Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ông Nguyễn Thành Tâm- Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh và đại diện một số ban ngành có liên quan tiến hành đợt khảo sát về thực trạng của giáo dục mầm non tại một số huyện, thị trên địa bàn tỉnh. Mục đích của đợt khảo sát nhằm làm rõ những bất cập đang tồn tại trong bậc học mầm non, qua đó tìm giải pháp tháo gỡ.
(BTN)- Như tin đã đưa, trong hai ngày 27 và 28.12.2012, ông Nguyễn Thành Tâm- Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh và đại diện một số ban ngành có liên quan tiến hành đợt khảo sát về thực trạng của giáo dục mầm non tại một số huyện, thị trên địa bàn tỉnh. Mục đích của đợt khảo sát nhằm làm rõ những bất cập đang tồn tại trong bậc học mầm non, qua đó tìm giải pháp tháo gỡ.
Trảng Bàng: “bí” nguồn giáo viên
Tại huyện Trảng Bàng, đoàn khảo sát làm việc với Trường mẫu giáo Rạng Đông (xã An Tịnh) và lãnh đạo Phòng Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT). Bà Nguyễn Thị Bạch, Hiệu trưởng nhà trường phản ánh: Theo quy định, giáo viên mầm non làm việc 6 tiếng đồng hồ mỗi ngày, thế nhưng thực tế, giờ công lao động của giáo viên ở đây thường khoảng 10 tiếng mỗi ngày. “6 giờ 30 phút, các cô đã phải có mặt để đón học sinh. Đến chiều, có khi những học sinh sau cùng được bố mẹ đến đón về thì mặt trời đã lặn, lúc ấy các cô mới được nghỉ”.
Học sinh Trường mầm non Rạng Đông (An Tịnh - Trảng Bàng) trong giờ ngủ trưa. |
Cũng liên quan đến chế độ làm việc của giáo viên mầm non, bà Dương Thị Mỹ Liên- cán bộ phụ trách bậc học mầm non Phòng GD-ĐT Trảng Bàng cho biết thêm: Do chưa có trường bán trú, lại phải dạy hai buổi mỗi ngày nên giáo viên mầm non ở một số xã trong huyện phải đi về đến bốn lần trong ngày. Những giáo viên được phân công dạy ở điểm lẻ còn vất vả hơn. “Đi riết hết cả tiền đổ xăng”- bà Liên bày tỏ sự cảm thông với các cô giáo. Bà cũng tỏ ra lo lắng về chuyện sắp tới xã Hưng Thuận có hai giáo viên mầm non đến tuổi nghỉ hưu mà ngành chưa biết tìm người ở đâu ra để “bù vào chỗ trống”. Thấy trước nguy cơ thiếu hụt giáo viên mầm non, hằng năm ngành Giáo dục Trảng Bàng tổ chức tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp về ngành Sư phạm mầm non cho học sinh phổ thông, tuy nhiên kết quả không mấy khả quan. Theo tính toán, đến năm 2015, Trảng Bàng cần thêm 296 giáo viên mầm non.
Không chỉ vấn đề đội ngũ, cơ sở vật chất trường lớp cũng đang là một thách thức không nhỏ của giáo dục mầm non. Bà Nguyễn Thị Bạch- Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Rạng Đông đề nghị cấp thẩm quyền xem xét tách trường này làm hai, do hiện nay khoảng cách giữa điểm chính và điểm lẻ của trường quá xa, bất tiện cho khâu quản lý mà giáo viên họp hành, đi lại cũng vất vả, tốn kém. Ông Phạm Thành Trung- cán bộ phụ trách cơ sở vật chất của Phòng GD-ĐT tính toán: Đến năm 2015, Trảng Bàng cần phải xây thêm 100 phòng học cho bậc học mầm non. Một trong những nguyên nhân khiến trẻ mầm non ở Trảng Bàng tăng mạnh là do có khu công nghiệp, thu hút số lượng lớn người nhập cư.
Theo ông Phạm Ngọc Hải- Trưởng phòng GD-ĐT Trảng Bàng, không ít công trình phục vụ giáo dục mầm non đang tồn tại những bất hợp lý về mặt thiết kế tổng thể. Ông cũng cho rằng mục tiêu đến năm 2015 phải hoàn thành tiến độ phổ cập bậc học mầm non là không phù hợp. Bởi bậc học này đang thiếu giáo viên, thiếu phòng học trong khi số lượng trẻ trong độ tuổi thường xuyên biến động theo chiều hướng gia tăng.
Thị xã: quá tải nghiêm trọng
Cả hai vị hiệu trưởng của Trường mầm non 1.6 và Tuổi Ngọc đều cho rằng, giáo viên mầm non đang bị quá tải bởi công việc. Nhà trường phải thuê bảo mẫu để phụ giúp cô giáo chăm sóc trẻ, tuy nhiên, chế độ dành cho những “cô giáo phụ” này lại thấp. Theo quy định, trong một lớp mầm non, nếu cứ tăng thêm 10 cháu thì nhà trường được phép hợp đồng thêm một bảo mẫu (ngoài cô giáo chính) song vấn đề là “Thuê thì tiền đâu để trả?”. Bà Dương Ngọc Yến- Hiệu trưởng Trường mầm non 1.6 nói. Thực tế hiện nay có lớp sĩ số lên tới 59 (theo quy định không được quá 35 cháu). Chính vì thế, khối lượng công việc mà giáo viên mầm non đang đảm nhiệm rất nặng.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh- Trưởng phòng GD-ĐT Thị xã nêu ý kiến đề nghị: Nên xem xét giảm tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non, vì tâm lý học sinh mầm non chỉ thích các cô giáo trẻ. Theo bà, nên giải quyết cho giáo viên mầm non nghỉ hưu ở tuổi 50. Có khả năng đến năm 2015, Thị xã sẽ thiếu 156 giáo viên mầm non và thiếu 56 phòng học, chưa kể các hạng mục khác.
Tân Biên: Âu lo chuyện phổ cập
Ông Ngô Văn Rẻ- Trưởng phòng GD-ĐT Tân Biên không giấu được vẻ lo âu cho biết: Hiện tại, học sinh 5 tuổi ở Tân Biên đến trường chỉ đạt hơn 86%, thấp hơn tỷ lệ chung của toàn tỉnh. Theo ông, thời hạn đến năm 2015 phải hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi là chưa phù hợp, vì ở những vùng khó khăn, biên giới, việc huy động trẻ đến trường không dễ. Hiện tại, Tân Biên chưa có xã nào được công nhận đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi. Để hoàn thành tiến độ phổ cập, ông Rẻ kiến nghị không nên thu học phí đối với học sinh mầm non. Đến năm 2015, Tân Biên cần thêm 49 phòng học và 222 giáo viên mầm non. Trường chưa có thì có thể xây nhưng làm sao tuyển cho đủ số giáo viên đang cần quả là nan giải. Trong thực tế, ngay cả một số sinh viên dù được đào tạo Sư phạm mầm non theo địa chỉ cũng… từ chối trở về phục vụ. Năm học này, toàn huyện đang thiếu 65 giáo viên mầm non.
Mở rộng vùng tuyển giáo viên?
Chiều 28.12.2012, đoàn khảo sát đã làm việc với Sở GD-ĐT và một số ngành liên quan.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hồng Sơn- Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đã giải trình một số thắc mắc xung quanh vấn đề cơ sở vật chất của ngành Giáo dục. Ông đề nghị cần làm rõ thêm về mạng lưới trường lớp, quy hoạch đất đai để có sự đầu tư đúng hướng. Ông Nguyễn Thành Tuân- Phó trưởng Ban Văn hoá- Xã hội- HĐND tỉnh đề nghị cần xem lại khoảng cách quá gần giữa Trường mầm non Tuổi Ngọc và Bệnh viện Đa khoa tư nhân Lê Ngọc Tùng. Bà Nguyễn Thị Xếp- Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, để thực hiện mục tiêu 100% số trường mầm non hoạt động theo mô hình trường bán trú, cần phải đầu tư rất lớn cho cả con người lẫn cơ sở vật chất.
Phát biểu tại cuộc làm việc, ông Nguyễn Thành Tâm cho rằng trước tình trạng thiếu hụt đội ngũ giáo viên mầm non trầm trọng, nên chăng tính đến phương án tuyển giáo viên ở các tỉnh khác? Thực tế cho thấy học sinh phổ thông ở Tây Ninh ngày càng không mặn mà với nghề dạy học, nhất là với ngành Sư phạm mầm non. Cũng theo ông, tình trạng quá tải trong hệ thống giáo dục mầm non ở Thị xã hiện đã trở nên nghiêm trọng, cần phải xem xét vấn đề này thật nghiêm túc.
Thực ra, những điều bất cập trong lĩnh vực giáo dục mầm non không phải bây giờ mới có. Đây cũng không phải là chuyện của riêng tỉnh, thành nào mà là của chung cả nước. Có thể nói giáo dục mầm non chưa được quan tâm đúng mức trong nhiều thập niên qua. Đáng lý phổ cập giáo dục mầm non phải được ưu tiên làm trước, thì ngành Giáo dục lại chủ trương phổ cập tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông rồi mới quay lại bậc mầm non 5 tuổi. Phổ cập tiểu học mất 25 năm, phổ cập trung học cơ sở mất 10 năm nhưng chỉ dành có 5 năm để hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi- trong khi cơ sở vật chất lẫn đội ngũ giáo viên đều thiếu thốn.
VIỆT ĐÔNG