BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giám sát chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin uốn ván - bạch hầu giảm liều 

Cập nhật ngày: 22/12/2019 - 17:17

BTNO - Đây là đợt tiêm nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng dành cho trẻ 7 tuổi.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tây Ninh vừa tổ chức đoàn giám sát các hoạt động chuẩn bị cho chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin uốn ván - bạch hầu giảm liều trong tiêm chủng mở rộng năm 2019 tại Trung tâm Y tế các huyện/thành phố và một số trạm Y tế trên địa bàn.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật kiểm tra công tác bảo quản vắc xin tại một trạm Y tế.

Theo kế hoạch, trẻ đủ 7 tuổi (trẻ sinh từ 1.1 đến 31.12.2012), bao gồm trẻ đang học lớp 2 trong trường học và trẻ 7 tuổi ở cộng đồng sẽ được tiêm bổ sung 1 mũi vắc xin uốn ván - bạch hầu không kể tiền sử được tiêm chủng vắc xin này trước đó (trừ trẻ đã tiêm vắc xin có chứa thành phần uốn ván hoặc bạch hầu trong vòng 1 tháng trước khi triển khai tiêm bổ sung). Qua khảo sát, toàn tỉnh có khoảng 21.765 trẻ được tiêm phòng vắc xin trong đợt này và triển khai tiêm từ ngày 18.12-27.12.2019.

Tại các điểm, đoàn đã tiến hành giám sát các nội dung: Kế hoạch tổ chức chiến dịch; tổ chức hội nghị triển khai tiêm vắc xin uốn ván - bạch hầu; cử cán bộ tham gia tập huấn; truyền thông về tiêm uốn ván- bạch hầu cho cộng đồng; công tác thống kê, lập danh sách đối tượng trẻ trong diện tiêm chủng; chuẩn bị về nhân lực, danh sách, phân công nhiệm vụ thực hiện chiến dịch; chuẩn bị và bảo quản vắc xin, hộp chống sốc; địa điểm và thời gian tổ chức chiến dịch...

Trẻ 7 tuổi là đối tượng nằm trong đợt tiêm bổ sung vắc xin này- Ảnh minh hoạ

Kết quả, các đơn vị đã có đầy đủ kế hoạch tổ chức thực hiện chiến dịch; cử cán bộ tham gia tập huấn; lập danh sách đối tượng trẻ trong diện tiêm chủng, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng viên chức; chuẩn bị vắc xin, hộp chống sốc theo Thông tư 51 của Bộ Y tế về hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ...

Đoàn giám sát đề nghị các đơn vị cần lưu ý đến công tác truyền thông cho phụ huynh về lợi ích của việc tiêm bổ sung vắc xin uốn ván- bạch hầu; phối hợp với nhà trường để chuẩn bị tốt chiến dịch; rà soát lại các trẻ vãng lai trong độ tuổi tiêm không đi học.

Việc triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin nhằm củng cố miễn dịch cho trẻ, ngăn chặn sự quay trở lại của bệnh bạch hầu, đồng thời bảo vệ vững chắc thành quả của loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh tại các vùng đặc biệt khó khăn, nơi có tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em đạt thấp, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Đình Tiến