Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giao dịch liên quan quyền sử dụng đất: Giảm nhiệt ! 

Cập nhật ngày: 07/10/2022 - 00:39

BTN - Báo Tây Ninh có nhiều bài viết phản ánh tình trạng “quá tải” tại các Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh các huyện, thị xã, thành phố liên quan đến QSDĐ, trong đó có chuyển nhượng QSDĐ tăng đột biến.

Hiện nay người dân đến giao dịch liên quan đến QSDĐ tại Văn phòng đăng ký đất đai- chi nhánh huyện Tân Biên đã giảm hẳn

Theo Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, trong 9 tháng năm 2022, toàn tỉnh tiếp nhận mới 313.837 hồ sơ liên quan quyền sử dụng đất (QSDĐ), tồn chuyển sang 2.973 hồ sơ; tổng số hồ sơ cần xử lý 316.810 hồ sơ, tăng 63,66% so với cùng kỳ năm trước (tăng 123.229 hồ sơ). Qua đó cho thấy giao dịch liên quan đến QSDĐ trong tỉnh tăng mạnh.

Báo Tây Ninh có nhiều bài viết phản ánh tình trạng “quá tải” tại các Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh các huyện, thị xã, thành phố liên quan đến QSDĐ, trong đó có chuyển nhượng QSDĐ tăng đột biến. Nguyên nhân do có thông tin tỉnh sẽ ban hành quy định mới tách thửa đất nhằm siết chặt tình trạng “phân lô, bán nền”, nhất là đối với đất nông nghiệp.

Có thời điểm, tại một số văn phòng đăng ký đất đai- chi nhánh các huyện, thị xã, thành phố, người dân đến liên hệ làm thủ tục phải đi sớm để bốc thăm. Từ đó dẫn đến việc một số đối tượng lợi dụng tình trạng trên bốc thăm “bán lại” cho người có nhu cầu để kiếm lợi, gây mất an ninh trật tự… Tuy nhiên, theo tìm hiểu, gần đây lượng hồ sơ liên quan QSDĐ tại văn phòng đăng ký đất đai- chi nhánh các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh giảm mạnh.

Một cán bộ công tác tại Văn phòng Đăng ký đất đai- chi nhánh huyện Tân Biên cho biết, so với thời điểm trước đây, lượng hồ sơ giao dịch liên quan QSDĐ hiện nay giảm khoảng 50%. Riêng các giao dịch liên quan đến chuyển nhượng QSDĐ (nhất là khu đất có dấu hiệu phân lô, bán nền) càng ít. Chủ yếu đất nông nghiệp được chuyển nhượng đã tách sẵn từ trước.

Tại Văn phòng Đăng ký đất đai- chi nhánh thị xã Hoà Thành, người dân đến giao dịch liên quan đến đất đai cũng không còn nhộn nhịp như trước. Một cán bộ công tác tại đây cho biết, lượng hồ sơ liên quan đến QSDĐ, nhất là chuyển nhượng QSDĐ giữa người dân với nhau đã giảm khoảng 50%.

 Văn phòng Đăng ký đất đai- chi nhánh huyện Tân Châu không còn cảnh đông đúc như thời điểm tháng 6. Một cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai- chi nhánh huyện Tân Châu cho biết, lượng hồ sơ giao dịch mới tiếp nhận đã giảm mạnh, chỉ còn khoảng 50% so với thời điểm trước đây, nhất là đối với hồ sơ chuyển nhượng, tách thửa QSDĐ nông nghiệp.

Vậy có phải thị trường đất đai ở tỉnh đã giảm? C- một cò đất có thâm niên cho biết, gần 3 tháng qua, C chưa giới thiệu thành công mảnh đất nào. Không chỉ C mà nhiều “cò đất” cũng rơi vào cảnh tương tự. Theo C, hiện khách tìm mua đất ở có sẵn nhà là chủ yếu, không còn cảnh khách hàng mua đất nông nghiệp để "lướt sóng" bán kiếm lời như thời gian trước đây. Những khách hàng lỡ mua đất nông nghiệp đang phải rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười” vì bán không ai mua do ai cũng sợ mua đất nông nghiệp gặp nhiều hệ luỵ.

 C chia sẻ, tình trạng “cò nhiều, khách ít” nên nhiều “cò đất” đã bỏ nghề đi kiếm việc làm khác. Các đầu nậu đất chuyển hướng làm ăn theo kiểu mua đất trống rồi cất nhà bán cho khách hàng ở những xã vùng ven đô thị, còn đối với đất nông nghiệp bây giờ chẳng có đầu nậu nào dám mua khu đất có diện tích lớn để phân lô như trước đây. Hiện nay tình trạng quảng cáo bán đất nông nghiệp trên mạng xã hội cũng đã giảm hẳn so với trước.

Thời gian qua tỉnh đã quyết liệt chấn chỉnh tình trạng “sốt đất ảo” nên các đầu nậu và cò đất tạm thời “án binh bất động”. Tuy nhiên, vấn đề “đầu nậu” thâu tóm và cò đất tung hoành vẫn là vấn đề được tỉnh chú trọng, có những giải pháp hữu hiệu ngăn chặn, đây là điều cần thiết để thiết lập lại thị trường bất động sản của tỉnh trong thời gian tới.

Thế Nhân