Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giáo dục thay đổi thế nào trong thời đại AI? 

Cập nhật ngày: 06/09/2020 - 09:13

TS Ellie Phương D. Nguyễn, làm việc ở Khoa Sinh hóa & Sinh học phân tử, Đại học bang Oklahoma, Mỹ, chia sẻ góc nhìn về thay đổi của giáo dục trong tương lai.

Chúng ta đang ở thời đại 4.0 khi mà trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence) đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và được ứng dụng rộng rãi trong rất nhiều lĩnh vực để dần thay thế sức lao động của con người. Trong tương lai không xa nữa robot và máy tính sử dụng trí tuệ nhân tạo sẽ dần thay thế rất nhiều công việc trong xã hội. Có nghĩa là phần lớn những trẻ em đang đến trường bây giờ trong tương lai sẽ làm những công việc mà thậm chí bây giờ còn chưa được biết đến.

Vậy chúng ta phải giáo dục thế hệ trẻ hiện nay như thế nào để chuẩn bị cho những ngành nghề hoàn toàn mới này trong tương lai?

Trước tiên để tránh nghề nghiệp hay công việc dễ bị máy móc và robot thay thế, ta cần tránh làm các công việc sau (vì đã có robot thay thế): Công việc mang tính rập khuôn, lặp đi lặp lại; tiếp xúc hóa chất nguy hiểm, mất vệ sinh; ít đòi hỏi sự sáng tạo, đổi mới.

Ngược lại, ta hãy chọn đầu tư những lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng, đồng thời trang bị cho mình kỹ năng quan trọng để phát triển trong kỷ nguyên số, khi mà việc tiếp cận kiến thức và thông tin đã rất thuận lợi. Cái cần tập trung phát triển hiện nay là phát triển khả năng sáng tạo, tư duy phản biện, kỹ năng hợp tác làm việc nhóm và khả năng lãnh đạo.

Bên cạnh đó, Covid-19 là biến cố ảnh hưởng toàn cầu, chưa từng có trong lịch sử, tác động không chỉ là trong thời gian ngắn. Đại dịch cũng sẽ thay đổi cách nhìn, quan niệm, lối sống trước đây của mọi người trong rất nhiều ngành nghề.

Như ở Mỹ, ngay trước đại dịch đã có nhiều gia đình lựa chọn homeschooling, tức là học tại nhà, tỷ lệ năm 2019 tầm 3,4% tức khoảng 2 triệu học sinh Mỹ đang học tại nhà thay vì đến trường. Vì từ năm 1993, luật pháp Mỹ cho phép cha mẹ quyền lựa chọn loại hình giáo dục cho con, nhưng yêu cầu ở mỗi bang mỗi khác để đảm bảo trẻ em dù học ở nhà vẫn được trang bị kiến thức cơ bản phù hợp với độ tuổi. Sau đại dịch, xu hướng homeschooling dự đoán ngày càng tăng, kết hợp với thời đại số hóa 4.0 sẽ càng tạo thuận lợi cho việc này.

Tiến sĩ Ellie Phương D. Nguyễn. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nếu nói riêng về giáo dục ở Mỹ và nhiều nước khác thì Covid-19 đã buộc giáo viên, học sinh và phụ huynh phải thích nghi với học online bắt đầu từ kỳ xuân 2020 và vẫn đang học trong kỳ thu, đồng thời cũng trải nghiệm một cách học mới tức là online toàn thời gian chưa từng biết trước đây ở cấp phổ thông. Các khóa học online miễn phí từ đại học hàng đầu thế giới như Harvard, MIT, Stanford đã ngày càng trở nên phổ biến. Do vậy việc học online hay bằng cấp online sẽ trở nên phổ biến, chiếm vị trị quan trọng trong giáo dục tương lai.

Trong thời đại 4.0, chủ đề vẫn được thảo luận thường xuyên ở các webinar hay hội thảo giáo dục Mỹ của tổ chức NSTA (National Science Teaching Association) là phát triển và triển khai STEM (Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật - Toán) vào giảng dạy phổ thông. Đơn cử sự kiện Virtual Event 2020 về STEM20 được tổ chức vào 4 tuần trong tháng 7 từ cấp mẫu giáo, tiểu học đến trung học cho các nhà giáo dục và quản lý, nhằm tạo động lực, cảm hứng và thu hút nhiều hơn học sinh giỏi của Mỹ vào lĩnh vực khoa học công nghệ STEM.

Một phần quan trọng trong phương pháp giáo dục theo định hướng STEM hiện nay là nâng cấp lên thành STEAM (STEM+Arts) & STREAM (STEM +Arts+Reading). Nghĩa là học sinh không chỉ được dạy kiến thức khoa học mà còn được dạy cách học thế nào cho hiệu quả trong môi trường có nhiều tính nghệ thuật sáng tạo và rèn luyện kỹ năng tổng hợp kiến thức từ việc tăng cường đọc sách, biết cách đặt câu hỏi và phản biện hay tranh luận, học cách thiết kế thí nghiệm để kiểm tra giả thuyết khoa học của mình, được khuyến khích để sáng tạo ra cái mới và đề xuất ươm mầm ý tưởng mới.

Việc này sẽ góp phần tích cực vào việc thích nghi và đáp ứng những nhu cầu mới của xã hội 4.0 trong tương lai khi mà trí tuệ nhân tạo của máy móc, robot sẽ cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ với kỹ năng và trí tuệ của con người.

Nguồn VNE


Liên kết hữu ích