công an tỉnh Hòa Bình phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an tiếp tục làm việc với Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn (đường Trung Yên 3, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) để phục vụ điều tra nguyên nhân 7 người tử vong khi chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Công ty này là đơn vị cung ứng thiết bị vật tư và bảo hành thiết bị y tế, trong đó có các thiết bị lọc máu chạy thận của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Từ ngày 30-5, máy móc, thiết bị của công ty này đã bị niêm phong để phục vụ điều tra.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm Bộ Công an cho biết buổi làm việc với Công ty Thiên Sơn để cơ quan điều tra tiếp tục thu thập thông tin, tài liệu phục vụ điều tra.

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cung cấp cho cơ quan công an, trước khi xảy ra vụ tai biến y khoa làm 7 người tử vong một ngày (ngày 28-5), Công ty Thiên Sơn đã bảo trì, sửa chữa thiết bị, hệ thống lọc nước tinh khiết liên quan các thiết bị lọc máu của bệnh viện.

Nguồn TTO