Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giáo dục mầm non ngoài công lập: Còn nhiều điều phải băn khoăn

Cập nhật ngày: 13/01/2011 - 09:24

Nhằm ngăn ngừa tiêu cực và chấn chỉnh hoạt động nuôi dạy trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, vừa qua, Sở GD- ĐT đã tiến hành kiểm tra, khảo sát một số cơ sở mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh. Theo đánh giá của Sở GD- ĐT, bên cạnh những mặt tích cực, hệ thống giáo dục mầm non ngoài công lập cũng đang tồn tại nhiều vấn đề không dễ giải quyết được!

Không thể không có

Theo nhận định của ngành giáo dục, loại hình trường lớp mầm non ngoài công lập trong những năm gần đây phát triển khá nhanh. Điều này đáp ứng được phần lớn nhu cầu gửi trẻ của nhân dân, giảm bớt áp lực cho các trường công lập, nâng cao tỷ lệ huy động trẻ ra lớp trong độ tuổi và góp phần thực hiện công tác xã hội hoá giáo dục. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 85 cơ sở mầm non ngoài công lập, trong đó có 4 trường và 81 điểm, nhóm trẻ. Tổng số trẻ em đang được nuôi dạy tại các cơ sở này là gần 3.000 cháu, trong đó trẻ 5 tuổi có gần 500 cháu.

Hồn nhiên (ảnh chỉ có tính minh hoạ).

Theo đánh giá, phần lớn các cơ sở mầm non tư thục (MNTT) đều được trang bị bàn, ghế đúng quy cách, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của học sinh mầm non. Đồ dùng, đồ chơi được trang bị khá đầy đủ. Một số cơ sở MNTT còn đầu tư thực hiện xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, trang bị được cả đồ chơi ngoài trời. Tuy nhiên việc trang bị đồ dùng, đồ chơi bên trong lớp học còn hạn chế, chưa đáp ứng được các quy định của Bộ GD- ĐT.

Về việc chăm sóc trẻ, đáng mừng là đa số các cơ sở MNTT đều thực hiện nghiêm túc việc tổ chức ăn, ngủ và theo dõi sức khoẻ trẻ bằng biểu đồ tăng trưởng. Giáo viên phụ trách lớp được tổ chức khám sức khoẻ định kỳ. Phần lớn bếp ăn của các cơ sở thực hiện đầy đủ các quy định của ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên vẫn còn một số cơ sở chưa phối hợp với ngành Y tế  khám sức khoẻ định kỳ cho trẻ theo quy định.

Kết quả kiểm tra của Sở GD- ĐT cho thấy, các cơ sở MNTT thực hiện tương đối tốt chương trình giáo dục mầm non mới. Việc tổ chức soạn bài, giảng bài của giáo viên phù hợp độ tuổi trẻ, điều này giúp trẻ tiếp thu kiến thức tốt, tạo điều kiện để trẻ phát huy tính tích cực hoạt động.

Khó khăn còn nhiều

Có thể nói, cơ sở vật chất vẫn là điểm yếu của giáo dục mầm non ngoài công lập. Có không ít gia đình tận dụng một phần diện tích nhà ở để làm nơi nuôi dạy trẻ. Xét trên mọi khía cạnh, đặc biệt là yêu cầu sư phạm, điều này chưa đảm bảo được các điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt và học tập của trẻ.

Kết quả kiểm tra cho thấy chỉ có 60 trong tổng số 133 phòng học của các cơ sở mầm non ngoài công lập đạt yêu cầu về diện tích và thiết kế kỹ thuật phòng học. Trong tổng số 85 cơ sở thì chỉ có 30 cơ sở có nhà bếp riêng, phần còn lại là tận dụng bếp của gia đình. Hiện tại chỉ có khoảng hai phần ba số cơ sở có nhà vệ sinh riêng cho trẻ, còn lại dùng chung với hộ gia đình chủ cơ sở. Điều đáng nói là có 20 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập chưa được cấp giấy phép nhưng vẫn hoạt động.

Trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong tổng số gần 300 người thì chỉ có 9 cô có bằng đại học. Có nhiều bảo mẫu chưa hề được học một lớp tập huấn nào về nuôi dạy trẻ, kể cả tập huấn ngắn hạn. Việc thực hiện chế độ chính sách cho người lao động cũng còn bất cập: hiện nay chỉ có 2 cơ sở MNTT thực hiện đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Thu nhập của người lao động tại các cơ sở giáo dục mầm non nhìn chung còn thấp: người cao nhất được 3 triệu đồng/ tháng, người thấp nhất chỉ 1 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, nhiều cơ sở MNTT chưa thực hiện ký kết hợp đồng cho người lao động; chưa ký cam kết đảm bảo an toàn cho trẻ.

Có hai nguyên nhân cơ bản khiến cho loại hình giáo dục mầm non ngoài công lập còn nhiều hạn chế, khó khăn. Trước hết, vấn đề quy hoạch để phát triển cho loại hình này còn bất cập, chắp vá. Điều này được thể hiện rõ qua việc các cơ sở mầm non tư thục phát triển có tính chất tự phát. Thứ hai, nhu cầu gửi trẻ ngày càng tăng, đặc biệt là ở các khu, cụm công nghiệp và ở khu vực thị trấn, thị xã. Một khi cung chưa đáp ứng được cầu thì tất yếu sẽ nảy sinh nhiều vấn đề đáng lo ngại. Nói cho công bằng, để có một cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập hoạt động đúng chuẩn thì đòi hỏi phải đầu tư rất lớn về tiền bạc. Trong khi đó, các cơ sở MNTT thường ngại thu học phí quá cao (do người gửi trẻ thường là người nghèo, công nhân viên chức thu nhập thấp) vì thế các chủ cơ sở không đủ khả năng để xây dựng trường lớp đúng chuẩn. Tất nhiên không loại trừ trường hợp chủ cơ sở đủ khả năng về tài chính nhưng vì mục tiêu lợi nhuận nên không muốn đầu tư nhiều.

Cần được đặc biệt quan tâm

Về lâu dài, việc quy hoạch, sắp xếp hệ thống giáo dục mầm non ngoài công lập cần được tính toán khoa học. Đặc biệt ở những địa phương có khu, cụm công nghiệp, Nhà nước và nhà đầu tư cần dành quỹ đất và kinh phí xây dựng các cơ sở giáo dục mầm non để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của công nhân. Thực trạng nhiều gia đình công nhân trẻ hiện nay rất bối rối không biết gửi con ở đâu. Dư luận đã “kêu” nhiều nhưng hình như sự chuyển biến còn chậm.

Đ.V.T

 

 

 


 
Liên kết hữu ích