Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giãn lộ trình siết vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn 

Cập nhật ngày: 27/08/2020 - 09:01

BTNO - Ngân hàng Nhà nước vừa công bố Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 22 /2019/TT-NHNN. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước quyết định lùi lộ trình hạ tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tại các ngân hàng thêm 1 một năm so với quy định cũ.

Vận chuyển gạch không nung tại một công ty sản xuất gạch không nung trên địa bàn thị xã Hòa Thành.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cho phép duy trì tỷ lệ 40% vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đến hết ngày 30.9.2021 và hạ dần sau đó. Từ 1.10.2021 đến 30.9.2022, tỷ lệ trên sẽ giảm về 37%; từ 1.10. 2022 đến 30.9.2023 là 34%; và giảm xuống 30% từ ngày 1.10.2023.

Hiện nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động, thiếu việc làm tăng cao sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Do đó, việc lùi lộ trình áp dụng tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là phù hợp với tình hình hiện nay, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nguồn vốn và hỗ trợ tốt hơn cho khách hàng vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch. Bởi các doanh nghiệp đều có nhu cầu vay vốn trung, dài hạn để đầu tư  và mở rộng sản xuất kinh doanh trong thời điểm phù hợp.

Theo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, tâm lý chung của khách hàng hiện nay là gửi tiền kỳ hạn ngắn để dễ dàng rút vốn khi cần mà không bị mất tiền lãi.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Tây Ninh, tính đến cuối tháng 8.2020 tổng số vốn huy động đạt 46.409 tỷ đồng, tăng 2,1% so với đầu năm. Trong đó, nguồn vốn huy động trên 12 tháng ước đạt 10.700 tỷ đồng, chiếm 23,1% tổng nguồn vốn huy động, giảm 2,7% so tháng trước; tiền gửi của khách hàng ước đạt 45.936,1 tỷ đồng, chiếm 99% tổng nguồn vốn huy động, tăng 0,9% so tháng trước.

Để đáp ứng nhu cầu vay trung, dài hạn của các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh, các tổ chức tín dụng tiếp tục tăng cường công tác huy động vốn; tích cực quảng bá, tiếp xúc, chăm sóc khách hàng, triển khai nhiều sản phẩm huy động vốn phù hợp để thu hút vốn nhàn rỗi trong dân cư... nên dù lãi suất huy động vốn giảm nhẹ nhưng vốn huy động tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng.

Ngoài ra, tổng dư nợ cho vay đến cuối tháng 8.2020 ước đạt 62.648,8 tỷ đồng, tăng 6,6% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ ngắn hạn ước đạt 41.800 tỷ đồng, chiếm 66,7%/ tổng dư nợ; dư nợ cho vay trung, dài hạn ước đạt 20.848,8 tỷ đồng, chiếm 33,3%/tổng dư nợ.

Dư nợ cho vay sản xuất kinh doanh ước đạt 47.963,8 tỷ đồng; Dư nợ cho vay doanh nghiệp ước đạt 18.095,6 tỷ đồng, với 1.755 doanh nghiệp vay; dư nợ cho vay tiêu dùng ước đạt 11.425 tỷ đồng.

Nhằm hỗ trợ khách hàng vượt khó, các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng, bảo đảm tăng trưởng đi đôi với nâng cao chất lượng; bên cạnh việc giảm nhẹ lãi suất, các tổ chức tín dụng còn đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của khách hàng để đáp ứng tốt nhu cầu vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh.

Nhi Trần


 
Liên kết hữu ích