Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Gian nan tìm Phó chủ tịch tài chính VFF
Thứ ba: 16:30 ngày 04/08/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ngày 8.8, VFF sẽ tổ chức đại hội thường niên và công việc quan trọng nhất là bầu Phó chủ tịch phụ trách tài chính, vị trí để trống gần hai năm qua.

Từ khi bầu Đức (phải) rời nhiệm sở rồi ông Cấn Văn Nghĩa phải từ chức, VFF vẫn chưa thể tìm được những gương mặt xứng tầm ngồi vào vị trí Phó chủ tịch tài chính. Ảnh: Đức Đồng.

Bốn nhiệm kỳ đầu tiên của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam không định danh một cách rõ ràng vị trí quản lý kinh tài. Điều đó cũng dễ giải thích. Bóng đá Việt Nam ở thời bao cấp vận hành theo hình thức "góp tiền để chơi", nên các nhà điều hành chỉ chú tâm vào chuyên môn. Các vấn đề tài chính của đội tuyển quốc gia thì đã có ngân sách nhà nước.

Mọi thứ chỉ thay đổi khi bóng đá Việt Nam chuyển sang hình thái chuyên nghiệp vào năm 2001. Ở hai mùa giải đầu tiên, Công ty Tiếp thị thể thao Strata "mua đứt, bán đoạn" hai giải V-League và Cup Quốc gia, trả cho VFF một khoản tiền cứng tầm hai triệu USD trong hai năm.

Toàn bộ thương quyền như tên giải, quảng cáo trên sân và ngực áo cầu thủ đều thuộc về các nhà tổ chức giải. Các CLB không phải đóng tiền để đá, nên nhiều doanh nghiệp quyết định đầu tư xây dựng các đội bóng doanh nghiệp để quảng bá thương hiệu cho mình, như bầu Đức và bầu Thắng.

Nhưng chỉ sau hai mùa, Strata rút lui và từ chỗ quen ngồi chờ tiền đến, VFF phải kiếm ra tiền để vận hành các giải đấu theo đúng lộ trình phát triển chuyên nghiệp. Rắc rối bắt đầu xảy ra khi VFF không có bộ phận chuyên trách, am hiểu công tác tài chính, tài trợ. Họ nhờ công ty Đất Việt làm đại diện môi giới, tiếp thị nhưng chính công ty này cũng vội vàng rút lui chỉ sau hai năm hợp tác vì "không có tiếng nói chung về quan điểm kiếm tiền".

Dù lúc đó VFF đã thành lập được Ban tài trợ - tiếp thị do ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng giám đốc Viettravel - đứng đầu nhưng hầu như không tạo ra được hoạt động kinh doanh nào đáng kể, ngoài việc góp vốn vào công ty VFD, đơn vị độc quyền khai thác quảng cáo tại SEA Games 2003.

Thế nên, khi ông Lê Hùng Dũng đứng trước Đại hội nhiệm kỳ 5 được mở cửa công khai cho báo giới và tuyên bố sẽ kiếm ngay sáu tỷ đồng để thưởng cho đội U23 trước chiến dịch SEA Games 2005, cả khán phòng rộng lớn của khách sạn Sheraton – Hà Nội vang dội tiếng vỗ tay.

Đó là lần đầu tiên và duy nhất một ứng cử viên công khai cương lĩnh tranh cử và cụ thể luôn mục tiêu. "Màn trình diễn" ấn tượng đó giúp ông Dũng giành chiến thắng dễ dàng trước ứng viên còn lại là Tổng giám đốc của Agribank Đỗ Tất Ngọc. Đó là lần đầu tiên, chức danh Phó chủ tịch phụ trách tài chính được định danh.

Không chỉ là những tuyên bố gây sốc, ở hai nhiệm kỳ 5 và 6 mà ông Lê Hùng Dũng phụ trách tài chính, bóng đá Việt Nam có nhiều hoạt động thể hiện chiến lược kiếm tiền tương đối rõ nét. Ví dụ như dự án góp 50 tỷ đồng để làm cổ đông của một ngân hàng (việc này sau đó không được phép tiến hành do VFF không đủ pháp nhân), nâng tổng tiền tài trợ cho V-League từ chỗ trên dưới 10 tỷ đồng một năm lên con số 30 tỷ đồng từ năm 2011 thông qua vai trò Chủ tịch ngân hàng Eximbank của ông Lê Hùng Dũng khi đó.

Điểm nhấn quan trọng nhất, chính là sự ra đời của công ty VPF năm 2012. Từ lúc này, VFF chuyên lo kiếm tiền cho đội tuyển quốc gia, còn VPF lo cho các giải bóng đá chuyên nghiệp. Đến đại hội nhiệm kỳ 7, ông Dũng sử dụng đúng mô-tuýt cũ là "đem tiền về cho bóng đá Việt Nam" bằng cách tiến cử bầu Đức làm Phó tài chính, cam kết đem về cho VFF 300 tỷ đồng. Sau đó ông Dũng trở thành Chủ tịch VFF nhiệm kỳ 7.

Điểm lại những diễn biến trong lịch sử để có cái nhìn rõ hơn với chức danh Phó chủ tịch tài chính hiện nay của VFF. Những biến động của thời cuộc cho thấy VFF cần một người lãnh đạo tài chính với nguồn tiền có sẵn trong tay để hỗ trợ chính Liên đoàn khi cần, đồng thời phải là một doanh nhân tầm cỡ để thông qua các mối quan hệ xây dựng nguồn tiền bền vững. VFF không phải là một doanh nghiệp, trong tay họ cũng không có nhiều "sản phẩm" để kinh doanh ngoài đội tuyển quốc gia, sau khi đã chuyển "con bò sữa" V-League sang công ty VPF quản lý.

Trong gần hai năm qua, vị trí này bị bỏ trống sau khi ông Cấn Văn Nghĩa, người được bầu ở đại hội cuối năm 2018, từ chức. Trong thời gian đó, bóng đá Việt Nam thăng hoa dưới triều đại của HLV Park Hang-seo nên dòng tiền tài trợ tự động đổ về. Báo cáo của năm 2019, VFF lãi 35 tỷ đồng, với chỉ số lợi nhuận đạt 747%, doanh thu tăng gấp đôi.

Nghĩa là, khi đội tuyển quốc gia đạt thành tích tốt, tự thân nó đã đem lại tiền, có hay không có Phó chủ tịch tài chính cũng không sao cả. Vấn đề là khi gặp hoàn cảnh khó như dịch bệnh Covid-19, và việc đội tuyển thi đấu không tốt trong tương lai, thì người ta phải "làm ra tiền" bằng cách nào nếu không đủ khả năng tự bỏ tiền túi để giúp cho bóng đá Việt Nam.

Vậy lý do gì VFF phải gấp rút tổ chức đại hội thường niên để bầu bổ sung vị trí này. Họ đang cạn nguồn tiền và cần người biết cách "làm ra tiền" hay chỉ đơn giản là "lấp chỗ trống"? Các thành viên trong ban chấp hành của VFF có nắm rõ điều này trước khi bỏ phiếu bầu không? Liệu có ai hỏi các ứng viên là "Các anh vào ngồi ghế đó để làm gì? hay Đem về cho VFF được bao nhiêu tiền?"

Trong ba ứng viên cho chức danh Phó chủ tịch tài chính, chẳng ai hội đủ tiêu chí của một người sẽ "làm ra tiền" cho bóng đá Việt Nam. Ông Lê Văn Thành, Chủ tịch tập đoàn Động Lực, người có mặt ở năm trong tám nhiệm kỳ của VFF, ba lần ra tranh cử nhưng... toàn thua. Chừng đó cũng thấy vai trò của ông Thành với giới bóng đá không lớn dù ông đang là Chủ tịch của Liên đoàn Bóng chuyền.

Ông Phạm Thanh Hùng, Chủ tịch của CLB Quảng Ninh, để lại dấu ấn cá nhân khi quản lý đội tuyển bóng đá nữ và thường xuyên "móc tiền túi" ra để thưởng cho các cô gái đá bóng một cách hào phóng. Tuy nhiên, tiền cho bóng đá nữ khác hẳn với những con số khổng lồ ở bóng đá nam. Riêng ứng viên thứ ba, ông Trần Văn Liêng, chưa rõ tiềm lực ra sao nhưng không phải là người quen thuộc với giới bóng đá.

Ba ứng viên trên rồi sẽ có một người được bầu, vấn đề là bất kỳ ai thắng cử, đều đánh dấu một sự sa sút nghiêm trọng về chất lượng của chiếc ghế vốn đã có những dấu ấn rất rõ từ ông Lê Hùng Dũng đến Đoàn Nguyên Đức. Thời kỳ hai ông này làm, bóng đá Việt Nam chưa có thành tựu lớn như bây giờ để "chỉ ngồi, đợi tiền đến".

Ông Dũng phải dùng các mối quan hệ từ Eximbank, ông Đức phải xuất tiền từ HAGL để tài trợ lương cho HLV Park Hang-seo. Họ là những người vừa lấy tiền của mình để đóng góp và đồng tiền đó tạo ra sự thay đổi trong nhiệm kỳ mà họ làm việc tại VFF. Các ứng viên hiện nay đều không đảm bảo được hai yếu tố đó.

Bởi vậy, lý do họ ứng cử vào vị trí Phó chủ tịch tài chính VFF là câu hỏi lớn.

Nguồn VNE

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục