Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Giáo dục và Đào tạo: Nỗ lực khắc phục khó khăn
Thứ ba: 23:06 ngày 29/08/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày 29.8, Sở Giáo dục và Đào tạo tổng kết năm học 2022-2023 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024. Dự lễ tổng kết có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, đại diện Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh cùng đại diện các sở, ban, ngành liên quan.

Dự lễ tổng kết có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, đại diện Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh cùng đại diện các sở, ban, ngành liên quan.

Ông Lê Thành Công - Phó ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ trao quyết định công nhận danh hiệu Tập thể Lao động Xuất sắc cho đại diện Trường THPT Hoàng Văn Thụ.

Giáo dục mầm non, tiểu học phát triển

Toàn tỉnh hiện có 133 trường mầm non, mẫu giáo. Mạng lưới trường, lớp cấp học mầm non đã được quy hoạch và phát triển theo hướng bền vững, phân bổ rộng khắp 94/94 xã, phường, thị trấn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh. Năm học 2022-2023 có 37.172 trẻ mầm non ra lớp.

Các trường mầm non, mẫu giáo tỉnh Tây Ninh thực hiện tốt việc bảo đảm an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho trẻ, 133/133 trường mầm non, mẫu giáo và 100/100 cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) độc lập tư thục được phòng GD&ĐT kiểm tra đánh giá đạt tiêu chuẩn “cơ sở GDMN an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích” theo quy định.

Có 230 cơ sở GDMN tổ chức bán trú, tăng 17 cơ sở so với cùng kỳ; 100% cơ sở GDMN tổ chức bán trú sử dụng phần mềm dinh dưỡng để thiết lập dưỡng chất, xây dựng thực đơn, quản lý chặt chẽ chất lượng bữa ăn tại trường/lớp, đáp ứng các yêu cầu điều kiện về an toàn thực phẩm, bảo đảm cân đối, hợp lý về dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm và phù hợp với cá nhân trẻ.

Cả tỉnh có 188 trường tiểu học gồm 311 điểm trường, giảm 7 trường so với cuối năm học 2021-2022 do sắp xếp lại quy mô trường lớp. Tổng số học sinh cuối năm học là 99.726 học sinh (năm học này có hơn 200 học sinh tiểu học bỏ học). Hiện tại, 128 trường tiểu học tổ chức cho 100% lớp học 2 buổi/ngày trong phạm vi toàn trường.

Cấp học này có 57 trường tổ chức bán trú gồm 25.290 học sinh, tỷ lệ học sinh học bán trú đạt 25,36% (tăng 14,46% so với năm học 2021-2022). Các trường tổ chức bán trú luôn bảo đảm các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm, nơi ăn, ngủ cho học sinh.

Tây Ninh tiếp tục duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2. Trong đó, có 4/94 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2; 90/94 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn mức độ 3; 1/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn mức độ 2 và 8/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Cấp THCS, THPT cơ bản không có gì thay đổi so với năm học trước.

Đại diện Công ty cổ phần đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam (bên trái) tặng 350 triệu đồng để Sở GD&ĐT mua SGK cho học sinh hoàn cảnh khó khăn và thiết bị phục vụ dạy học trong nhà trường.

Phân luồng học sinh hiệu quả thấp

Sở GD&ĐT đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phân luồng học sinh đạt được nhiều kết quả theo chỉ tiêu của kế hoạch. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp nghề có tăng hằng năm nhưng vẫn ở mức thấp (11,5%-16,7%), trong khi tỷ lệ theo kế hoạch được giao vào năm 2025 là 40%.

Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng đạt thấp do các em khi tốt nghiệp THPT tiếp tục tham gia học đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khác, trong khi tỷ lệ theo kế hoạch được giao vào năm 2025 là 45%.

Hội nhập quốc tế trong giáo dục

Sở GD&ĐT chỉ đạo TTGDNN-GDTX, các công ty tư vấn du lịch, trường THPT tiếp tục tổ chức tư vấn du học cho học sinh, sinh viên có nhu cầu theo thoả thuận hợp tác đào tạo giữa các đơn vị, trường học với Trường đại học Minh Tân, Đài Loan (Trung Quốc) từ năm 2018; hợp tác với Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện Chương trình học bổng tiếng Anh Access giai đoạn 2022-2023 do Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tài trợ. Toàn tỉnh hiện có 4 trung tâm tư vấn du học được Sở GD&ĐT cấp phép hoạt động. Các cơ sở tư vấn du học hiện đang hoạt động đúng theo quy định. Hằng năm có khoảng 10.000 học sinh THCS và THPT tham gia tư vấn du học.

Khó khăn, hạn chế

Đạt được nhiều kết quả nhưng năm học 2022-2023 cũng còn không ít hạn chế cần khắc phục. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp nghề tuy có tăng hằng năm như vẫn ở mức thấp. Tỷ lệ huy động trẻ từ 3-5 tuổi đến lớp đạt thấp hơn chỉ tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, nhận thức của một số cán bộ, công chức, nhà trường và xã hội đối với công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh chưa đầy đủ. Người dân vẫn còn tâm lý thích làm thầy hơn làm thợ; coi trọng bằng cấp trong tuyển dụng lao động; thông tin về thị trường lao động còn hạn chế. Cha mẹ học sinh vẫn chưa quan tâm đến việc học nghề, chỉ muốn con mình tiếp tục học văn hoá hoặc đại học.

Điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ cho công tác giáo dục hướng nghiệp, nhất là ở vùng khó khăn còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu; năng lực đào tạo của các trường nghề trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu học tập theo định hướng phân luồng (hằng năm chỉ đáp ứng tối đa 15% số học sinh không vào trường THPT). Chưa có cơ chế chính sách phù hợp để xã hội, các tổ chức kinh tế - xã hội, cá nhân đầu tư để phát triển giáo dục và đào tạo.

Kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách

Sở GD&ĐT kiến nghị Bộ GD&ĐT ban hành thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16.3.2015 và Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12.7.2017 quy định về danh mục vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Chính phủ cần điều chỉnh bổ sung Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 7.10.2020 quy định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng giữ nguyên quy định bố trí không quá 3 cấp phó đối với các trường có quy mô lớn (trường có từ 28 lớp trở lên, trường có nhiều cấp học, trường có nhiều điểm trường và trường phổ thông dân tộc nội trú, trường chuyên).

Do một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25.9.2020 quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, kiến nghị Bộ GD&ĐT sớm trình Chính phủ nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định này nhằm tháo gỡ bất cập, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức thực hiện. Kiến nghị Chính phủ bổ sung hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 4.6.2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025, chưa quy định điều kiện chuyển đổi các trường công lập sang trường tư thục.

Ông Nguyễn Văn Phước- Giám đốc Sở GD&ĐT lưu ý: 2023-2024 là năm học thứ 4 triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11. Các trường chuẩn bị chu đáo mọi mặt cho công tác khai giảng năm học mới. Trong đó, cần triển khai các biện pháp để việc dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đạt hiệu quả.  

Việt Đông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh