BAOTAYNINH.VN trên Google News

Mùa khô ở rừng phòng hộ Dầu Tiếng:

Gian nan “cuộc chiến” phòng, chống cháy rừng

Cập nhật ngày: 09/03/2016 - 10:10

Hiện trường một vụ cháy.

Ngày cuối tuần đầu tháng 3, chúng tôi có mặt tại trụ sở UBND xã Tân Hoà. Bí thư Đảng uỷ Vũ Văn Minh cho biết: “Từ tết nguyên đán đến nay, cán bộ từ xã tới ấp, tổ tự quản ăn không ngon, ngủ không yên, không còn thời gian rảnh để ăn tết vì liên tiếp xảy ra cháy rừng. Có ngày cùng thời điểm xảy ra đến 4 vụ cháy, mọi người chạy “không bén gót” để chống cháy. Vụ cháy đầu tiên xảy ra ngày 7.2.2016 (29 tết) làm toàn thể cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ, lực lượng Kiểm lâm và cả cán bộ xã Tân Hoà phải trực 24/24 giờ tại cơ quan và các trạm, chòi canh lửa trong rừng và duy trì liên tục trong những ngày sau đó...”. 

 Rời UBND xã Tân Hoà, chúng tôi đến xã Suối Ngô gặp Ban quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng. Cả cơ quan vắng người, chỉ có Giám đốc Nguyễn Hoàng Sơn và một nhân viên trực tại cơ quan, còn các phó giám đốc và toàn thể cán bộ, nhân viên (kể cả 5 nhân viên nữ) đã xuống trực tại các chốt.

Giám đốc Nguyễn Hoàng Sơn cho biết, phương châm 4 tại chỗ được thực hiện triệt để. Cơ quan có 54 người, bố trí tại 8 chốt canh giữ, khi phát hiện cháy anh em tự dập lửa trước, khi thấy đám cháy lan rộng, không thể tự dập được mới cầu viện tới lực lượng của xã, nhà máy xi măng, bộ đội biên phòng… Để tăng cường hiệu quả công tác phòng chống cháy rừng, Ban quản lý đã thuê thêm một số người dân địa phương bổ sung cho các chốt, nhưng mức phụ cấp chỉ có 137.000 đồng/người/ngày. Chỉ khi có cháy xảy ra, người dân được huy động. Từ đầu tháng 2 tới nay, trên địa bàn đã huy động gần 100 lượt dân quân xã tham gia dập lửa cứu rừng, nhưng vẫn chưa có kinh phí chi cho anh em.

Về phương tiện, theo Giám đốc Nguyễn Hoàng Sơn, đơn vị được trang bị 3 máy kéo, mỗi chiếc kéo 1 bồn chứa 5.000 lít nước; 25 chiếc bình xịt có gắn động cơ và 50 can đựng nước loại 20 lít. Thế nhưng, do trong rừng chỉ có những đường mòn nhỏ, nên việc dùng máy kéo gặp khó khăn, có khi không thể đến được khu vực có cháy, phải dùng can vận chuyển nước. Ngoài một số bình xịt, người tham gia dùng nhánh cây rừng đập cho lửa tắt nên hiệu quả không cao.

 Trạm trực PCCR của Tiểu khu 43 có Phó Giám đốc Đinh Ngọc Thạnh và hơn 10 người đang trực. Trên ngọn cây dầu có hai thân thẳng đứng, cao gần 20 mét có một nhân viên bảo vệ rừng đứng canh lửa. Đây là “chòi canh” của trạm trực này, được đóng các thanh gỗ, biến thân cây thành chiếc thang để leo lên leo xuống, nhằm thay thế chòi canh chính đã bị hư hỏng. Theo anh em nơi đây, tại địa bàn xã Tân Hoà có 2 chòi canh lửa được làm bằng sắt, nhưng đã qua hơn 20 năm sử dụng, nay sét gỉ mục nát, không ai dám leo lên. Những ngày qua xảy ra cháy nhiều nơi, để có thể quan sát xa, anh em có “sáng kiến” làm chòi canh dã chiến này thay phiên nhau leo lên canh lửa từ xa. Tuy sáng kiến này tạo được “độ cao” nhưng “độ xa” thì vẫn còn hạn chế bởi chỉ canh bằng mắt thường do 4 cái ống nhòm được trang bị trước đây, nay tất cả đã hư hỏng, không còn sử dụng được.

Sáng kiến làm thang cây để phát hiện cháy từ xa.

Phó Giám đốc Thạnh và Trưởng Tiểu khu 43 dùng xe mô tô đưa chúng tôi đến hiện trường những đám cháy trước đây. Tận mắt chứng kiến sự tàn phá của “giặc lửa” ai cũng thấy xót xa. Hơn 12 giờ chúng tôi trở về trạm ăn cơm trưa với anh em trực, nhưng khi đang ăn thì nhận được tin báo có cháy ở Tiểu khu 37, tất cả cùng bỏ dở bữa cơm để lên đường cứu rừng.

Rời rừng phòng hộ, tôi về tới thành phố Tây Ninh thì trời sắp tối. Gọi điện thoại cho Phó Giám đốc Thạnh, anh cho biết anh em vào rừng dập lửa chưa quay về trạm, nên chưa biết thế nào. “Cuộc chiến” phòng chống cháy rừng mùa khô 2016 vẫn đang tiếp diễn…

HIỀN LƯƠNG