Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Ngày 20.8, gần 50 giáo viên đang dạy tiếng Việt ở 16 quốc gia, vùng lãnh thổ về Việt Nam để tập huấn với tác giả bộ sách "Chào tiếng Việt"
TS Nguyễn Thụy Anh tập huấn cho giáo viên dạy tiếng Việt từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ - Ảnh: VĨNH HÀ
Đây là hoạt động do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức nhằm hỗ trợ cho hoạt động duy trì, lan tỏa tiếng Việt trong các cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Các giáo viên đến từ 16 nước và vùng lãnh thổ như Anh, Đức, Pháp, Thái Lan, Lào, Đài Loan… Nhiều giáo viên dự tập huấn lần này từng có trên 5 năm dạy Tiếng Việt ở nước ngoài. Có người là giáo viên dạy tiếng Việt trong các trường học, có người dạy ở trung tâm văn hóa cho cả người lớn và trẻ em theo hình thức tự nguyện.
Khó khăn lớn nhất đối với giáo viên dạy Tiếng Việt ở nước ngoài là thiếu tài liệu và thiếu phương pháp để dạy tiếng Việt như một ngoại ngữ đối với những người lớn lên ở nước ngoài, ít được tiếp cận với tiếng Việt cũng như văn hóa Việt Nam.
Tại buổi tập huấn, TS Nguyễn Thụy Anh, tác giả bộ sách giáo khoa "Chào tiếng Việt", trực tiếp trao đổi, hướng dẫn và dạy mẫu.
Trước đó, bộ sách "Chào tiếng Việt" biên soạn riêng cho giáo viên và học sinh dạy học tiếng Việt ở nước ngoài do NXB Giáo dục Việt Nam biên soạn đã ra mắt. Bộ sách có sáu cấp độ, hiện đã bắt đầu được sử dụng trong dạy tiếng Việt ở nhiều quốc gia. Một số nơi, sách được đưa vào thư viện các trường học để học sinh tham khảo, sử dụng chung.
"Chào tiếng Việt" dành cho lứa tuổi từ 6-15 có cấu trúc khác biệt với sách giáo khoa tiếng Việt trong nước, thiết kế theo câu chuyện và hành trình của nhân vật Miu Nguyễn từ Ra khơi (cấp độ 1), Khám phá (cấp độ 2), Thử thách (cấp độ 3), Kết nối (cấp độ 4), Cống hiến (cấp độ 5) đến Trưởng thành (cấp độ 6).
Tại buổi tập huấn, một số giáo viên cho biết bản thân họ thấy cách thiết kế sách hấp dẫn và việc học tập được thực hiện qua chuối hoạt động vừa học, vừa chơi, khám phá. Không chỉ giúp trẻ em ở nước ngoài học tiềng Việt mà khơi dậy lòng yêu nước qua những điều giản dị: yêu những người thân trong gia đình, trong cộng đồng người Việt, yêu thích cảnh đẹp, món văn, văn hóa truyền thống Việt Nam.
TS Nguyễn Thụy Anh cho biết có những việc cha mẹ nói mãi không vào đầu trẻ nhưng với việc "học mà chơi" trẻ ghi nhớ rất sâu. Ví dụ như trẻ em Việt Nam ở nước ngoài hay nói "làm trà" chứ không nói "pha trà". Để ghi nhớ, giáo viên có thể hướng dẫn trẻ một "vũ điệu pha trà" bằng loạt hành động ngộ nghĩnh: lấy cốc, cho đường, khuấy khấy khuấy… trong tiếng nhạc vui nhộn.
Trong buổi tập huấn trên, Ủy ban Nhà nước về người Việt ở nước ngoài, NXB Giáo dục và Tổng lãnh sự nước CHXHCN Việt Nam tại Fukuoka (Nhật Bản) cũng phối hợp ra mắt tủ sách tiếng Việt đặt tại lãnh sự quán.
Tủ sách có trên 50 đầu sách với khoảng 450 cuốn sách dành cho người mới học tiếng Việt là người Việt, gốc Việt thế hệ thứ 2, 3, 4 ở nước ngoài, trẻ em trong các gia đình đa văn hóa, có yếu tố người Việt, hoặc dành cho người dạy tiếng Việt, người nghiên cứu tiếng Việt ở nước ngoài.
Hiện các xuất bản phẩm của NXB Giáo dục Việt Nam đã đến được với cộng đồng ở nhiều nước trên thế giới như: Đức, Áo, Hungary, Slovakia, Bỉ, Luxembourg, Pháp, Nga, Qatar, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Trung Quốc…
Nguồn TTO