Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Gian nan giữ nghề rèn
Thứ hai: 20:23 ngày 24/02/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Dù rất yêu nghề nhưng để giữ được nghề rèn lại rất gian nan bởi: “Rèn thủ công cực lắm, nung một miếng sắt, dùng sức đập ra thành hình vật dụng mình cần, phải qua mấy lửa mới thành. Các công đoạn đó người thợ mất sức dữ lắm mà giá bán lại thấp.

Anh Toàn và công việc hằng ngày.

Về xã Trường Đông (thị xã Hoà Thành) hỏi lò rèn ông Tám Cảnh thì hầu như ai cũng biết. Trường Đông vốn là xã thuần nông, những vật dụng cuốc, rựa, liềm, phảng phát cỏ… đều phải cần đến thợ rèn. Mấy mươi năm qua, cuộc sống thay đổi, không ít người không còn ruộng để trồng mì cấy lúa nên chuyển sang trồng cây ăn trái. Thế là liềm cắt cành, rựa, cuốc, bàn cào… ngày càng ít người dùng.

Miếng sắt hình chữ nhật đang biến dần thành hình con dao với đầu bầu tròn, đuôi thon dài sau những tiếng búa chan chát và tiếng xèo xèo của vật nóng nhúng vào chảo nước. Nụ cười anh thợ rèn giãn hết cỡ vì: “Cái nghề cực gần chết có gì mà viết.

Từ đời ba anh để lại đó, bầy con năm bảy đứa mà chỉ có mình anh theo nổi vì nó cực mà thu nhập bấp bênh lắm. Nhưng nghề gia truyền thì phải giữ chứ biết làm sao?”. Anh thợ tên là Nguyễn Văn Toàn, 45 tuổi, con trai út của ông Tám Cảnh.

Dù rất yêu nghề nhưng để giữ được nghề rèn lại rất gian nan bởi: “Rèn thủ công cực lắm, nung một miếng sắt, dùng sức đập ra thành hình vật dụng mình cần, phải qua mấy lửa mới thành. Các công đoạn đó người thợ mất sức dữ lắm mà giá bán lại thấp. Vì các làng nghề khác cạnh tranh nhau, chưa kể rèn bằng máy, lượng hàng dồi dào hơn, giá thành thấp hơn nên rèn thủ công không đắt hàng như xưa nữa”- anh Toàn chia sẻ thêm.

Một cây rựa chặt cành hiện giờ tại lò rèn của anh Toàn có giá 130 ngàn đồng (loại cán cây), loại cán sắt là 150 ngàn đồng. Ưu điểm của cây rựa cán sắt là không bao giờ mục hay tét cán nhưng khá nặng tay khi cầm. Rựa cán cây thì nhẹ tay cầm nhưng dễ bị mục hoặc tét cán do thời gian.

Một lưỡi bàn cào vỏ mì hoặc cào cỏ đều có giá từ 80-120 ngàn đồng. Riêng dao yếm là 100 ngàn đồng/cây. Giá tiền đó có thể hơi cao so với hàng làm bằng máy bán sẵn ngoài chợ, nhưng nếu ai đã dùng vật dụng nhà nông của lò rèn Tám Cảnh đều biết rằng rất bền, xứng với giá tiền.

Anh Toàn bảo: “Nếu làm hết sức thì ngày cũng được ba, bốn cây dao, trừ tiền sắt, tiền cán cây cũng còn được hơn nửa. Nhưng thường không làm nổi vì mọi công đoạn đều chỉ có một mình chứ không thể mướn thêm người. Làm việc ở nhà thu nhập ít nhưng có thể cơm nước cho gia đình, đưa rước con đi học để bà xã yên tâm đi làm. Nghề rèn không làm giàu được, nhưng có thời gian phụ giúp vợ nhiều việc nhà cũng tốt rồi”. Nhúng con dao đã hoàn thành vào bể nước rèn lần cuối, anh Toàn cười vui vẻ như vừa hoàn thành một sản phẩm vừa ý người đặt hàng.

TRANG ĐÀO

Tin cùng chuyên mục