Ví dụ, một học phần đào tạo theo niên chế với 60 tiết thì đào tạo theo tín chỉ, số tiết trên lớp chỉ còn 30, nội dung chương trình vẫn giữ nguyên. Hình thức thay đổi này khiến một số giảng viên lúng túng, chưa biết dạy như thế nào hoàn thành tốt bài dạy.
TS Chu Thị Phương - Trường CĐSP Hà Nội cho rằng, giải quyết mâu thuẫn này, cần có sự hỗ trợ của các phương tiện dạy học, cơ sở vật chất thuận lợi để nhằm giảm thời gian chết trên lớp ... Nhưng quan trọng hơn, người giảng viên phải chủ động thay đổi cách dạy và sinh viên phải chủ động thay đổi cách học.
Xây dựng đề cương môn học
TS Chu Thị Phương cho rằng, chủ động thay đổi phương pháp dạy học với giảng viên trước hết thể hiện ở việc chủ động xây dựng đề cương môn học, hệ thống câu hỏi hướng dẫn tự học và hệ thống tài liệu tham khảo (trong đó giới thiệu các giáo trình cơ bản và tài liệu tham khảo liên quan, chương trình môn học của trường phổ thông), lịch trình giảng dạy.
Tất cả những tài liệu này sẽ được gửi đến từng sinh viên trước khi học phần bắt đầu. Thậm chí, sinh viên cần được biết trước tên các học phần và nội dung từng học phần của từng năm học ngay từ khi nhập học để chủ động hơn trong quá trình học tập.
Bắt đầu mỗi học phần, giảng viên dành thời gian hướng dẫn trực tiếp sinh viên cách sử dụng tài liệu tham khảo, cách sử dụng hệ thống câu hỏi, cách đọc giáo trình, cách kiểm tra đánh giá, cách lập kế hoạch học tập và quản lí các tài liệu học tập. Mỗi sinh viên sẽ lưu giữ tài liệu học tập, kết quả ghi chép trong quá trình đọc sách vào từng cặp file riêng thay vì sinh viên đến lớp mang theo duy nhất một quyển vở.
Nhiệm vụ của sinh viên trước khi đến lớp là phải đọc giáo trình và tự trả lời các câu hỏi trong giáo trình để tự kiểm tra năng lực đọc của chính mình; khi đọc giáo trình cần ghi chép tóm tắt các ý cần trả lời.
Thông qua hệ thống câu hỏi trọng tâm, giảng viên tổ chức cho sinh viên trao đổi, tìm hiểu những nội dung cơ bản của bài học và trên cơ sở đó, giảng viên sẽ mở rộng những vấn đề giáo trình chưa đề cập đến hoặc cắt nghĩa giáo trình để làm rõ những điều sinh viên chưa hiểu. việc đọc nắm rõ nội dung trong giáo trình là việc sinh viên phải hoàn thành trước khi đến lớp.
Ở trên lớp, giảng viên chỉ kiểm tra việc hiểu giáo trình của sinh viên, sự vận dụng những hiểu biết đó và không nên nhắc lại những gì đã tường minh trong giáo trình.
Sau mỗi phần trao đổi, giảng viên chốt lại vấn đề và giao bài tập để sinh viên viết thu hoạch và nộp lại bài viết cho giảng viên.
Trong quá trình tổ chức trao đổi, giảng viên chủ động nêu vấn đề mở rộng kiến thức cho sinh viên, giúp các em biết vận dụng kiến thức cũ đã học để tiếp nhận kiến thức mới. Hệ thống kiến thức, kĩ năng bao giờ cũng có mối liên hệ.
Vì thế, giảng viên bằng hệ thống câu hỏi giúp sinh viên biết cách gắn kết các đơn vị kiến thức liên quan với nhau, tập cho sinh viên biết vận dụng tổng hợp kiến thức trong học tập.
Ghi chép trong học tập cũng rất quan trọng. Để sinh viên có cách ghi chép ngắn gọn, hệ thống ngay trong quá trình đọc giáo trình, tài liệu tham khảo, giảng viên hướng dẫn sinh viên cách ghi chép và lưu giữ thông tin bài học dưới dạng sơ đồ.
Ghi chép dưới dạng sơ đồ vừa ngắn gọn, vừa khái quát và nhớ lâu vì sơ đồ tư duy là một công cụ có nhiều ưu điểm hỗ trợ sinh viên trong quá trình học tập và làm việc.
Trong dạy học, giảng viên chủ động tổ chức cho sinh viên làm việc nhóm. Học tập theo nhóm được hiểu là một hình thức tổ chức lớp học thành các nhóm để thực hiện nhiệm vụ học tập. Các nhóm học tập này có nhiệm vụ cùng nhau giải quyết các vấn đề liên quan đến nội dung học tập dưới sự hướng dẫn của giảng viên.
Sinh viên chủ động, tích cực
Khi nhận được đề cương môn học, lịch trình giảng dạy của giảng viên, mỗi sinh viên sẽ dựa vào các văn bản này để chủ động xây dựng kế hoạch học tập của mình.
Do đã có kế hoạch học tập rõ ràng, sinh viên sẽ chủ động chuẩn bị bài cho từng buổi học trên lớp cùng với sự có mặt của giảng viên. Ở trên lớp, giảng viên cung cấp hệ thống câu hỏi trọng tâm của bài học, mỗi sinh viên trả lời nhanh các câu hỏi đó trên cơ sở đã đọc giáo trình ở nhà (10-15 phút).
Sau đó, sinh viên trao đổi những vấn đề này trong nhóm (thời gian khoảng 30 phút). Mỗi sinh viên sẽ chủ động đưa ra ý kiến của mình và ghi lại các ý kiến thống nhất và ý kiến chưa thống nhất. Sau khi các nhóm thảo luận xong, giảng viên sẽ tổ chức trao đổi chung trong lớp.
Trong quá trình trao đổi, giảng viên thường đưa ra các câu hỏi khác nhằm giúp sinh viên mở rộng kiến thức hoặc hiểu sâu kiến thức; hoặc đưa ra câu hỏi để giúp sinh viên nhớ lại kiến thức đã học để hiểu đúng câu hỏi mà các em đã trao đổi nhưng chưa chính xác.
Tham gia trao đổi trong nhóm hay trước lớp, tất cả sinh viên đều phải chủ động ghi chép nhằm kiểm tra thông tin, điều chỉnh và tự bổ sung thông tin xung quanh bài học.
Cách tổ chức nhóm như vậy yêu cầu mỗi sinh viên có ý thức chủ động chuẩn bị bài ở nhà; theo dõi chăm chú và tham gia tích cực. Bởi nếu sinh viên không đọc trước giáo trình và một số sách tham khảo giảng viên yêu cầu, không tập trung tích cực làm việc trên lớp các em sẽ tách mình ra khỏi hoạt động chung của lớp và sẽ không bắt kịp nhịp điệu chung với các bạn khác.
Tổ chức cho sinh viên làm bài tập nghiên cứu. Dựa trên nội dung môn học, giảng viên chủ động xây dựng các đề tài cho sinh viên tập nghiên cứu (cố gắng mỗi sinh viên một vấn đề). Giảng viên hướng dẫn chung để sinh viên biết cách thực hiện đề tài.
Trong quá trình thực hiện, sinh viên có thể trao đổi với giảng viên về nội dung mình thực hiện. Kết thúc môn học, sinh viên sẽ nộp sản phẩm cho giảng viên.
Nhìn chung, các vấn đề sinh viên tập nghiên cứu thường là những vấn đề xuất hiện trong quá trình giảng viên tổ chức cho sinh viên trao đổi trên lớp nên sinh viên cũng có cơ hội để hiểu trúng vấn đề và mở rộng cũng như hiểu sâu vấn đề.
Bài tập nghiên cứu chính là sản phẩm để giảng viên có căn cứ đánh giá năng lực tổng hợp, năng lực giải quyết vấn đề và kĩ năng tạo lập văn bản của từng sinh viên.
Thay đổi cách đánh giá
Theo TS Chu Thị Phương, đánh giá là khâu quan trọng trong quá trình dạy học, đặc biệt dạy học theo hệ thống tín chỉ.
Có nhiều cách đánh giá kết quả học tập của sinh viên. Song điều quan trọng, mỗi giảng viên tìm cách đánh giá phù hợp nhằm vừa yêu cầu sinh viên tuân thủ đúng những quy định của Quy chế đào tạo vừa khuyến khích việc chủ động, tự giác học tập của sinh viên vừa thể hiện tính chính xác, khách quan.
Tiêu chí đánh giá cần được giảng viên giới thiệu rõ ràng ngay từ buổi học đầu tiên của mỗi học phần. Sinh viên hiểu được các tiêu chí này và thực hiện trong suốt quá trình học tập. Giảng viên vẫn dựa trên định mức đánh giá theo Quy chế đào tạo, nhưng sẽ có những yêu cầu cho mỗi định mức.
Ví dụ, đánh giá bằng điểm 10% sẽ bao gồm những yêu cầu sinh viên cần đạt: thực hiện nề nếp học tập đi học đúng giờ, không nghỉ học; chuẩn bị bài có chất lượng (thể hiện trong trao đổi nhóm, trao đổi trước lớp...); có ý thức trao đổi bài trên lớp (giờ học lí thuyết và giờ thực hành).
Điểm 30% thể hiện qua các bài viết thu hoạch, bài thiết kế giáo án và thể hiện dạy trên lớp (đối với học phần phương pháp dạy học bộ môn). Để đảm bảo mục tiêu đào tạo sát với thực tế, giảng viên cung cấp cho sinh viên phiếu đánh giá của Bộ GD&ĐT dành cho giáo viên phổ thông để tham khảo và định hướng rèn luyện.
Thực tế cho thấy, khi sinh viên đã nắm được tiêu chí đánh giá thì việc cố gắng đạt được các tiêu chí đó sẽ không còn là thách thức khó thực hiện.
Theo Hải Binh
GD&TĐ