Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Giáo dục Tiểu học vùng biên giới: Mười năm và những bước đi

Cập nhật ngày: 17/11/2010 - 10:50

Cùng với việc phấn đấu duy trì chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Tây Ninh luôn chú trọng công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, mở rộng mô hình học 2 buổi một ngày ở các trường tiểu học trong tỉnh. Bên cạnh đó, thực hiện kế hoạch chung của tỉnh về xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh khu vực biên giới, hệ thống trường tiểu học thuộc khu vực các xã biên giới Tây Ninh trong những năm qua không ngừng được đầu tư phát triển.

Tháng 12.1997, Tây Ninh đã được công nhận hoàn thành công tác phổ cập giáo dục tiểu học. Tuy nhiên, đến năm học 2000-2001, các trường vùng biên giới Tây Ninh còn tồn tại một thực tại vô cùng khó khăn: tỷ lệ học sinh thất học, bỏ học lên tới 11,29%. Ngành Giáo dục và Đào tạo Tây Ninh đề ra nhiều biện pháp: tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống trường, lớp để đáp ứng nhu cầu đến trường của học sinh, tổ chức tốt việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa, chú trọng bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý… nỗ lực từng bước khắc phục khó khăn, thu hút trẻ tới trường.

Năm học 2002-2003 là năm đầu tiên thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học bắt đầu từ lớp 1. Đến nay, các trường đã hoàn thành nội dung chương trình sau 5 năm thay sách. Các trường tiểu học thuộc các xã biên giới cũng đã được đầu tư các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, phương tiện dạy học và tiến hành triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa đúng theo tiến độ.

Năm học 2010-2011, ở 20 xã biên giới Tây Ninh đã có 55 ngôi trường tiểu học gồm 627 lớp với 14.555 học sinh theo học. Mạng lưới trường lớp ở các xã vùng biên giới được mở rộng, bình quân có 2,7 trường tiểu học trong 1 xã. Riêng xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng do khó khăn về địa hình vùng sông nước nên đã có tới 6 trường tiểu học (với 9 điểm trường) đóng trên địa bàn xã, có ngôi trường như Trường tiểu học Phước Hội chỉ vỏn vẹn 45 học sinh. Để tạo điều kiện thuận lợi trong việc huy động trẻ ra lớp hằng năm, những ngôi trường như vậy vẫn cần phải được duy trì. Mặt khác, ở những nơi tập trung dân cư, học sinh học 2 buổi một ngày từng bước được mở rộng ở những trường có điều kiện. Mười năm qua, từ chỗ các xã biên giới chỉ có 1 trường tổ chức học 2 buổi một ngày với 175 học sinh trên 5 lớp đã tăng lên 44 trường, 268 lớp với 7.019 học sinh, góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Từ chỗ có 2 cán bộ quản lý, 85 giáo viên trực tiếp đứng lớp chưa được đào tạo đạt chuẩn, đến nay các thầy cô đã nỗ lực phấn đấu theo các chương trình đào tạo và tự đào tạo, 100% cán bộ, giáo viên đạt chuẩn theo quy định.

Một giờ học ở Trường TH Long Phước, huyện Bến Cầu

Trước thực tế chất lượng giáo dục vùng biên giới còn chênh lệch nhiều so với mặt bằng chung của tỉnh, Sở GD - ĐT Tây Ninh đã chủ động đăng ký với Hội đồng Khoa học tỉnh thực hiện đề tài “Nâng chất chất lượng giáo dục và đào tạo cho học sinh tiểu học 20 xã vùng biên giới”. Đề tài được nghiệm thu với kết quả xuất sắc, xếp loại A. Việc ứng dụng đề tài vào thực tế giảng dạy đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Từ chỗ số học sinh yếu chiếm tỷ lệ 14,6% năm học  2000 - 2001, năm học 2006 - 2007 giảm xuống 6,6%, đến năm học vừa qua số học sinh yếu chỉ còn 267 em, tỷ lệ 1,9%.

Song song với sự đầu tư của Nhà nước, công tác xã hội hoá giáo dục đã thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội đầu tư cho sự nghiệp giáo dục vùng biên. Dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của Bộ GD - ĐT có mục tiêu cải thiện cơ hội tiếp cận trường tiểu học và nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, không đi học và những trẻ em có nguy cơ không hoàn thành giáo dục tiểu học. Là một trong 40 tỉnh, thành phố trong cả nước được hưởng thụ dự án, Tây Ninh có 3 huyện với 87 trường tiểu học tham gia dự án gồm Tân Biên (32 trường), Tân Châu (35 trường) và Bến Cầu (20 trường). Quỹ hỗ trợ điểm trường của dự án trong những năm qua đã cấp cho Tây Ninh 2 tỷ 779 triệu đồng  để giúp trực tiếp tất cả trẻ có hoàn cảnh khó khăn đi học, trang bị cho trẻ khuyết tật các đồ dùng như kính, nạng, dụng cụ học tập phù hợp, trẻ khó khăn có quần áo và đồ dùng học tập. Mỗi năm, mỗi trường tham gia dự án tiếp nhận 13,6 triệu đồng trong nguồn Quỹ hỗ trợ đến trường của dự án để mua sắm trang thiết bị, hỗ trợ trẻ em nghèo về sách giáo khoa, tập vở, quần áo, gạo…, đồng thời kết nối mạng internet, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và học tập. 100% giáo viên hằng năm được dự án tổ chức tập huấn về phương pháp để nâng cao chất lượng giảng dạy và học. 14 tỷ 417 triệu đồng đã được dự án cấp cho Tây Ninh, trong đó có 11 tỷ 033 triệu đồng kinh phí xây dựng và sửa chữa phòng học, 4 tỷ 384 triệu đồng là kinh phí mua sắm, đấu thấu học phẩm, đồ dùng dạy học, sách giáo khoa và các trang thiết bị phục vụ dạy và học. Với nguồn kinh phí trên, Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng, sửa chữa bàn giao đưa vào sử dụng 113 phòng học mới ở 43 điểm trường vùng sâu, biên giới.

Tổ chức SAIGON CHILDREN’S CHARITY (SCC), một tổ chức phi chính phủ được thành lập năm 1992 với mục đích giúp trẻ em nghèo kém may mắn có cơ hội học tập vươn lên đã gắn bó với phong trào giáo dục vùng khó khăn Tây Ninh trong mười năm qua. SCC đã tài trợ hơn 520 triệu đồng xây dựng và sửa chữa 13 phòng học tại Tây Ninh. Ba năm qua, thầy và trò Trường THPT Trương Vĩnh Ký (TP.HCM) cũng đã tặng quà trị giá gần 2 tỷ đồng cho các trường biên giới huyện Châu Thành.

Mặc dù có nhiều khó khăn về kinh phí nhưng ngành giáo dục và chính quyền địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia ở các xã biên giới. Năm học 2004-2005, với sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, ngành GD-ĐT đã tiếp tục đầu tư xây dựng Trường tiểu học Phước Chỉ đạt chuẩn quốc gia. Cuối năm 2009, tiếp tục công nhận đạt chuẩn Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân (Tân Châu). Thông qua Ban Liên lạc Hội đồng hương Tây Ninh tại TP.HCM, Công ty Bia Sài Gòn đã tài trợ cho xã Phước Vinh– một xã nghèo thuộc vùng biên giới của huyện Châu Thành công trình trung tâm học tập cộng đồng với kinh phí là 174 triệu đồng do Hội Khuyến học Tây Ninh làm chủ đầu tư.

Tăng tỷ lệ trẻ 6 tuổi ra lớp một, hạ thấp tỷ lệ lưu ban và học sinh bỏ học, tất cả các xã biên giới được tiếp tục công nhận, duy trì và nâng cao tỷ lệ đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phát triển trường chuẩn quốc gia và loại hình lớp học 2 buổi một ngày là những công việc mà ngành đang tập trung quan tâm, huy động mọi nguồn kinh phí để thực hiện, từng bước thay đổi bộ mặt giáo dục tiểu học vùng biên giới.

Anh Tuấn