BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giao dịch điện tử an toàn thời Covid 

Cập nhật ngày: 20/05/2021 - 21:40

BTNO - Theo Sở Công thương Tây Ninh, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử ở nước ta được đánh giá tiếp tục ở mức cao (báo cáo bởi Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam - VECOM) - nhất là trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Giao dịch điện tử ngày càng phổ biến (ảnh minh hoạ)

Bên cạnh những phương tiện quen thuộc như điện thoại, tivi (tivi- shopping), thì sự phát triển đầy ấn tượng của mạng nội bộ (intranet), mạng ngoại bộ (extranet) và đặc biệt là mạng toàn cầu (Internet) đã khiến cho thương mại điện tử (e-commerce hay e-business) trở nên quen thuộc với người dân. Thậm chí ở nhiều nước phát triển, thương mại điện tử có xu hướng thay thế các phương thức giao dịch truyền thống; lĩnh vực bán lẻ trực tuyến trở thành lựa chọn đầu tiên khi người tiêu dùng có nhu cầu mua sắm.

Lợi ích của giao dịch điện tử đã quá rõ ràng như: Giúp cho các doanh nghiệp nắm được thông tin phong phú về thị trường và đối tác; giảm chi phí sản xuất; giảm chi phí bán hàng và tiếp thị; thông qua Internet giúp người tiêu dùng và các doanh nghiệp giảm đáng kể thời gian và chí phí giao dịch; thiết lập và củng cố mối quan hệ giữa các thành phần tham gia vào quá trình thương mại; tạo điều kiện sớm tiếp cận nền kinh tế số hoá.

Bên cạnh những lợi ích vừa nêu, giao dịch điện tử cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý do tính chất đặc thù của loại giao dịch này là không có sự "đối mặt" giữa người mua và người bán.

Xét về bản chất, các giao dịch điện tử có đặc thù là luôn phải dựa trên các phương tiện trung gian - phương tiện điện tử - để tiến hành một hoặc tất cả các công đoạn của các giao dịch dân sự, thương mại. Với sự xuất hiện của các phương tiện trung gian, giao dịch giờ đây không cần thiết thể hiện trên giấy cũng như sự có mặt của các bên tham gia giao dịch.

Cũng như các giao dịch truyền thống, vấn đề chứng cứ trong các giao dịch điện tử có vai trò vô cùng quan trọng, bởi khi có tranh chấp xảy ra, các bên muốn chứng minh yêu cầu của mình hay sự phản đối yêu cầu của bên kia đều phải dựa trên các chứng cứ được pháp luật thừa nhận.

Chính vì vậy, nhà làm luật thường quy định đồng thời các vấn đề vốn liên quan đến yếu tố “hình thức” như chứng cứ điện tử, chữ ký điện tử hoặc chỉ quy định về chữ ký điện tử và coi quy định về chữ ký điện tử chính là nền tảng để thừa nhận các giao dịch điện tử.

Các vấn đề về chứng cứ điện tử (thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử) quy định trong dự thảo Luật Giao dịch điện tử hiện nay có thể nói đã đi theo xu hướng chung của thông lệ quốc tế là thừa nhận giá trị pháp lý của loại chứng cứ này và trao quyền rất rộng cho toà án, trọng tài trong việc đánh giá chứng cứ.

An Khang