Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Gian nan xác định tội danh xâm hại tình dục trẻ em
Chủ nhật: 11:41 ngày 14/07/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn TP.HCM ngày càng gia tăng nhưng những khoảng trống pháp lý khiến quá trình giải quyết các vụ việc này vẫn tồn tại nhiều khó khăn.

Theo đuổi cuộc đấu tranh vì quyền lợi của trẻ em bị xâm hại tình dục từ 5 năm nay, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ không ngăn được tiếng thở dài khi kể về hành trình đòi công lý gian nan cho những đứa trẻ này. Điều khiến bà lo lắng và bất an hơn cả là chứng kiến những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em ngày càng tăng và diễn biến phức tạp hơn trước.

Báo cáo kết quả giám sát tình hình triển khai thực hiện Luật Trẻ em – công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em tính đến hết quý I/2019 của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM (Ban VH-XH) cho thấy chiều hướng gia tăng cũng như tính chất nghiêm trọng của các vụ xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn thành phố.

Số vụ xâm hại tình dục ngày càng tăng

Khi các em nhỏ bắt đầu nghỉ hè thì luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM, bắt đầu một mùa hè bận rộn và căng thẳng với trình báo những vụ xâm hại tình dục. “Mùa hè là cao điểm của các vụ xâm hại tình dục trẻ em bởi bố mẹ đi làm để con cái ở nhà một mình khiến cho nhiều kẻ dễ dàng thực hiện hành vi đồi bại”, bà Nữ nhận định.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM. Ảnh: T.H.

Theo báo cáo của Công an TP.HCM, trong giai đoạn từ năm 2017 đến quý I/2019, cơ quan này tiếp nhận, xử lý 147 vụ xâm hại tình dục trẻ em, chiếm 86,47% trên tổng số 170 vụ liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ. Trong đó, Công an TP.HCM đã khởi tố 144 vụ, 148 đối tượng có hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; xử lý hành chính 10 vụ, 12 đối tượng, đang tiếp tục xác minh làm rõ 16 vụ, 20 đối tượng.

Cụ thể, năm 2017, TP.HCM tiếp nhận 58 vụ xâm hại trẻ em với 51 vụ có hành vi hiếp dâm, giao cấu với trẻ hoặc dâm ô. Đến năm 2018, thành phố tiếp nhận 77 vụ, tăng 14% so với năm 2017. Trong đó, số vụ xâm hại tình dục trẻ em là 65 vụ, chiếm 84%. Tính đến quý I/2019, Công an TP.HCM đã tiếp nhận 35 vụ với 31 vụ có hành vi xâm hại tình dục trẻ em.

Tuy nhiên, luật sư Nữ cho rằng trên thực tế các vụ xâm hại trẻ em còn nhiều hơn so với con số trong báo cáo. Số liệu của Công an TP.HCM chỉ tính đến những vụ công an đã tiếp nhận đơn tố cáo. Trong khi đó, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em còn nhận được rất nhiều cuộc điện thoại trình báo mỗi ngày qua đường dây nóng.

“Có ngày, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em tiếp nhận qua đường dây nóng tới 3-4 vụ. Đa số các vụ chứng cứ rất mỏng, khó xác minh. Nhưng theo nguyên tắc, mình vẫn phải làm dù nhận định thành công là rất nhỏ”, luật sư Nữ chia sẻ.

Đồng tình với kết luận trong báo cáo của Ban VH-XH, bà cho rằng điều đáng lo ngại là độ tuổi trẻ em bị xâm hại ngày càng nhỏ, trong đó phần lớn là trẻ em gái, chiếm 85% nạn nhân. Địa điểm phát sinh các vụ xâm hại không chỉ ở khu vực vắng vẻ thuộc các huyện ngoại thành mà đã mở rộng ra các khu vực công cộng thuộc chung cư, trường học, công viên.

Khoảng trống pháp lý

“Nhiều trường hợp ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Đa phần các vụ xâm hại trẻ em không có chứng cứ. Nếu mình biết là vô vọng nhưng vẫn giúp người ta làm đơn tố cáo là không được, mà khuyên người ta không làm thì cũng là có lỗi”, nữ luật sư 63 tuổi băn khoăn.

Theo bà Nữ, điểm chung lớn nhất của các vụ xâm hại tình dục trẻ em là thiếu bằng chứng. Đa phần cha mẹ thường trình báo công an hoặc báo cáo lên Hội Bảo vệ Quyền trẻ em sau 3-4 ngày sự việc xảy ra nên giám định pháp y hầu như không có kết quả. Các vụ việc cũng ít khi có nhân chứng do thủ phạm đã có tính toán trước. Chỉ những trường hợp có camera ghi lại hình ảnh thì may mắn thành công.

Ban VH-XH cũng nhận định các vụ xâm hại trẻ em thường là các vụ án truy xét (thông qua trình báo của bị hại hoặc gia đình) nên việc thu giữ chứng cứ trực tiếp gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, người bị hại thường là trẻ em gái nên việc chỉ dùng lời khai để làm căn cứ buộc tội rất mong manh nếu vụ án không xác định được chứng cứ khác hoặc đối tượng không thừa nhận hành vi phạm tội.

Do bằng chứng từ kết quả giám định pháp y rất mong manh, hình ảnh từ camera là chứng cứ vật chất vững chắc nhất trong các vụ án xâm hại tình dục. Ảnh: Thuận Thắng.

Bên cạnh đó, sự thiếu thống nhất trong hệ thống pháp lý hiện tại cũng gây nhiều khó khăn trong quá trình hỗ trợ nạn nhân của những luật sư như bà Nữ. Quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tố tụng trong thực tế xử lý tội phạm xâm hại tình dục là một trong những vấn đề nổi bật được Ban VH-XH chỉ ra.

Theo đó, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, chưa quy định rõ như thế nào là hành vi xâm hại tình dục, dâm ô, khiêu dâm gây khó khăn trong việc định tội danh.

Ngoài ra, Luật Giám định tư pháp năm 2012 và Điều 206 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 không quy định bắt buộc phải trưng cầu giám định pháp y về xâm phạm tình dục cũng là trở ngại trong quá trình tìm chứng cứ. Kết quả trưng cầu giám định pháp y về xâm hại tình dục chậm dẫn đến ảnh hưởng lớn đến việc chứng minh đối tượng có hành vi xâm hại tình dục trẻ em.

Thiếu nhận thức về mối nguy hiểm

Lý giải tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ngày càng gia tăng, bà Nữ cho rằng có hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là việc xử lý các tội phạm có hành vi xâm hại trẻ em chưa đủ nghiêm khắc nên không tạo được tính răn đe. Thứ hai là người dân thiếu kiến thức pháp luật, dẫn đến việc không xử lý đúng cách khi tình huống xảy ra và không biết cách lưu giữ bằng chứng.

Đây cũng là bất cập được Ban VH-XH chỉ ra trong báo cáo. Việc thu giữ vật chứng cần thiết đối với loại tội phạm này để giao nộp cho cơ quan chức năng làm cơ sở buộc tội đối tượng đòi hỏi người có chuyên môn.

Do đó, cần có hướng dẫn cụ thể xác định dấu hiệu cấu thành tội phạm của các tội trong nhóm tội xâm hại tình dục trẻ em. Đồng thời, thiết lập quy trình tố tụng đặc biệt để kịp thời thu giữ các dấu vết, chứng cứ vật chất làm căn cứ xử lý đối với nhóm tội này.

Bị cáo Nguyễn Hữu Linh, cựu Phó viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng, bị cáo buộc dâm ô bé gái trong thang máy chung cư ở TP.HCM. Ảnh: Thuận Thắng.

Về phía nạn nhân bị xâm hại tình dục, Ban VH-XH đánh giá việc giáo dục giới tính cho trẻ em từ phía gia đình còn hạn chế khiến trẻ thiếu kỹ năng phòng tránh, tự vệ, phản kháng để chống lại các hành vi lạm dụng.

Đồng thời, trẻ thiếu nhận thức về các mối nguy hiểm của việc xâm hại, lạm dụng tình dục, đặc biệt đến từ người thân trong gia đình.

Để giải quyết các khó khăn còn tồn tại, Ban VH-XH kiến nghị UBND TP sớm ban hành quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục trên địa bàn để các đơn vị triển khai thực hiện theo quy trình thống nhất. Nâng cao tuyên truyền, giáo dục cho người dân cùng một số giải pháp khác nhằm hạn chế các vụ xâm hại tình dục trẻ em tại TP.HCM.

Nguồn Zing

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục