Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trên địa bàn ấp Suối Bà Chiêm, xã Tân Hoà, huyện Tân Châu có con đường đất đỏ dẫn vào các tiểu khu 50, 58 và 59 thuộc khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng. Những năm gần đây, con đường này đã xuống cấp nghiêm trọng, gây khó khăn cho công tác tuần tra bảo vệ rừng, chăm sóc, phòng cháy chữa cháy rừng và vận chuyển nông, lâm sản. Nhiều người dân địa phương kiến nghị chính quyền địa phương và ngành chức năng quan tâm, sửa chữa lại con đường.
Tuyến đường vào các tiểu 50, 58, 59 rừng phòng hộ Dầu Tiếng hiện bị sụp lún rất nghiêm trọng.
Những ngày qua, trên địa bàn ấp Suối Bà Chiêm, xã Tân Hoà, huyện Tân Châu ít mưa, nhưng con đường đất đỏ dẫn vào các tiểu khu 50, 58 và 59 rừng phòng hộ Dầu Tiếng vẫn đọng nhiều sình lầy, hư hỏng nặng đễn nỗi các lọai xe gắn máy không thể di chuyển được.
Chúng tôi dùng xe gắn máy di chuyển về hướng khu vực P25 (thuộc khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng), do trên đường có rất nhiều đoạn bị hư hỏng thành vũng sâu đọng nước, sình bùn, trơn trượt nên đành phải quay lại. Hiện nay, người dân địa phương muốn đi vào khu vực đó để chăm sóc rừng trồng, thu hoạch nông sản mủ cao su hoặc củ mì đều phải chạy xe hai bánh len lỏi theo các đường hẹp trong rừng.
Theo ghi nhận, thỉnh thoảng trên đường có vài xe ô tô tải nặng, xe máy cày vận chuyển nông lâm sản. Tuy nhiên, các xe này cũng chỉ di chuyển với tốc độ “rùa bò”, chở phân nửa tải trọng cho phép. Ông Nguyễn Văn Năm, một hộ dân có hợp đồng trồng rừng cho hay: “Có những đoạn đường quá lầy lội, trơn trượt, nhiều vũng sâu nguy hiểm nên tôi đành phải tìm đường tắt qua những cánh rừng rộng lớn, lắm khi bị lạc đường. Tôi chờ đến dịp tiếp xúc cử tri để đề xuất, kiến nghị với chính quyền về việc sửa chữa lại con đường cho dân đỡ vất vả”.
Xe hai bánh không thể di chuyển trên đường hiện trạng để vào khu vực P25 (trong ảnh, phóng viên phải quay đầu xe trở ra)
Bà Trần Thị Lụa, một hộ dân có hợp đồng trồng rừng tại khu vực P25 cũng ngao ngán về tình trạng đường xuống cấp: “Đường hỏng nặng lắm rồi, Ban Quản lý rừng và chính quyền cần sớm thống nhất phương án sửa đường. Đây là tuyến đường độc đạo vào khu P25 để người dân vận chuyển nông, lâm sản, chăm sóc rừng trồng, bảo đảm công tác phòng, chống cháy rừng khi mùa khô sắp tới”.
Anh Nguyễn Văn Tính- một người dân chuyên chở thuê nông lâm sản cho bà con tại địa phương cũng than rằng, từ khi đường xuống cấp, xe máy cày của anh chỉ dám chở khoảng nửa tải trọng cho phép vì đường quá nguy hiểm, chướng ngại ổ voi, vũng sâu, lầy lội. Việc này làm phát sinh thêm chi phí và công vận chuyển cho cả đôi bên. Anh Tính bày tỏ mong muốn con đường sớm được sửa chữa để người dân thuận tiện ra vào canh tác nông lâm nghiệp, những người làm nghề chở thuê như anh cũng được an tâm.
Trao đổi với chúng tôi về con đường đang đề cập, ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đường này trước đây được chính quyền địa phương nâng cấp thành đường sỏi đỏ. Tuyến đường nhằm phục vụ vận chuyển nông sản (tại khu vực vùng đất bán ngập hướng cuối đường), lâm sản, chăm sóc và phòng chống cháy rừng tại các tiểu khu 50, 58, 59 thuộc khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng. Tuy nhiên, thời gian sử dụng cũng đã lâu, nhu cầu vận chuyển lớn nên đường xuống cấp, nhất là vào mùa mưa.
Xe ô tô tải ì ạch chở cây rừng thanh lý trên tuyến đường có nhiều vũng nước sâu nguy hiểm.
Ông Xuân còn cho biết thêm, do nguồn ngân sách của địa phương còn hạn chế nên chưa thể bổ trí kinh phí để thực hiện sửa chữa, nâng cấp tuyến đường trên. Hằng năm, nguồn kinh phí để thực hiện dặm vá, sửa chữa tuyến đường được Ban Quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng vận động xã hội hoá từ các hộ hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng trồng tại khu vực này.
Do đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị UBND huyện Tân Châu chỉ đạo UBND xã Tân Hoà phối hợp với Ban Quản lý tiếp tục vận động các hộ có hợp đồng đóng góp kinh phí để giặm vá, sửa chữa đường.
Đại Dương - Quốc Sơn