Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Thời gian qua, dù các lực lượng chức năng trong tỉnh đã nỗ lực ngăn chặn, nhưng tình trạng buôn bán hàng giả, nhái, kém chất lượng, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn diễn ra khắp nơi, gây ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế và sức khoẻ người tiêu dùng.
|
Thuốc lá nhập lậu bị cơ quan chức năng bắt giữ đưa đi tiêu huỷ.
Hàng lậu, hàng giả vẫn tràn lan
Theo Ban chỉ đạo 389 của tỉnh, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn có nhiều diễn biến mới và phức tạp, tăng giảm bất thường tuỳ thuộc vào từng thời điểm, thời vụ và sức mua của thị trường. Đối tượng buôn lậu thường có nhiều thủ đoạn tinh vi hơn so với trước để vận chuyển hàng lậu, hàng giả như: cất giấu hàng trên mui xe khách, trong cabin xe tải hoặc trà trộn, vùi sâu trong những kiện hàng có hoá đơn chứng từ hợp pháp nhằm qua mắt cơ quan chức năng. Đối tượng vi phạm thường lợi dụng đêm khuya, rạng sáng để vận chuyển, sau khi hàng về được “xé nhỏ” ra cho các mối hàng tiêu thụ, khiến lực lượng chức năng rất khó kiểm soát.
Trong đó, mặt hàng đường cát Thái Lan nhập lậu xuất hiện hầu hết trên các đường mòn, lối mở trên khu vực biên giới. Các đối tượng dùng xe mô tô vận chuyển nhỏ lẻ đường cát nhập lậu từ biên giới Campuchia vào tập kết trong nội địa, sau đó thay bao bì, nhãn hiệu của các nhà máy đường Việt Nam, sang chiết nhỏ lẻ, vận chuyển đi tiêu thụ. Trong năm 2015, các lực lượng chức năng đã bắt giữ được hơn 454.600kg đường cát nhập lậu.
Đối với mặt hàng thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, các chủ đầu nậu thường cho tập hợp một số lượng lớn từ phía bên kia biên giới, sau đó vận chuyển nhỏ lẻ, nhiều lần bằng phương tiện xe mô tô, xuồng máy để vận chuyển vào Việt Nam, sẵn sàng chống trả lại các lực lượng chức năng. Trong năm 2015, lực lượng Công an huyện Gò Dầu phát hiện bắt giữ 14.000 gói thuốc lá ngoại; Đội quản lý thị trường số 10 huyện Bến Cầu giữ 21.680 gói thuốc lá ngoại nhập lậu...
Theo Chi cục Quản lý thị trường, trong quý I năm 2016, các lực lượng chức năng đã kiểm tra 477 vụ, phát hiện 295 vụ vi phạm, trong đó có 204 vụ vi phạm mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập khẩu trái phép. Mặt hàng nhập lậu chủ yếu là thuốc lá điếu ngoại và đường cát, rượu chai.
Trên địa bàn tỉnh, hàng hoá vi phạm phần lớn được phát hiện ở khâu lưu thông. Các đối tượng cầm đầu thường thuê tài xế xe khách, xe tải vận chuyển hàng vi phạm, nên khi phát hiện, cơ quan chức năng rất khó xác định được chủ hàng. Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện 162 vụ vận chuyển thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, trong đó có 45 vụ vắng chủ; kiểm tra và phát hiện 26 vụ vận chuyển đường cát nhập lậu, trong đó có 20 vụ vắng chủ.
Ngoài hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái cũng được bày bán tràn lan và công khai từ thành thị đến các vùng nông thôn trong tỉnh- từ mỹ phẩm, quần áo, đồ gia dụng, đến hàng điện tử, phân bón…
Tại các chợ, nhiều loại hàng giả, kém chất lượng được gắn mác hàng ngoại nhưng “giá bèo”, nên hấp dẫn nhiều người tiêu dùng. Tại Trung tâm thương mại Long Hoa, huyện Hoà Thành có rất nhiều quầy mỹ phẩm, hàng hoá được bày bán khá đa dạng, không thiếu các thương hiệu nổi tiếng nhưng giá rẻ đến khó tin. Nhiều loại kem dưỡng da, tẩy trắng được quảng cáo “làm từ nhau thai cừu” hẳn hoi, nhưng chỉ bán vài chục ngàn đồng/hộp; son môi có giá chỉ 5.000 đồng/cây. Tương tự, tại các quầy hàng lưu động xung quanh các chợ trên địa bàn tỉnh hoặc trên vỉa hè, mũ bảo hiểm giả Nón Sơn được bày bán công khai, giá chỉ 45.000 đồng - 50.000 đồng/sản phẩm, rẻ gần gấp 10 lần so với sản phẩm chính hãng.
Theo một cán bộ Chi cục Quản lý thị trường, tình trạng hàng hoá giả các thương hiệu lớn đã xuất hiện nhiều trên các quầy, sạp, tràn ra cả lề đường, vỉa hè với công nghệ làm giả khá tinh vi, sắc sảo. Vì thế, người tiêu dùng không thận trọng sẽ rất dễ bị nhầm.
Khó khăn trong việc ngăn chặn
Theo lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường, thủ đoạn của các gian thương ngày càng tinh vi, khiến việc kiểm soát, truy quét gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, khi muốn kiểm định chất lượng hàng hoá vi phạm, cơ quan Quản lý thị trường phải gửi mẫu đi TP. Hồ Chí Minh nên mất rất nhiều thời gian, chi phí. Bên cạnh đó, quy định về kiểm tra, xử phạt ở lĩnh vực này chưa thật chặt chẽ, chẳng hạn như thuốc lá lậu thường được người bán cất giấu trong nhà, nhưng lực lượng quản lý thị trường lại không có quyền khám xét nhà để bắt quả tang.
Ngoài ra, việc xử lý khó khăn còn do việc phối hợp giữa doanh nghiệp (có sản phẩm bị làm giả) với cơ quan chức năng trong việc đấu tranh chống gian lận thương mại chưa thật chặt chẽ, thậm chí là bất hợp tác. Nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng công khai thông tin sản phẩm của mình bị làm giả và hướng dẫn cách phân biệt thật- giả để người tiêu dùng nhận biết. Nguyên nhân do các doanh nghiệp sợ rằng nếu công khai sản phẩm của mình bị làm giả thì khách hàng sẽ quay lưng cả với hàng thật.
|
Đội quản lý thị trường số 3, huyện Hoà Thành bắt quả tang đường cát nhập lậu.
Theo Ban chỉ đạo 389, năm 2016, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có chiều hướng gia tăng. Song song đó, việc lợi dụng chính sách thông thoáng, hoạt động gian lận thương mại, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới sẽ có nhiều diễn biến phức tạp. Do đó, Ban chỉ đạo 389 Tây Ninh đề nghị Cục Hải quan, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh, Sở Công Thương... và Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các huyện, thành phố tập trung kiểm tra, kiểm soát theo dõi nắm diễn biến tình hình thị trường về cung cầu, giá cả, hàng hoá; phát hiện và xử lý kịp thời khi có xảy ra hiện tượng bất ổn thị trường.
Ông Dương Văn Thắng- Trưởng Ban chỉ đạo 389 Tây Ninh nhận định, tình hình gian lận thương mại vẫn là một trong những vấn đề nhức nhối của tỉnh ta cũng như cả nước, do đó phải xác định đây là “cuộc chiến” lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của nhiều ngành chức năng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật để người dân và các đối tượng kinh doanh được biết và thực hiện.
THANH NHI