Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Giáo viên chủ nhiệm - không phải “ai cũng được”
Thứ sáu: 07:16 ngày 27/06/2014

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Có một thực tế là khi phân công chuyên môn, hiệu trưởng nhà trường chỉ tập trung phân công những giáo viên có kinh nghiệm làm chủ nhiệm các lớp cuối cấp. Những giáo viên trẻ hoặc giáo viên thiếu tiết dạy được phân công chủ nhiệm các khối lớp 10, 11 sao cho số giờ lên lớp trong tuần không vượt quy định (17 tiết).

Để trở thành một giáo viên chủ nhiệm giỏi đòi hỏi người thầy người cô phải vừa có tâm vừa có tầm (ảnh minh hoạ).

Trước đây, báo Tây Ninh có đăng một số bài viết đề cập những khó khăn, vất vả và cả những bất cập trong công tác chủ nhiệm lớp của giáo viên. Sở GD-ĐT Tây Ninh cũng từng tổ chức hội thảo, tập huấn về vấn đề này. Tuy nhiên, tại các cuộc hội thảo và tập huấn, hầu như những người trong ngành chỉ nêu lên khó khăn, vất vả của người giáo viên chủ nhiệm, mà chưa thấy có ý kiến nào lý giải vì sao lại có thực trạng đó. Mới đây, một giáo viên dạy học tại Tây Ninh (hiện đang làm nghiên cứu sinh) đã mạnh dạn nêu ra câu trả lời cho câu hỏi: Vì sao công tác chủ nhiệm lớp lại yếu kém? Câu trả lời này nằm trong một đề tài khoa học mà vị này đang thực hiện.

Theo giải thích, hiện nay việc phân công giáo viên làm chủ nhiệm lớp không căn cứ vào năng lực của giáo viên mà theo hướng... cào bằng. Theo quy định, mỗi tuần giáo viên chủ nhiệm được tính 4,5 tiết (tức là công tác chủ nhiệm lớp được quy đổi bằng 4,5 tiết dạy). Trong đó, giáo viên chủ nhiệm phải tham gia cùng lớp 2,5 tiết (1 tiết sinh hoạt cờ, 1 tiết sinh hoạt chủ nhiệm, 0,5 tiết tham gia hoạt động ngoài giờ lên lớp). Như vậy, giáo viên chủ nhiệm chỉ còn 2 tiết để làm hàng loạt công việc liên quan đến công tác chủ nhiệm. Theo quy định, số tiết chuẩn dành cho giáo viên bậc trung học phổ thông là 17 tiết/tuần, trung học cơ sở 19 tiết/tuần. Có một thực tế là khi phân công chuyên môn, hiệu trưởng nhà trường chỉ tập trung phân công những giáo viên có kinh nghiệm làm chủ nhiệm các lớp cuối cấp. Những giáo viên trẻ hoặc giáo viên thiếu tiết dạy được phân công chủ nhiệm các khối lớp 10, 11 sao cho số giờ lên lớp trong tuần không vượt quy định (17 tiết). Như vậy, có thể thấy, ban giám hiệu chưa chú ý đúng mức đến việc phân công chủ nhiệm lớp, nghĩa là không chú trọng đến năng lực quản lý của giáo viên đó. Thực tế cho thấy, có giáo viên dạy rất hay nhưng không có “năng khiếu” chủ nhiệm lớp và ngược lại. Thêm vào đó, một số giáo viên bị xem là có trình độ chuyên môn thuộc loại... yếu yếu thường không được bố trí dạy nhiều lớp vì ban giám hiệu sợ ảnh hưởng đến chất lượng bộ môn chung của trường. Chính vì vậy, để bảo đảm số giờ chuẩn, hiệu trưởng thường phân công những giáo viên này làm chủ nhiệm để bù vào số tiết thiếu so với quy định. Thực tế, những giáo viên yếu chuyên môn thì thường... yếu luôn năng lực giáo dục học sinh. Điều này giải thích vì sao trong cùng một trường nhưng có lớp số học sinh bỏ học, hạnh kiểm yếu, lưu ban, thi lại cứ cao hơn hẳn các lớp còn lại.

Theo khảo sát của tác giả đề tài, hiện giáo viên chủ nhiệm trong trường phổ thông đang thiếu những kỹ năng cần thiết. Cụ thể, về tổ chức lớp học giáo viên chủ nhiệm thường chỉ phân công ban cán sự lớp theo cảm tính, hoặc theo sự tiến cử của giáo viên chủ nhiệm cũ hoặc do sự bầu chọn của một nhóm học sinh. Khi bầu chọn không đúng đối tượng, cán sự lớp khó hoàn thành nhiệm vụ vì không được số đông ủng hộ. Có trường hợp, cán sự lớp bị hụt hẫng, học hành sa sút. Trong công tác quản lý hồ sơ lớp, giáo viên chủ nhiệm chỉ mới dừng lại ở việc quản lý học sinh theo kiểu hành chính, chưa tìm hiểu và nắm vững tâm lý, đặc điểm, hoàn cảnh gia đình từng học sinh, đặc biệt là học sinh cá biệt. Không ít giáo viên chủ nhiệm không hề biết gia đình học sinh ở đâu để mà liên lạc khi có sự cố xảy ra như học sinh đánh nhau, bỏ học, tai nạn... Một số giáo viên chủ nhiệm lại “số hoá” các lời phê trong học bạ bằng những mộc chữ quen thuộc đến nhàm chán, vô cảm: “Giỏi, chăm, ngoan”; “Khá, chăm, ngoan”. Như vậy, khi nhìn vào học bạ của học sinh, người ta không khỏi nhận ra giáo viên chủ nhiệm không hề quan tâm hoặc quan tâm quá ít tới học sinh của mình.

Công tác phối hợp giữa giáo viên chủ nhiệm với các bộ phận khác như giáo viên bộ môn, giáo viên làm công tác đoàn thể được nhìn nhận là chưa đạt yêu cầu. Giáo viên chủ nhiệm chưa dành thời gian trao đổi với giáo viên bộ môn đang dạy lớp mình, chưa có sự kết hợp chặt chẽ với gia đình học sinh; từ đó, không nắm bắt được đầy đủ thông tin, dẫn đến việc khen thưởng hoặc kỷ luật không đúng, gây tâm lý bất mãn, bất phục nơi học sinh.

Nguyên tắc giáo dục là việc nêu gương, biểu dương và khiển trách luôn đi đôi với nhau. Tuy nhiên, đa số giáo viên thường có tâm lý chung là phê bình học sinh trước khi tuyên dương, khen thưởng. Do đó, giờ sinh hoạt chủ nhiệm thường diễn ra trong không khí nặng nề. Những học sinh bị trách phạt cảm thấy mặc cảm, thua kém bạn bè quá nhiều. Trong giờ sinh hoạt, giáo viên chủ nhiệm thường căn cứ vào báo cáo của bộ phận quản sinh để... la mắng, hoặc “giảng đạo” làm cho học sinh đâm sợ giờ sinh hoạt cuối tuần.

Một vấn đề nữa, theo tác giả đề tài là có một bộ phận không nhỏ học sinh, nhất là học sinh trung học phổ thông không nể phục trình độ, năng lực (và có khi là cả đạo đức) của giáo viên chủ nhiệm. Tâm lý chung của các em là chỉ nể phục những thầy cô giáo dạy giỏi và có cái tâm trong sáng. Những giáo viên dễ dãi bằng lòng với những gì mình đã được học, không có ý chí phấn đấu, chỉ biết an phận và chấp nhận bị tụt hậu... sẽ không thu hút được học sinh- ngay cả học sinh do mình làm chủ nhiệm. Vì thế, bên cạnh trình độ chuyên môn, giáo viên chủ nhiệm cũng cần biết “tự giáo dục” bản thân. Thông qua cách cư xử, cách sống, cách dạy... người thầy sẽ khẳng định tài năng, đạo đức trước học sinh. Những thầy cô giáo không thể hiện được sự gương mẫu chắc chắn không dành được sự kính trọng của các em học sinh, và không  thể nào làm tốt công tác chủ nhiệm được.

VIỆT ĐÔNG

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục