Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hồ bơi có chiều dài khoảng 12m, rộng hơn 5m, được xây trên khu đất của Giáo sư Trần Văn Tín và do ông tự tay thiết kế, lắp đặt thiết bị vận hành cho hồ.
Giáo sư Trần Văn Tín (bìa phải) và Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Phước (giữa) bên hồ bơi vừa hoàn thiện.
Với sự chứng kiến của đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gò Dầu, lãnh đạo Sở GD&ĐT Tây Ninh, chính quyền địa phương, ngày 1.8, tại ấp Suối Cao B, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu, Giáo sư Trần Văn Tín (công tác tại Viện Khoa học phát triển tài năng Việt Nam trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) chính thức vận hành hồ bơi dành cho học sinh, người dân trong khu vực.
Hồ bơi có chiều dài khoảng 12m, rộng hơn 5m, được xây trên khu đất của Giáo sư Trần Văn Tín và do ông tự tay thiết kế, lắp đặt thiết bị vận hành cho hồ.
Giáo sư Trần Văn Tín cho biết, ngoài thời gian công tác trong nước, mỗi năm ông có hai tháng dạy học tại Hàn Quốc. Một người bạn học của Giáo sư Tín hiện giữ chức Thứ trưởng Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã cùng ông vận động sinh viên Hàn Quốc góp tiền xây hồ bơi trong vùng nông thôn cho học sinh Việt Nam nhằm giảm thiểu tình trạng đuối nước. Toàn bộ số tiền sinh viên Hàn Quốc góp được trao cho Giáo sư Tín. Ông mang khoản tiền này về xây hồ bơi để phục vụ miễn phí cho người dân trong khu vực ấp Suối Cao B, trong đó, đối tượng ưu tiên là học sinh phổ thông.
“Hiện tại hồ bơi chỉ hoàn thành giai đoạn 1, tôi sẽ tiếp tục mở rộng kích thước hồ hoặc xây thêm hồ bơi thứ hai để phục vụ cho học sinh trên địa bàn ấp Suối Cao B và trong xã Phước Đông”- Giáo sư Tín thông tin.
Giáo sư Trần Văn Tín đậu thủ khoa Trường đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh vào năm 1987, sau đó nhận học bổng du học tại Ukraine. Năm 1997, sau khi về nước 2 năm, ông được giới thiệu vào giảng dạy tại Đại học Mở Cần Thơ, nhưng vì mẹ bệnh nặng, ông phải trở lại TP. Hồ Chí Minh chăm sóc.
Thời gian này, ông tự mày mò nghiên cứu, khi truyền thông đưa thông tin sóng của điện thoại di động có ảnh hưởng xấu đến tai người, ông đã thử nghiệm và cho ra đời sáng chế đầu tay mang tên “Bộ chống xung động màng nhĩ tai khi nghe điện thoại di động” hay còn gọi “màng bảo vệ tai”. Công trình vừa ra đời đã được một doanh nghiệp Malaysia trả giá 24.000 USD.
Năm 2006, bộ ba sản phẩm tiết kiệm điện, gas và xăng của ông vinh dự được nhận Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt, Cúp Sen Vàng, giải Cầu Vàng. Đây là tiền đề và là động lực cho những sáng chế cải tiến sau này của ông.
Năm 2012, ông được cấp bằng tiến sĩ tại Nga; cùng thời gian này, ông được Đại học Nambu (Hàn Quốc) trao bằng Giáo sư danh dự vì đã có đóng góp vượt trội cho nghiên cứu sáng chế.
Giáo sư Trần Văn Tín có một trung tâm dạy nghề và việc làm cho thanh niên khuyết tật ở phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP. Hồ Chí Minh, tạo cơ hội việc làm cho nhiều thanh niên khuyết tật trên địa bàn Thành phố.
Việt Đông